01/07/2023 14:13 GMT+7

Bí thư Đinh Tiến Dũng: Hà Nội là điển hình thiếu trường, lớp công

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Hà Nội đã quyết định thu hồi một loạt khu đất để làm trường học ở các khu đô thị.

Bí thư Đinh Tiến Dũng: Hà Nội là điển hình thiếu trường, lớp công - Ảnh 1.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Ảnh: GIA HÂN

Phần lớn lúc nào cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp công lập

Sáng 1-7, phát biểu tiếp thu giải trình tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập và nhận định "Hà Nội là điển hình".

Theo ông, Hà Nội có 2,3 triệu học sinh, đông nhất cả nước, chiếm khoảng 1/10 cả nước.

"Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học, nên phần lớn lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp", ông Dũng nói.

Thêm nữa, ông Dũng chỉ rõ quá trình quản lý vừa qua có "những vấn đề bất cập ngay trong nội tại của Hà Nội".

Cụ thể, nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị 10-15 năm, dân cư ở ổn định rồi nhưng các quy hoạch, cơ sở về công trình xã hội, đặc biệt là trường học được đầu tư rất chậm.

Vì vậy, vừa qua Hà Nội đã quyết định thu hồi một loạt khu đất để làm trường học ở các khu đô thị để tập trung đầu tư theo phương thức đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hóa.

"Cách như vậy, chúng ta sẽ dần khắc phục được thiếu trường, thiếu lớp", ông Dũng nói.

Vành đai 1 Hà Nội: 1,6km kinh phí hết 7.600 tỉ đồng

Liên quan vấn đề lãng phí, theo ông Dũng đây là vấn đề lớn và có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, Bí thư Hà Nội cũng dẫn chứng một ví dụ cụ thể.

Theo đó, Hà Nội đã tiến hành khởi công xây dựng dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô, chiều đài 112km, đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trên địa bàn Hà Nội là 58,2km.

Chỉ giới giải phóng mặt bằng chủ yếu là 120m, còn nơi hẹp nhất 90m. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng trên 13.000 tỉ đồng.

Chúng ta đã khởi công dự án thành phần 2 - đường song hành, mỗi bên 2 làn xe với tổng kinh phí là 5.400 tỉ đồng.

"Cộng cả kinh phí giải phóng mặt bằng và dự án thành phần 2 thì tổng kinh phí là trên 18.000 tỉ đồng cho cả chiều dài 58,2km. Nếu chia ra, nếu làm đúng tiến độ chỉ có 328 tỉ đồng/km", ông Dũng nói.

Trong đó, theo Bí thư Hà Nội, vừa qua thành phố cũng đang triển khai đoạn vành đai 1, có chiều dài 1,6km, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục nhưng kinh phí là 7.600 tỉ đồng.

Do dự án này chậm tiến độ lâu dẫn đến người dân bức xúc, đơn thư suốt ngày. Do đó, thành phố quyết tâm làm nốt chỗ này.

Hay đoạn vành đai 2,5km nối từ Nguyễn Trãi sang Đầm Hồng để cắt tải cho Ngã Tư Sở, với kinh phí 2.400 tỉ đồng.

"Nói như thế để thấy dự án chậm triển khai, chậm tiến độ là lãng phí. Nhưng lãng phí, hiệu quả kinh tế là một phần, còn vấn đề ổn định đời sống dân cư sau tái định cư ở các dự án là vô cùng quan trọng.

Làm được sớm thì ổn định sớm, sẽ giúp giảm nguy cơ gây mất an ninh, an toàn, đơn thư, khiếu kiện", ông Dũng nói.

Vì vậy, ông cho hay bên cạnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, thành phố sẽ làm quyết liệt, chủ trương là “khép kín” các vành đai 1, 2, 3, 4.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung cao độ chuẩn bị vốn để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Bởi nếu không làm đường sắt đô thị sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường trong nội đô.

Về vấn đề chồng chéo pháp luật, theo ông Dũng, Quốc hội cũng đã nêu và phải chống tham nhũng trong cả xây dựng pháp luật.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà NộiTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Sáng 1-7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên