07/06/2016 08:18 GMT+7

Biển Đông mở màn Đối thoại chiến lược Trung - Mỹ

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - “Chúng tôi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên Biển Đông và phản đối bất cứ quốc gia nào đòi chủ quyền bằng hành động đơn phương” - ông Kerry nói.

Phát biểu khai mạc sự kiện thường niên Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ ngày 6-6 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai nước nên “tin tưởng” lẫn nhau hơn nữa trong lúc tìm kiếm giải pháp làm giảm căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông.

“Trung Quốc và Mỹ cần thêm lòng tin vào nhau. Một số tranh chấp có thể chưa được giải quyết ngay thời điểm hiện tại nhưng hai bên cần có một thái độ thực tế, mang tính xây dựng khi tiếp cận những vấn đề này. Thái Bình Dương mênh mông nên là nơi dành cho sự hợp tác thay vì cạnh tranh” - ông Tập phát biểu. Chủ tịch Trung Quốc đồng thời kêu gọi chính phủ hai nước tăng cường lòng tin bằng cách liên lạc thường xuyên để tránh “những sai lầm chiến lược”.

Đại diện phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry kêu gọi “một giải pháp ngoại giao” cho vấn đề Biển Đông. “Chúng tôi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên Biển Đông và phản đối bất cứ quốc gia nào đòi chủ quyền bằng hành động đơn phương” - ông Kerry đề cập đến hành vi mở rộng hung hăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo Trung Quốc về chính sách công nghiệp của nước này và bày tỏ quan ngại về đạo luật quy định hoạt động các tổ chức phi chính phủ (NGO) vừa được Bắc Kinh thông qua.

Theo ông Lew, sản lượng công nghiệp dư thừa của Trung Quốc và đạo luật về NGO có thể gây cản trở cho thị trường thế giới và tiến trình kinh tế của chính nước này. Mỹ kêu gọi Bắc Kinh thực thi các chính sách giảm sản lượng đối với các ngành công nghiệp bị tình trạng dư thừa như thép và nhôm.

Theo AFP, tại sự kiện Đối thoại Bắc Kinh lần thứ 8 năm nay, Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề từ Biển Đông, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, hạt nhân Triều Tiên, giao thương và hợp tác kinh tế... Một số nhà phân tích nhận định cuộc đối thoại năm nay sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi chính trị bầu cử.

Cuộc đua tổng thống Mỹ sẽ cán đích vào cuối năm nay, trong khi Trung Quốc cũng sẽ chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng năm 2017 với 5/7 thành viên Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị sẽ thoái nhiệm.

“Đây có thể là sự kiện đối thoại (Mỹ - Trung) yếu nhất trong nhiều năm. Có những câu hỏi về việc liệu mỗi bên có quản lý được nhân sự của mình và thực thi những gì họ cam kết. Tôi không lạc quan lắm” - giáo sư Jing Huang thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận xét.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên