10/03/2014 08:00 GMT+7

Biểu tình bùng phát ở đông Ukraine

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Tại Crimea, sự hiện diện của các lực lượng Nga vẫn chưa gây ra đổ máu. Nhưng căng thẳng tăng nhiệt nhanh chóng kể từ khi bán đảo này tuyên bố muốn gia nhập Nga.

Các tay súng cản trở người nước ngoài vào CrimeaCrimea và hạm đội Biển Đen, lợi ích cốt lõi của NgaThổ Nhĩ Kỳ đưa 6 máy bay chiến đấu chặn máy bay Nga

lrs5Jq1s.jpgPhóng to
Người gốc Ukraine biểu tình ở thành phố Simferopol, thủ phủ Crimea, hôm 9-3 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, mới đây chính quyền Ukraine cho biết trong đêm 8-3, một nhóm lính Nga đã chiếm một đội phòng vệ tên lửa ở thành phố Sevastopol và chiếm thêm một chốt biên giới tại phía tây Crimea hôm 9-3. Thủ tướng Ba Lan đã cho di tản công dân tại khu vực này. Các nhân chứng mô tả hàng chục xe tải quân sự chở theo các binh lính vũ trang hạng nặng xuất hiện ở Crimea sau khi có tin khoảng 200 xe quân sự đổ bộ vào phía đông bán đảo.

Trong khi đó, quyền thị trưởng Dmitry Belik của thành phố Sevastopol cho biết sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 16-3, khu vực này có thể sáp nhập vào Nga như một thực thể riêng rẽ. Cuối ngày 9-3, đụng độ đã xảy ra tại Sevastopol giữa các nhóm ủng hộ Nga và các nhóm ủng hộ chính quyền mới của Kiev. Nguồn tin AFP cho biết khoảng 100 người thân Nga dùng dùi cui tấn công một nhóm khoảng 200 người tuần hành kỷ niệm ngày sinh anh hùng dân tộc Ukraine Taras Shevchenko.

Biểu tình bùng phát

Trong ngày 9-3, các cuộc biểu tình của những người ủng hộ và chống Nga bùng nổ tại nhiều nơi ở Ukraine. Tại thành phố Donetsk ở miền đông Ukraine, khoảng 3.000 người thân Nga biểu tình tại khu vực trung tâm. Trước đó, lãnh đạo Pavel Gubarev của lực lượng biểu tình đã đề xuất trưng cầu ý dân để người dân tỉnh Donetsk bày tỏ ý kiến về việc tách khỏi Ukraine để sáp nhập Nga. “Tôi không ưa những lời nói dối mà truyền thông ở Kiev đưa, nhưng tôi ghét hơn hết việc chiếm quyền ở Kiev. Điều này là bất hợp pháp” - một người biểu tình ở Donetsk nói.

Cùng ngày, hơn 2.000 người đã tụ tập tại quảng trường Tự Do ở Kharkov, yêu cầu lãnh đạo địa phương từ chức, đồng thời ủng hộ việc trưng cầu ý dân về quy chế của tỉnh này. Tại thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, truyền thông địa phương đưa tin quân đội Nga đã lập căn cứ tại khu vực Chongar gần thành phố. Một ngôi trường tại đây đã gửi học sinh về nhà.

Sau tuyên bố của Nga về Crimea, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra tối hậu thư ngoại giao cho Matxcơva. “Việc tiếp diễn căng thẳng quân sự cùng với các bước tiếp nhận Crimea của Nga sẽ khiến ngoại giao bị vô hiệu hóa” - ông Kerry nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Nhà Trắng cho biết Mỹ và các đồng minh cùng nhất trí hối thúc Nga rút các lực lượng quân sự tại Crimea và cho phép các quan sát viên quốc tế đi vào bán đảo. Mới đây, Reuters dẫn lời người phát ngôn Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) cho biết đoàn 40 quan sát viên quốc tế bị bắn chặn khi tìm cách đi vào Crimea. Nhóm này được Kiev chấp thuận nhưng chưa có sự đồng ý của chính quyền Crimea.

Nguy cơ ảnh hưởng đến START

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục chỉ trích chính quyền Kiev lệ thuộc vào những kẻ theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phương Tây với điều kiện đối thoại trung thực và tránh ý đồ khiến chúng tôi bị xem như một phần của xung đột. Chúng tôi không gây ra cuộc khủng hoảng này” - ông Lavrov tuyên bố. Trên Facebook, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng hối thúc trang bị các vũ khí hiện đại cho quân đội Nga để dập các đe dọa từ NATO và Mỹ.

Căng thẳng cũng đe dọa thỏa thuận START mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang cân nhắc việc cấm Washington thanh tra các vũ khí hạt nhân của Matxcơva như trong thỏa thuận. Hãng tin RIA dẫn các nguồn tin quân sự Nga cho biết đây là động thái nhằm phản ứng việc Mỹ cắt quan hệ quân sự với Nga.

Bộ Ngoại giao CH Czech cho hay bốn quốc gia Trung Âu gồm Ba Lan, Czech, Hungary và Slovakia đã yêu cầu Mỹ nới lỏng các điều kiện nhập khẩu khí đốt của Washington và thảo luận về việc giảm lệ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Năm 2009, tranh cãi giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu. Trước đó, châu Âu cũng lên kế hoạch cung cấp khí đốt cho Ukraine trong trường hợp bị Matxcơva cắt nguồn cung.

Theo giới phân tích, Nga đang đối mặt với một ván cược kinh tế lớn tại Crimea trong bối cảnh kinh tế nước này đang đối mặt với các khó khăn. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ làm gia tăng các nguy cơ đối với kinh tế Nga vốn đang suy yếu vì sự tuột giá của đồng rúp và giảm nguồn vốn đầu tư. “Sự tháo chạy vốn có thể tăng cùng với các đe dọa trừng phạt kinh tế. Nga không đủ sức cho một cuộc chiến tranh lạnh” - AFP dẫn lời Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch nhận định.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên