23/10/2013 06:00 GMT+7

Kê khai tài sản còn hình thức

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN VĂN HIỆN
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN VĂN HIỆN

TT - Trong khi báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 cho biết có thêm hàng trăm ngàn người kê khai tài sản, thu nhập thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc phát hiện vụ các giám đốc “lương khủng” vừa qua cho thấy việc kê khai chỉ là hình thức.

1cA6rMmS.jpgPhóng to
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: V.Dũng

“Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra...” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói như vậy.

Kê khai tài sản: chưa có cơ chế kiểm soát tính chính xác

"Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra..."

Ủy ban Tư pháp cho rằng vẫn “chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm... Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng”.

Ông Hiện dẫn chứng: “Thời gian qua có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được. Điều đó cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này”.

Một trong những nhận định đáng chú ý khác được cơ quan thẩm tra đưa ra là: “Việc phát hiện hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ, gây thiệt hại không lớn về tiền, tài sản của Nhà nước với đối tượng phạm tội chủ yếu là cán bộ cấp xã hoặc ở thôn, làng, bản. Số vụ tham nhũng lớn, xâm phạm nghiêm trọng tài sản, vốn của Nhà nước ít được phát hiện. Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ vụ Nguyễn Thế Ngọc - Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam - phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1.800 tỉ đồng; vụ sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn gây thiệt hại cho Nhà nước ước tính trên 4.000 tỉ đồng...”.

tHx03WV1.jpg
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - Ảnh: V.Dũng

“Tội phạm nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo”

"Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả phạm tội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật"

Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trong thời gian qua “một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả phạm tội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật”.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp lại cho thấy: “Qua giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp ở một số địa phương và dư luận, báo chí thì việc xử lý một số vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật, hành chính. Việc đình chỉ điều tra, nhất là đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vẫn diễn ra... Có tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử; một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo)”.

Có nơi 100% tội phạm tham nhũng được hưởng mức án nhẹ

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ” gửi đại biểu Quốc hội.

Báo cáo cho biết việc xét xử một số vụ án, nhất là các vụ tham nhũng lớn còn kéo dài, có vụ vượt quá thời hạn luật định gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn chiếm tỉ lệ cao. Có nơi việc tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm tới 80%, thậm chí là 100%. Tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều, một số vụ trả hồ sơ thiếu căn cứ làm kéo dài thời gian giải quyết, một số vụ sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thì chuyển sang tội danh khác có khung hình phạt thấp hơn. Tuy nhiên, viện kiểm sát nhân dân vẫn không ra kháng nghị, kiến nghị.

Một số bộ ngành địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích, tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhưng lại không phát hiện được tham nhũng. Sau đó báo chí, cơ quan điều tra lại phát hiện (như vụ Vinashin, Vinalines). Dù vậy, các đoàn thanh tra, kiểm toán lại không bị xem xét trách nhiệm, không phải chịu trách nhiệm. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế. Rất ít người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành... khi để xảy ra tham nhũng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hôm nay 21-10, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6Thông qua Hiến pháp tại kỳ họp quốc hội lần này"Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ"Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp: Chính phủ phải chấp hành Quốc hội9 nhóm giải pháp ổn định kinh tế - xã hộiTăng đầu tư công phải gắn với tái cơ cấu

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp NGUYỄN VĂN HIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên