16/09/2024 03:21 GMT+7

Biết đường gập ghềnh, nhiều tân sinh viên nghèo miền Trung vẫn ước mơ làm bác sĩ

Trong hàng ngàn hồ sơ ứng cử học bổng Tiếp sức đến trường gửi đến báo Tuổi Trẻ, rất nhiều tân sinh viên với hoàn cảnh gia đình khó khăn đậu vào ngành y, điểm chung ở họ là một giấc mơ lớn lao và quyết tâm vượt gian khó chờ đợi ở phía trước.

Biết đường gập ghềnh, nhiều tân sinh viên nghèo miền Trung vẫn ước mơ làm bác sĩ - Ảnh 1.

Lê Tiến Đạt với chiếc xe máy được nhà hảo tâm tặng lúc còn học THPT - Ảnh: B.D.

Chúng tôi gặp hai tân sinh viên Quảng Nam đậu vào Trường đại học Y Dược Huế chỉ vài giờ trước khi họ từ làng quê cùng lên đường nhập học.

Hành trang ngoài những bộ áo quần nhàu cũ, sách vở, kỳ vọng của cha mẹ, còn thêm những lo toan trĩu nặng của gia đình với khoản chi phí học tập mỗi năm gần trăm triệu đồng.

Hai tân sinh viên với giấc mơ bác sĩ: Lê Tiến Đạt và Nguyễn Văn Thanh Trường - Thực hiện: THÁI BÁ DŨNG - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TRINH TRÀ

Từ ruộng vườn bước vào trường chuyên, mơ làm bác sĩ

Nhà của Lê Tiến Đạt nằm ở sát rìa sông, cuối thôn Nam Hà, xã Điện Trung (Điện Bàn, Quảng Nam).

Giữa trưa, Đạt đội mũ vải đứng giữa nắng để rút đống rơm khô chăm cho mấy con bò. Với gia đình nghèo này, bò là tài sản và có lẽ cũng là thứ duy nhất mà cha mẹ Đạt kỳ vọng sẽ gom góp đủ nuôi con trở thành một bác sĩ.

"Cháu nó vất vả từ nhỏ, tôi bệnh tật ốm đau liên miên. Một mình mẹ nó làm công nhân, chạy vạy khắp nhưng cũng chỉ đủ cơm qua ngày cho cả nhà. Giờ con đậu đại học, tôi mừng lắm, nhưng cũng lo nhiều, đêm không ngủ được" - cha Đạt, ông Lê Văn Trường ngồi bên con trai, nói.

Trưởng thôn Nam Hà - ông Hồ Xuân Đáng nói thôn này thuộc vùng lũ lụt nặng của xã. Bà con đều khó khăn nhưng hộ ông Trường khó hơn vì ông bệnh tật, nhà lại có 3 đứa con. Vợ ông Trường hằng ngày đi làm công ở xưởng cá, thu nhập chỉ đủ ăn.

Biết đường gập ghềnh, nhiều tân sinh viên nghèo miền Trung vẫn ước mơ làm bác sĩ - Ảnh 2.

Lê Tiến Đạt trước bức tường dán hàng giấy khen thành tích học tập - Ảnh: B.D.

Ngôi nhà của Đạt sơ sài, không có thứ gì có giá. Buổi trưa ngồi dưới mái nhà mà nóng ran như trong nồi hầm. Trên mấy bức tường, thứ được dán nhiều nhất là bằng khen, giấy khen và các giải thưởng học tập.

Đạt kể giai đoạn khó khăn nhất của những ngày đi học là năm lên lớp 10. Bạn đậu vào trường chuyên, nhưng muốn học thì phải có tiền ăn ở bán trú, rồi xe máy để đi về.

Cha mẹ Đạt lúc đó thở dài vì không thể gánh mỗi tháng 500.000 - 700.000 đồng cho con đi học, chưa nói sắm một chiếc xe máy. Đạt quyết định không học ở thành phố, mà chọn trường gần nhà.

Cô giáo chủ nhiệm biết chuyện bèn vận động phụ huynh, thầy cô quyên góp. Đạt được tặng một chiếc xe máy để đi lại. Các thầy cô, nhà hảo tâm ủng hộ sách vở, một ít tiền. Vậy là chàng học trò nghèo được đi học với ngôi trường mơ ước.

Cha Đạt nói nhà khó khăn vì chị cả của Đạt cũng vào đại học, sau Đạt còn có em nhỏ mới lên 2-3 tuổi. Cha Đạt bị tắc nghẽn phổi mãn tính, thời gian đi viện nhiều hơn ở nhà. Để có chút tiền nuôi con, ông tranh thủ bửng sáng đi chở da heo, da bò cho các lò mổ đưa đến chợ kiếm chút tiền.

Đạt nói những hình ảnh lam lũ, cơ cực và lao lực của cha mẹ cậu hằn sâu trong trí nhớ, tiếp thêm sức lực và lòng quyết tâm để bạn học thật tốt. Không có con đường nào khác ngoài việc đi học, mong thành một bác sĩ tương lai để Đạt quay lại đền ơn cha mẹ.

Con đường theo đuổi y khoa của sinh viên nghèo liệu có dở dang? - Ảnh 3.

Lê Tiến Đạt nuôi giấc mơ làm bác sĩ từ căn nhà đơn sơ - Ảnh: B.D.

Ba năm cấp 3, Đạt là học sinh nổi trội của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Hội An), Đạt được nhiều giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Để phụ thêm chi phí cho cha mẹ, Đạt còn đi dạy kèm cho các bạn nhỏ ở trong làng. Rảnh rỗi, bạn về nhà làm ruộng, cắt cỏ chăm mấy con bò. Khi thi xong tốt nghiệp THPT, Đạt áng điểm và biết chắc mình đậu vào Trường đại học Y Dược Huế.

Từ lúc đó bạn càng nỗ lực giúp cha mẹ nhiều hơn, lúc thì phụ ba đi chở da heo để đưa ra chợ, lúc thì ở nhà chăm em, chăm cả đàn bò để cha mẹ yên tâm đi làm kiếm tiền cho con vào đại học.

Cha làm thợ nề, mẹ rửa chén thuê nuôi con học sinh giỏi tỉnh, đậu trường y

Cách nhà Đạt không xa cũng có chàng tân sinh viên nghèo vừa đậu vào ngành y khoa Trường đại học Y Dược Huế. Nguyễn Văn Thanh Trường, nhà ở thôn Thanh Quýt 2 (Điện Thắng Trung, Điện Bàn), cũng vào đại học trong nỗi âu lo vì khoản phí học tập quá sức với cha mẹ.

Trước đó, cha của Trường phải ứng trước tiền công từ chủ đội thợ xây, kèm khoản dành dụm của mẹ và một ít tiền gom góp từ các giải thưởng mà Trường giành được trong năm lớp 12, tất cả dằn túi để gom góp cho hai mẹ con ra Huế.

Bà Ngô Thị Vui, mẹ Trường, năm nay đã 54 tuổi, đi rửa bát thuê. Cả nhà chỉ có một chiếc xe máy, khi cha đi thì mẹ lại đi bộ và ngược lại.

Con đường theo đuổi y khoa của sinh viên nghèo liệu có dở dang? - Ảnh 4.

Nguyễn Văn Thanh Trường với những tờ giấy khen có được lúc học THPT - Ảnh: B.D.

Hai chị đầu đã ra trường đi làm nhưng không phụ giúp được nhiều. Cha Trường năm nay 60 tuổi vẫn ngồi xe máy anh em trong làng đi phụ hồ mỗi sáng tới tối mịt mới về.

Bà Vui lấy tờ giấy, gạch các chi phí một năm học của Trường: học phí năm đầu tiên gần 50 triệu đồng, tiền trọ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Tiền ăn uống, điện nước… tiết kiệm lắm cũng không dưới 2 triệu đồng. Mà học y khoa thì tới 6 năm. Đó thật sự là một thử thách.

"Cứ nghĩ tới, lỗ tai tui lùng bùng. Con đậu, người ta mừng, chứ tui lại lo, vì cha nó yếu lắm rồi, mắt lại hỏng một con nên cứ lao lực như vậy thì sợ sẽ suy sụp. Mấy đêm nay tui không ngủ được vì tội nghiệp con, thương chồng" - bà Vui nói giọng rất buồn.

Ông Trương Công Nghĩa - trưởng khối phố Thanh Quýt (Điện Bàn) - xác nhận những khó khăn của gia đình Trường. Có cha mẹ là lao động tự do, thu nhập không cao nên việc theo được quá trình học đại học y khoa với Trường là thử thách lớn.

Con đường theo đuổi y khoa của sinh viên nghèo liệu có dở dang? - Ảnh 5.

Trường và mẹ tại nhà riêng ở Điện Bàn, Quảng Nam - Ảnh: B.D.

Chúng tôi choáng ngợp khi mẹ Trường mở cánh tủ lấy ra những chồng giấy khen, bằng khen, giải thưởng thành tích học tập.

Trường lãnh đủ hết các giải từ cao, thấp của trường lẫn tỉnh. Năm lớp 10, 11, cậu là học sinh xuất sắc nhất khối, tới năm 12 là học sinh xuất sắc nhất trường. Trường đoạt giải nhất học sinh giỏi toán cấp trường năm 11, 12.

Năm 12 tiếp tục đoạt giải nhất môn toán, giải 3 môn hóa kỳ thi học sinh giỏi hóa cấp tỉnh… Điều đáng nể nhất là các năm học cấp 3 Trường đều thi vượt cấp, hoàn thành chương trình học sớm để dành thời gian ôn thi đại học.

Với năng lực học tập tốt, Trường được xét thẳng vào nhiều trường đại học như Bách khoa Đà Nẵng, các đại học phía Nam… Nhưng Trường chọn thi để tranh suất vào Trường đại học Y Dược Huế. Với điểm số 27,5 điểm, Trường dư điểm vào ngành y khoa.

Con đường theo đuổi y khoa của sinh viên nghèo liệu có dở dang? - Ảnh 6.

Trường với thành tích học tập xuất sắc năm học 12 - Ảnh: B.D.

Trường cho biết giấc mơ được trở thành bác sĩ mà bạn luôn theo đuổi bao năm nay đã gần hơn. Tranh thủ thời gian hè, Trường đạp xe quanh xóm để dạy kèm cho các em nhỏ, lúc thì theo mẹ đi phụ việc ở nhà hàng để kiếm thêm chút tiền chuẩn bị lên đường vào đại học.

Trường bảo đã vạch ra lộ trình học, thời gian cho từng năm. Ngoài thời gian học, Trường sẽ đi làm thêm, tối dạy kèm để đỡ đần cho cha mẹ các khoản chi phí.

Tảng đá lớn liệu có làm tan những giấc mơ cháy bỏng?

Trong câu chuyện của cả Đạt và Trường, điều được nhắc nhiều nhất là khát khao được một ngày nào đó khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, màu áo đi theo cả những năm tháng học hành trong gian khó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của mỗi người, việc có thể theo hết 6 năm học là một tảng đá lớn không dễ vượt qua.

"Hoàn cảnh nhà mình quá khó khăn. Việc đậu vào trường y đã thành hiện thực nhưng khoản học phí mỗi năm 50 triệu đồng, cùng khoảng chừng ấy chi phí khác thực sự mình cũng chẳng biết làm sao. Rất mong bằng cách nào đó mình đi được tới đích" - Trường tâm sự.

Trong khi đó, Lê Tiến Đạt cũng khao khát bỏng cháy giấc mơ màu áo trắng, nhưng để có thể đi qua 6 năm với chi phí học tập vượt xa khả năng gia đình là điều vô cùng gian nan.

"Mình cố gắng học giỏi để làm bác sĩ. Ngày xưa đậu vô trường chuyên đã không đủ tiền đi học, nay vào trường y khoa mỗi năm chỉ riêng học phí cũng đã 50 triệu đồng rồi. Cha mẹ thì không đủ sức nữa nên bản thân rất buồn lo" - Đạt nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Nhập học với 2 triệu đồng - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.

Con đường theo đuổi y khoa của sinh viên nghèo liệu có dở dang? - Ảnh 7. Năm xưa xin 'ứng' học bổng Tiếp sức đến trường, nay Hiếu thành kỹ sư của Thaco Chu Lai

Có một kỹ sư trẻ đang làm việc tại Thaco Chu Lai liên hệ khi chương trình Tiếp sức đến trường 2024 khởi động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên