Trai gái người Hà Nhì về bản chúc tết Khù Sự Chà
Đông Bắc và Tây Bắc là vùng phên giậu của Tổ quốc, được tạo hóa ban cho nhiều cảnh sắc mơ màng những dãy núi "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống" hùng vĩ.
Càng ý nghĩa hơn khi đây là quê hương của hơn 30 dân tộc anh em bao đời nay sống gắn bó. Mỗi dân tộc đều mang bản sắc văn hóa truyền thống riêng biệt được thể hiện qua trang phục đầy màu sắc hoa văn, các phong tục cầu kỳ, lễ hội độc đáo đậm chất tâm linh .
Tôi đã từng "bị" níu chân suốt 3 ngày trong không gian ngày lễ hội Khù Sự Chà (còn có tên Hồ Sự Chà, tức tết cơm mới) của người Hà Nhì sống tại huyện biên giới Mường Tè - Lai Châu thường tổ chức đúng ngày thìn vào tháng 11 âm lịch.
Vì công việc, tôi hay đưa khách ngược xuôi dòng sông Đà, tận hưởng vẻ đẹp trữ tình, hoang sơ nhưng đầy hùng vĩ đã từng được ngòi bút tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân khắc họa trong tùy bút Người lái đò sông Đà. Bên cạnh đó, sông Đà gắn liền với cuộc sống mưu sinh, đời sống văn hóa cùng nhiều lễ hội truyền thống, những phiên chợ hình thành tự phát của các dân tộc sống nơi đại ngàn Tây Bắc.
Không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa, những phiên chợ vùng cao đầy màu sắc từ váy áo thổ cẩm bấy lâu nay đã trở thành điểm du lịch độc đáo thu hút du khách thập phương. Ở đó dễ bắt gặp giữa không gian ồn ào người qua lại, từng nhóm con trai ngồi bên góc chợ thổi khèn hoặc hòa âm cùng với kèn pí lè (một loại kèn của người Mông) như những nghệ sĩ đường phố.
Hòa nhập vào các lễ hội dân gian mới thấy kho tàng văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng thượng du vô cùng giàu có và hấp dẫn, nhưng đáng tiếc nhiều năm những hoạt động này chỉ mang tính chất bảo tồn hoặc là "gia vị", chứ chưa được nhiều địa phương chắt lọc nâng tầm trở thành sản phẩm du lịch.
Để xây dựng sản phẩm du lịch, nhất là loại hình văn hóa thông qua hoạt động lễ hội, ngành nghề truyền thống, ca múa dân gian…, địa phương cần chắt lọc, chọn một số lễ hội đặc sắc, bỏ vốn đầu tư cùng đề ra chiến lược nuôi dưỡng dài hơi cùng công tác quảng bá, cung cấp dịch vụ du lịch, mua sắm đáp ứng nhu cầu khách đến thăm. Cũng nên thu phí tham quan để lấy thu bù chi.
Người phụ trách nhất thiết phải có tâm, nhìn xa trông rộng và khiêm tốn tiếp thu những cái hay để định hướng phát triển đúng đắn. Tuy nhiên, không để xảy ra tình trạng biến dạng, thậm chí mất đi những giá trị đặc sắc vốn có của văn hóa.
Hãy nhìn Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) từ chỗ dân bản Thái trắng chỉ sống đơn thuần bằng nghề nông, qua 20 năm nỗ lực, nay nhà nhà làm du lịch với đủ ngành nghề: mở homestay, dệt thêu thổ cẩm, chế tác đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đầu tư xe điện chở khách tham quan, lập đội văn nghệ biểu diễn ca múa nhạc dân tộc… trở thành điểm sáng du lịch Việt Nam.
Cũng phải kể đến những làng nghề truyền thống trước khi nổi tiếng cũng phải trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí bị quên lãng như dệt vải lanh, thêu hoa văn Lùng Tám huyện Quản Bạ - Hà Giang, làng nghề rèn của người Nùng An xóm Pắc Ràng huyện Quảng Uyên - Cao Bằng, làng thêu thổ cầm chất lượng cao của người Dao Đỏ xã Tà Phìn - Sa Pa ...và còn nhiểu nữa.
Biến hoạt động văn hóa trở thành sản phẩm du lịch không chỉ để giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần giúp ngưởi dân có cuộc sống ổn định và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương theo hướng bền vững.
Phụ nữ người Dao Làn Tẻn đi thuyền dự hội xuân
Phụ nữ Dao Làn Tẻn trong ngày hội xuân
Các nghệ nhân người H’mông chế tác khèn
Trai gái người H’mông tỏ tình theo tục vỗ mông trong lễ hội xuân huyện Mèo Vạc - Hà Giang
Cô gái Dao Tiền chăm chút đường kim sợi chỉ thêu thùa
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn hiến kế trực tuyến liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: hienkedulich@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận