Bất bình đẳng giới trong start-up
Khảo sát của tổ chức này vào năm 2021 cho thấy ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có dưới 20% các start-up nhận vốn đầu tư mạo hiểm có ít nhất một người sáng lập là nữ. Trong khi đó, về phía các quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 70% quỹ đầu tư mạo hiểm không có người đối tác là nữ giới.
"Đó là lý do tại sao ESG (tiêu chí về Environment - Social - Governance) trong bình đẳng giới lại quan trọng. Xu hướng là các dòng vốn đầu tư dành nhiều quan tâm hơn về câu chuyện bình đẳng giới, những start-up có cách tiếp cận nghiêm túc, minh bạch về yếu tố này trong các khoản đầu tư của mình sẽ có lợi thế hơn trong tiếp cận vốn.
Tuy nhiên trong tình hình chung hiện nay kinh tế khó khăn, đây chỉ là một trong những yếu tố được các nhà đầu tư cân nhắc", bà Hậu nói.
Bà Trần Ngọc Thảo - giám đốc điều hành TMS Việt Nam - cho rằng hiện nay các công ty công nghệ vốn có đặc thù nam nhiều hơn nữ, khi đăng tuyển đã lồng vào khuyến khích ứng viên nữ.
Khi xét tuyển, nếu ứng viên nam đạt 8 điểm, nữ 6 điểm thì nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên chọn ứng viên nữ để đáp ứng yêu cầu cân bằng giới. Các công ty đa quốc gia, hiện có ưu tiên với tỉ lệ 40-60 hoặc 30-70, thậm chí một số công ty của Pháp đặt tiêu chí 50-50.
"Trong môi trường lao động đang thay đổi với sự "đổ bộ" của lực lượng lao động gen Z với những ý thức mới về tự do, bình đẳng, cũng như với những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới, DEI (Diversity, Equity, Inclusion), tức là các yếu tố đa dạng, bình đẳng và dung hợp ngày càng trở nên quan trọng", bà Thảo chia sẻ về xu hướng.
Nữ giới sở hữu doanh nghiệp còn thấp
Tại Việt Nam, sự quan tâm đến bình đẳng giới tại nơi làm việc đã tăng đáng kể nhờ chính sách nhà nước và hội nhập quốc tế. Luật Bình đẳng giới 2006 và Bộ luật Lao động quy định rõ việc cấm phân biệt đối xử về giới trong tuyển dụng, trả lương, đào tạo, thăng tiến và các hoạt động khác.
Hiện tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam thuộc loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch giữa sự tham gia của nữ giới và nam giới.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2022, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động nữ là 62,7%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với tỉ lệ nam giới là 75,5%. Ngoài ra, tỉ lệ nữ sở hữu doanh nghiệp vẫn còn khá thấp, khoảng 20%, và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Maya Juwita, giám đốc về bình đẳng giới tại nơi làm việc, Investing in Women tin tưởng GEARS@VIETNAM sẽ giải quyết một cách chiến lược những thách thức chính mà phụ nữ trong khu vực tư nhân ở Việt Nam phải đối mặt, bao gồm việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển sự nghiệp cũng như đảm bảo môi trường làm việc an toàn và thuận lợi cho nhân viên.
“Tiếp nối thành công ở các quốc gia khác như Philippines, Indonesia và Myanmar, chúng tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để kiến tạo sự thay đổi có hệ thống và mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả các giới”, bà Maya Juwita nói.
Chương trình GEARS@VIETNAM được thiết kế để giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến giới, đa dạng và dung hợp tại nơi làm việc một cách chiến lược và toàn diện.
Việc tham gia chương trình này tạo cơ hội cho doanh nghiệp có được sự xác nhận và bằng chứng vững chắc về các nỗ lực trách nhiệm xã hội để hỗ trợ báo cáo ESG của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận