Chốt kiểm soát người dân từ vùng dịch vào Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với báo chí sáng 19-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết TP đã xuất hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, bao gồm cả một số ca chưa xác định nguồn lây. Không giống các chủng virus SARS-CoV-2 trước, cơ quan y tế khẳng định chủng mới Delta có khả năng truyền nhiễm rất nhanh.
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn đang rất cấp thiết, đòi hỏi phải có giải pháp đủ mạnh để tận dụng tối đa “thời điểm vàng” quyết tâm chặn đứng dịch lây lan diện rộng. Do đó, TP đã ban hành công điện 15 theo tinh thần thực hiện một số biện pháp theo chỉ thị số 16.
"Mặc dù Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhưng đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế cho người dân" - ông Dũng nói.
Bí thư Hà Nội kêu gọi người dân toàn thành phố tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người; chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ "5K" khi bắt buộc phải đi ra ngoài.
"Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không có hiệu quả. Mỗi cán bộ, mỗi gia đình cán bộ, đảng viên phải trở thành điểm sáng lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh" - ông Dũng nhấn mạnh.
Tối 18-7, người dân mua hàng hóa tại các siêu thị ở Hà Nội tăng bất thường sau khi có công điện của TP - Ảnh: HẠ LINH
Lưu ý một số biện pháp các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền khơi dậy phong trào toàn dân, toàn diện phòng, chống dịch COVID-19, tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không chủ quan, lơ là chống dịch, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ thái quá.
"Người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng, vì các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động. TP đã tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân", ông Dũng nói.
Nhấn mạnh về lâu dài giải pháp quyết định để đẩy lùi dịch COVID-19 vẫn là tiêm vắc xin, Bí thư Hà Nội yêu cầu UBND TP chỉ đạo ngành y tế TP chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận và sử dụng kịp thời, hiệu quả cao nhất khi được Chính phủ phân bổ vắc xin.
Cụ thể là các phương án tổ chức các điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên toàn địa bàn TP với tổng số 1.200 điểm tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực xử lý các tình huống bất thường sau tiêm.
Các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ và đăng ký tiêm chủng qua chính quyền cơ sở hoặc trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" (đường link https://hssk.kcb.vn/#/sskdt).
Ông Dũng cũng yêu cầu phải chuẩn bị ngay các phương án kỹ thuật, quy mô các điểm cách ly cho các tình huống dịch phức tạp hơn. Các cấp, các ngành chủ động "4 tại chỗ" chuẩn bị trước mọi điều kiện cần thiết nếu dịch diễn biến xấu.
Sẵn sàng kịch bản ứng phó trước và sau kỳ họp Quốc hội
Đề cập kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 20-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định đây là sự kiện chính trị rất quan trọng của Quốc hội và đất nước mà Hà Nội tự hào là nơi diễn ra.
Vì vậy, các cấp ủy Đảng từ TP xuống cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm thực hiện hiệu quả cao công tác phòng, chống dịch COVID-19, qua đó bảo đảm an toàn cho kỳ họp.
Các cơ quan chức năng TP phải phối hợp chặt chẽ và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trước, trong và sau kỳ họp.
Trước mắt phối hợp để thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ đại biểu Quốc hội và các lực lượng tham gia tổ chức phục vụ; tiến hành khử khuẩn, bố trí lực lượng y tế ứng trực tại nơi tổ chức họp Quốc hội và các địa điểm khách sạn nơi đại biểu lưu trú.
Phân biệt chỉ thị 15 - 16 - 19 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống COVID-19 - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận