Người dân nín thở khi đi trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội đầy bụi, nơi có nhiều công trình đang xây dựng - Ảnh: NAM TRẦN
Bộ TN-MT cũng như UBND TP Hà Nội đều khẳng định ô nhiễm không khí tăng cao thường xảy ra vào thời điểm giao mùa các năm, tức là có tính quy luật, nhưng lại không có giải pháp ứng phó và khuyến cáo sớm để người dân chủ động phòng tránh.
Ngay từ thời điểm trước giao mùa, trước đợt ô nhiễm vừa qua, lẽ ra các cơ quan chức năng phải truyền thông để cảnh báo về xu hướng và nguy cơ có thể xảy ra ô nhiễm sắp tới để người dân chủ động các giải pháp phòng tránh.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết từ ngày 12-9 đến nay, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.
Theo ông Vũ Đăng Định - chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, ngoài các nguyên nhân từ 12 nguồn thải chính, ô nhiễm bụi tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thường tăng cao vào thời điểm chuyển mùa.
Ô nhiễm do... khách quan?
Ông Nguyễn Văn Tài - tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nói việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa ở Hà Nội và TP.HCM là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.
"Tại TP.HCM, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa, cuối mùa mưa và đầu mùa khô, điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện hiện tượng mù quang hóa, chất lượng không khí có diễn biến theo chiều hướng xấu" - ông Tài nói.
Ông Tài cũng thời cho rằng biến động của bụi PM10 và bụi mịn PM2.5 tại khu vực miền Bắc, trong đó có Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu.
Cũng theo ông Tài, PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.
"Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí" - ông Tài nói.
Trong khi đó, theo ông Mai Trọng Thái - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), tình trạng ô nhiễm không khí gần đây có hai nguyên nhân khách quan, đó là tình hình thời tiết bất lợi và khí hậu cực đoan.
"Trong thời điểm chuyển mùa, với những hiện tượng chênh lệch nhiệt giữa buổi sáng và buổi trưa, sáng sớm xuất hiện những hiện tượng về sương, dẫn đến các vấn đề đối lưu không khí, khiến cho việc thoát những chất ô nhiễm trong không khí chậm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí" - ông Thái cho hay.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) nhìn nhận thời điểm giao mùa sẽ có những ngày thời tiết không thuận lợi cho việc vận chuyển và phát tán chất ô nhiễm đi xa.
"Khi đó, các chất ô nhiễm chỉ luẩn quẩn ở tầng không khí thấp, làm gia tăng ô nhiễm, cộng với tình trạng đốt rơm rạ nữa thì ô nhiễm còn trầm trọng hơn" - ông Cơ nhận định, đồng thời cho rằng cần phải có giải pháp ứng phó giảm nhẹ mức độ ô nhiễm ngay từ trước thời điểm giao mùa.
Biết trước nhưng không cảnh báo?
Dù khẳng định việc gia tăng ô nhiễm bụi thường rơi vào thời điểm giao mùa, tức là đợt ô nhiễm đã được báo trước, nhưng các cơ quan chức năng lại không có giải pháp ứng phó kịp thời, cũng không có động thái cảnh báo trước, để người dân bị động trước hiện tượng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Phải sau gần 3 tuần ô nhiễm không khí kéo dài, nhiều ngày chất lượng không khí đã suy giảm tới ngưỡng kém và xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cơ quan chức năng mới lên tiếng cảnh báo.
Theo bà Ngụy Thị Khanh - giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh, các cơ quan liên quan chưa phản ứng đúng với mức độ nghiêm trọng của thực tế ô nhiễm, nhất là khi tác động từ ô nhiễm không khí vừa qua đến đời sống người dân là rất lớn, nhiều gia đình cả nhà ốm, hết viêm mũi, họng đến viêm đường hô hấp.
"Suốt đợt ô nhiễm kéo dài gần 3 tuần, các cơ quan chức năng đã không có giải pháp ứng phó nào, thậm chí việc cảnh báo, khuyến cáo tới người dân cũng thực hiện chậm" - bà Khanh nói.
Chuyên gia khí tượng thủy văn, GS.TS Phan Văn Tân cho rằng nếu đã có số liệu khoa học về sự gia tăng ô nhiễm không khí, mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng hơn vào thời điểm giao mùa, rất cần phải có cảnh báo trước tới người dân.
"Khi đã biết trước đến thời điểm này khí hậu bất lợi, nguồn ô nhiễm có thể phát tán chậm, ô nhiễm gia tăng, các cơ quan chức năng phải cảnh báo, thậm chí có những giải pháp quyết liệt trước giao mùa để hạn chế bớt các nguồn gây ô nhiễm" - ông Tân nói.
Theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, trong một số tình huống cấp bách, rửa đường là giải pháp hiệu quả để giảm bụi, trong đó việc phun rửa đường sẽ đẩy được bụi bẩn, đất cát trên đường phố trôi xuống cống rãnh. Tuy nhiên, do Hà Nội đã cắt bỏ rửa đường 3 năm nay, nguồn bụi bẩn sẽ lưu lại trên đường phố, từ đó cuốn vào không khí và cũng là nguồn ô nhiễm.
"Có thể việc cắt giảm rửa đường để tiết kiệm ngân sách, nhưng tác hại từ việc bụi bẩn không được thổi, rửa sạch trên đường, trong không khí thì người dân sẽ chịu ảnh hưởng. Vì vậy, rất cần phải duy trì hoạt động tưới rửa đường phố và phải làm thường xuyên để giảm bụi bẩn" - ông Đăng nói.
Thủ tướng: Phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ, rõ ràng hơn
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào chiều 2-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường, Hà Nội và TP. HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng, "không để vấn đề bức xúc như vậy, người dân kêu mà không xử lý".
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Lê Công Thành cho biết Hà Nội và TP.HCM đều đã có kế hoạch lắp thêm trạm đo về chất lượng không khí, cảnh báo kịp thời hơn cho người dân. Còn về dài hạn, Chính phủ có kế hoạch theo dõi, giám sát, tăng cường chất lượng không khí cũng như ban hành các quy định nhằm giảm các nguồn có thể phát thải bụi mịn vào không khí. (LÊ KIÊN ghi)
Trương Đình Tuấn Điệp (25 tuổi, Q.Cầu Giấy, Hà Nội):
Chơi thể thao cũng phải đeo... khẩu trang!
Chưa bao giờ chúng tôi thấy không khí ở Hà Nội ô nhiễm nặng như vừa qua. Chỉ bằng cảm nhận cũng thấy bụi bẩn đặc quánh trong không khí bởi các tuyến phố mù mịt bụi. Tình trạng ô nhiễm kéo dài ở Hà Nội khiến nhiều người ốm, bản thân thanh niên như tôi cũng ốm, mũi, họng đau rát và rất khó thở.
Người dân ở Hà Nội đầu tư những kiểu khẩu trang đặc biệt để dùng trong tình trạng không khí bị ô nhiễm gần dây - Ảnh: V.DŨNG
Nhiều người cho rằng Hà Nội có quá nhiều xe cộ trên đường, lượng khí thải ra môi trường rất lớn và là nguyên nhân ô nhiễm chính. Ngoài ra, các công trình xây dựng ở Hà Nội gây bụi bẩn khủng khiếp, rồi cả đào đường cũng chỉ san lấp tạm bợ.
Đáng nói hơn, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội dù kéo dài gần 3 tuần nay, người dân phải tự ứng phó, thậm chí tới ngày 1-10 các cơ quan chức năng mới đưa ra khuyến cáo về tình trạng ô nhiễm, hạn chế ra ngoài đường là quá chậm. Bởi đến khi được khuyến cáo, nhiều người dân đã ốm rồi.
Chúng tôi rất lo lắng khi mỗi ngày chất lượng không khí lại xấu hơn. Tôi thường chơi thể thao nhưng chưa bao giờ tôi phải vừa tập luyện ngoài công viên mà vẫn phải đeo khẩu trang như bây giờ. (DANH TRỌNG ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận