15/01/2014 08:19 GMT+7

Biện pháp kê khai tài sản đã mạnh mẽ

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Ông Phí Ngọc Tuyển (thanh tra viên cao cấp, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ) cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về chỉ thị của Bộ Chính trị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”.

Tổng bí thư: Phải làm cho người ta không dám tham nhũngKê khai tài sản còn hình thứcKê khai tài sản phải công khai tại nơi làm việc

JFCcvSl6.jpgPhóng to
Ông Phí Ngọc Tuyển (thanh tra viên cao cấp, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ) - Ảnh: Việt Dũng

1rnqzVz4.jpgẢnh: Thuận Thắng - tư liệu

Ông Phí Ngọc Tuyển

nói:

- Cần khẳng định việc kê khai tài sản là một trong các nội dung quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, khi tổng kết năm năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng thì đây là giải pháp được đánh giá ít hiệu quả.

Chính vì vậy, năm 2012 mặc dù chưa đến lúc sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng nhưng trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này đã đưa vào khá nhiều quy định mới về minh bạch tài sản, thu nhập.

* Đối với việc giải trình tài sản tăng thêm hằng năm thì sao?

- Người kê khai phải giải trình về tài sản tăng thêm. Thứ nhất là người có nghĩa vụ kê khai giải trình tại bản kê khai hằng năm về việc tài sản tăng thêm đó từ đâu mà ra. Thứ hai là giải trình theo yêu cầu của tổ chức. Ví dụ trong hoạt động hằng ngày, dựa trên bản kê khai mà đối chiếu với sinh hoạt thực tế, nếu thấy việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm có biểu hiện không hợp lý, tổ chức sẽ yêu cầu người kê khai giải trình và đưa ra các căn cứ, tài liệu để chứng minh. Nếu qua giải trình vẫn chưa rõ thì tổ chức xem xét tài sản của anh. Nghĩa là làm từng bước.

* Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ trong thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức? Theo ông thì vì sao?

- Quá trình thực hiện giải pháp về kê khai tài sản có mặt được. Trước hết là từ chỗ không kê khai, qua nhiều năm thực hiện giải pháp này thì kê khai tài sản trở thành việc bình thường của cán bộ, công chức, đảng viên.

Trong xã hội cũng coi việc công khai tài sản, thu nhập là cần thiết. Như vậy là từ chỗ không dám nghĩ đến, rồi nghĩ đến và bây giờ thấy rằng không những cần làm mà còn phải làm mạnh hơn.

Tuy nhiên nói đến kê khai, minh bạch tài sản cá nhân là đụng vào một vấn đề hiến định rất khó, phức tạp. Ngay trong gia đình, đến vợ chồng cũng chưa chắc biết hết thu nhập của nhau, ở đây lại đòi hỏi kiểm soát thu nhập của toàn xã hội.

Cho nên hạn chế nằm ở nhận thức, hoạch định chính sách thế nào, khi có chính sách rồi thì thực hiện còn e ngại.

Trong khi đó quy định pháp luật về minh bạch tài sản còn nhiều bất cập, ví dụ kê khai những loại tài sản nào, tổ chức thực hiện ra sao, đó là cả một vấn đề. Từ chỗ kê khai, chúng ta muốn công khai nhưng biện pháp cụ thể lại rất lúng túng. Đây là việc mới quá, chưa có tiền lệ.

Có chế tài mạnh hơn

* Những quy định kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản hiện nay liệu đã đủ mạnh để thay đổi tình hình?

- Chúng ta có những bước tiến rất cơ bản để thực hiện giải pháp này. Luật phòng chống tham nhũng trước đây về minh bạch tài sản chỉ nêu hai việc, đó là người kê khai có trách nhiệm kê khai tài sản với tổ chức và khi cần thiết mới xác minh, còn bản kê khai được lưu trữ trong hồ sơ cán bộ được coi như tài liệu mật.

Đến Luật phòng chống tham nhũng vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và các nghị định, thông tư hướng dẫn (thông tư mới nhất có hiệu lực từ ngày 16-12-2013) có bổ sung nội dung công khai bản kê khai ấy trong cơ quan, đơn vị.

Một yêu cầu mới từ trước đến nay chưa có là giải trình nguồn gốc tài sản thu nhập và mở rộng điều kiện xác minh. Trước đây, khi khẳng định đối tượng có hành vi tham nhũng thì mới xác minh tài sản, nay chỉ cần đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng thì đã phải xác minh tài sản.

Trước đây cũng chưa làm rõ vấn đề giải trình nguồn gốc tài sản, nay nếu anh giải trình không rõ ràng thì người có thẩm quyền quản lý cán bộ có thể xác minh.

Chúng ta từng quy định về tố cáo thì phải có điều kiện nào đó thỏa mãn, ví dụ như người tố cáo phải có bằng chứng này, bằng chứng kia thì mới xử lý tố cáo đó để xác minh, nay chỉ cần xuất hiện tố cáo đúng theo quy định của Luật tố cáo là đủ điều kiện tiến hành xác minh. Nghĩa là các điều kiện được mở ra rất rộng với chế tài mạnh hơn.

* Tại một số phiên tòa, người ta thường nghe các bị cáo khai về hành vi đưa hối lộ của mình cho người khác. Liệu lời khai đó có thể được coi là tố cáo để dẫn đến quy trình xác minh tài sản của những người có liên quan không, thưa ông?

- Cần xem xét lời khai này có đủ điều kiện như tôi vừa nói không. Thật ra những trường hợp như vậy đã nằm trong trình tự tố tụng rồi, đương nhiên quá trình tố tụng phải xử lý lời khai đó.

Về nguyên tắc không xử lý chồng lấn theo kiểu đang trong quá trình tố tụng thì cơ quan khác nhảy vào xác minh. Nhưng dựa trên quy định mà nói, nếu thấy cần thiết, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và điều tra có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan đơn vị phải tiến hành xác minh tài sản của một cán bộ nào đó.

* Muốn kiểm soát việc kê khai tài sản phải có nhiều biện pháp hỗ trợ, ví dụ hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt. Nhưng ở ta việc sử dụng tiền mặt đang rất phổ biến, rất khó kiểm soát?

- Thời kỳ bao cấp chúng ta từng có những quy định khá chặt chẽ, ví dụ cá nhân phải đăng ký lượng tiền mặt có trong người, nhưng sau này đổi mới mở cửa thì các quy định về kiểm soát lưu thông tiền tệ được nới lỏng.

Tôi không nói chúng ta trở lại các quy định thời bao cấp, nhưng chúng ta phải có sự kiểm soát phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại.

Chẳng hạn, muốn hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt thì phải có các giải pháp đồng bộ, ít nhất là phải phát triển được một hệ thống thanh toán hiện đại, tiện lợi hơn so với tiền mặt.

Hiện nay đúng là giao dịch tiền mặt rất dễ dàng, kể cả tiền tỉ, trong khi đó ở nhiều nước khi giao dịch số tiền lớn đến mức nào đó thì cá nhân, tổ chức phải chứng minh được nguồn gốc tài chính.

Hay là việc đăng ký tài sản, ở ta tài sản của mình nhưng đứng tên người khác rất nhiều, có nguyên nhân về thủ tục hành chính khó khăn chậm trễ, nhưng cũng có sự chủ động của chủ tài sản muốn che giấu, vậy thì giải quyết vấn đề này như thế nào để kiểm soát việc kê khai tài sản cho có hiệu quả?

Hay là về quà tặng, dù đã có quy định nhưng mới dừng ở chỗ sử dụng ngân sách làm quà tặng và nếu có quà tặng ở mức nhất định thì khai báo, nếu không khai báo cũng chẳng làm sao. Kể cả quy định về làm từ thiện, có phải muốn cho tặng nhau tiền tỉ đều được. Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước đang lỗ mà cứ làm từ thiện ầm ầm thì lấy tiền đâu ra?

Tất cả vấn đề nêu trên tới đây đều phải được nghiên cứu, làm rõ, đưa ra lộ trình thực hiện với quy định cụ thể để hỗ trợ công tác kiểm soát việc kê khai tài sản.

Tiến tới quản lý liêm chính

* Thời gian qua, có một số lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không thực hiện được. Như vậy làm sao để những quy định mới không bị vô hiệu hóa?

- Chúng ta có chỉ thị của Bộ Chính trị, thể hiện quyết tâm của cấp rất cao. Bộ Chính trị giao Ban Nội chính trung ương theo dõi việc thực hiện, tới đây sẽ có kế hoạch thực hiện cụ thể. Đối với mỗi cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch của mình để thực hiện theo từng cấp quản lý cán bộ.

Theo cách làm cũ, người quản lý bản kê khai tài sản, tức thủ trưởng cơ quan, còn thụ động trong việc khai thác bản kê khai, nhưng nay theo quy định mới anh phải chủ động khai thác, chủ động nghiên cứu để quản lý.

Từ nay trở đi, trong công tác cán bộ ngoài các nội dung quản lý về chính trị, chuyên môn, có một nội dung nữa là quản lý liên quan đến tài sản của nhân viên.

Đây là một bước tiến tới nội dung quản lý liêm chính. Lần này nhấn mạnh việc thực hiện quy định về minh bạch tài sản là tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm, đánh giá việc hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với thủ trưởng cơ quan cũng như đối với những người trong diện kê khai, bản kê khai đó phải được công khai ở cơ quan, đơn vị. Nghĩa là nhiều người biết, nghĩa là nếu anh kê khai không trung thực thì sẽ có phản hồi và qua đó cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

* Có ý kiến cho rằng ở nhiều nước việc kê khai tài sản còn được công khai trên mạng Internet chứ không chỉ ở cơ quan, đơn vị?

- Tôi đi dự các hội thảo, qua đó thấy rằng việc công bố như vậy thường tập trung vào nguyên thủ các nước. Khi chúng tôi trao đổi về giải pháp công khai của VN thì nhiều nước ngạc nhiên, vì mình công khai bản kê khai tại cơ quan.

Ở nhiều nước, hình thức công khai chủ yếu là cung cấp thông tin, chứ không có chuyện niêm yết toàn bộ bản kê khai như ở mình. Cách của mình như vậy được đánh giá cấp độ khá mạnh mẽ.

Trong thông tư 08 mà Thanh tra Chính phủ đã ban hành cũng đã quy định rõ tất cả trường hợp, ví dụ như Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức công khai bản kê khai của Tổng bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng và những người làm việc thường xuyên tại Văn phòng Trung ương Đảng. Tương tự với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội...

Nếu hỏi rằng hành lang pháp lý của ta về kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản đã triệt để chưa, có thể câu trả lời là chưa. Nhưng trong điều kiện kinh tế - xã hội của ta hiện nay, như vậy là phù hợp và đủ mạnh khi được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta không thể ngẫu nhiên nhặt một mô hình ở đâu đó về áp dụng.

* Việc thực hiện kê khai tài sản của cá nhân ông cũng như của các cán bộ ở Thanh tra Chính phủ được thực hiện như thế nào?

- 100% cán bộ, nhân viên ở Thanh tra Chính phủ phải kê khai tài sản, dự kiến tháng 2 tới đây chúng tôi sẽ công khai theo quy định.

Công khai trong xóm cũng là công khai toàn cầu

Ở nước ta, một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật phòng chống tham nhũng là quy định về sự công khai minh bạch, trong đó có nội dung về kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Kê khai mà không công khai thì dân không thể biết để thực hiện giám sát như Luật Mặt trận Tổ quốc năm 1999 quy định. Vấn đề đặt ra là phạm vi công khai chỉ là ở cơ quan đơn vị như quy định hiện hành hay cả nơi cư trú?

Thiết nghĩ, tài sản của một người có thể ở nhiều nơi. Có người ở Hà Nội mua nhà ở tỉnh/thành phố khác và ngược lại. Đấy là chưa kể tài sản ở nước ngoài. Tôi cho rằng trong thời đại công nghệ thông tin, công khai trong xóm cũng là công khai toàn cầu. Tại sao cơ quan có thẩm quyền lại không giành lấy quyền chủ động công khai, tránh trường hợp “tam sao thất bản”?

Ông cha ta từng nói về sự công khai, đàng hoàng: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, Đảng và Nhà nước ta cũng đưa ra phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” và “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Đạo lý truyền thống ông cha, chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước đòi hỏi không nên do dự, hãy giải quyết tới cùng tính công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập của các công bộc của dân.

GS-TS Nguyễn Đình Cử(Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội)

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên