24/07/2021 09:36 GMT+7

Bí thư Hà Nội: Áp dụng chỉ thị 16 là tất yếu, cần tận dụng để TP trở về 'bình thường mới'

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Theo Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng, TP quyết định áp dụng chỉ thị 16 đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

Bí thư Hà Nội: Áp dụng chỉ thị 16 là tất yếu, cần tận dụng để TP trở về bình thường mới - Ảnh 1.

Người dân khai báo y tế để trở lại Hà Nội giữa đêm, trước khi TP áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng trong phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: PHẠM TUẤN

Chiều 23-7, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chủ trì họp Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn. Hội nghị đã đi đến biểu quyết 100% thống nhất áp dụng chỉ thị 16 trên toàn TP tính từ 6h sáng ngày 24-7.

Đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ

Về lý do TP đưa ra quyết định trên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết trong khi dịch diễn biến phức tạp trên cả nước với chủng Delta, tại Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch rất lớn. 

Để có biện pháp phù hợp, TP đã quyết định áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch bệnh.

Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết định áp dụng chỉ thị 16 đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao. 

"Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng chỉ thị 16 trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, đã áp dụng các biện pháp tiệm cận, nhằm có sự chuẩn bị để bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với chỉ thị 16", ông Dũng nói.

Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh"Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để "ngoài chặt, trong lỏng"".

Đảm bảo đời sống người dân

Về bảo đảm đời sống nhân dân, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, ngành công thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5 lần.

"Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tùy từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở Giao thông vận tải đã tạo "luồng xanh" thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển", ông Dũng cho hay.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng giao UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo sát sao nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời, giá cả ổn định cho người dân, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa. 

Các sở, ngành TP bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm. 

"Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ôtô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...", ông Dũng nhấn mạnh.

Áp dụng chỉ thị 16 là tất yếu

Ông Đinh Tiến Dũng cũng cho biết thời điểm này TP Hà Nội ra chỉ thị 16 là tất yếu để bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân, đồng thời phòng chống dịch COVID-19.

"TP phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa "thời gian vàng" 15 ngày thực hiện chỉ thị để khống chế dịch, đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới", ông Dũng cho hay.

Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP chỉ đạo nâng cao mọi mặt năng lực tiếp nhận và điều trị các ca F0, nhất là các trường hợp nặng; bảo đảm số lượng giường bệnh theo các kịch bản tương ứng là 5.000, 10.000 và 20.000 ca. 

TP cần rà soát ngay để cần thiết trưng dụng các chung cư chưa đưa vào sử dụng làm bệnh viện dã chiến. Trong đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định nếu đủ điều kiện giao Bộ tư lệnh Thủ đô quản lý vận hành, chuẩn bị đủ đồ dùng cơ bản. 

Ngành y tế chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn, chăm sóc người bệnh. Trước mắt, cần tranh thủ từng phút, từng giờ để thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới phát sinh; triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên trên diện rộng để khóa chặt F0 và hướng dẫn chuyên môn. 

Song song đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vắc xin đã phê duyệt ngay khi được trung ương phân bổ.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng đồng thời phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đây chính là "mục tiêu kép" có tương quan chặt chẽ với nhau, bởi không khống chế được dịch, rất khó để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, nếu vì khó khăn mà không xoay xở duy trì sản xuất thì về lâu dài sẽ thiếu nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

"Hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp với ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, ngành công thương TP triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy", ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.

Giữa đêm nghe tin Hà Nội áp dụng chỉ thị 16, nhiều người vội vàng ra, vào thủ đô Giữa đêm nghe tin Hà Nội áp dụng chỉ thị 16, nhiều người vội vàng ra, vào thủ đô

TTO - Ngay sau khi TP Hà Nội thông báo giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ 6h sáng ngày 24-7, nhiều người dân đã tranh thủ về quê hoặc trở lại thủ đô trước thời điểm TP bắt đầu thực hiện giãn cách.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên