Sáng 25-6, UBND TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ khởi công, động thổ dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô.
Tại Hà Nội, lễ khởi công được tổ chức tại 4 vị trí thuộc địa bàn các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín. Tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh cũng đồng thời tổ chức lễ động thổ tại 2 địa điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công tại điểm thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức.
Đường vành đai 4 vùng thủ đô: Thủ tục hành chính liên quan ‘như VIP vào sân bay’
Thủ tục hành chính liên quan đường vành đai 4 "như VIP vào sân bay"
Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thay mặt cho lãnh đạo các tỉnh, thành có dự án đi qua trình bày về quá trình triển khai dự án. Ông Thanh cho biết đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Đồng thời, đây cũng là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết số 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội và nghị quyết số 30 ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, sự đồng lòng của địa phương, đến nay sau 1 năm 9 ngày kể từ khi có chủ trương đầu tư, dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô trên địa bàn TP đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra" - ông nói.
Để rút ngắn tối đa thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan tới dự án, người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho biết TP đã chuẩn bị một "đường dây tiếp nhận văn bản riêng về đường vành đai 4".
"Báo cáo với Thủ tướng, cái này như là VIP vào sân bay, đi đường riêng và không có cản trở gì" - ông Thanh nói thêm.
Ấn tượng với quá trình giải phóng mặt bằng
Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo Thủ tướng, dự án trên sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông hiện nay tại thủ đô, đồng thời sẽ tạo nên sự kết nối vùng với các tỉnh và tạo ra không gian phát triển mới cho những nơi có dư địa để phát triển nhưng giao thông còn ách tắc.
Ông bày tỏ sự ấn tượng và biểu dương quá trình chuẩn bị đầu tư và kết quả giải phóng mặt bằng trong thời gian rất ngắn của Hà Nội và Bắc Ninh, Hưng Yên. Tuy nhiên, ông đánh giá "đây mới chỉ là thành công bước đầu".
"Công việc tiếp theo rất là lớn, tôi đề nghị các đơn vị liên quan, nhân dân tiếp tục bám sát tiến độ, phân cấp phân quyền, rà soát lại các công việc để bố trí thời gian, nguồn lực để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư theo nguyên tắc người dân đến nơi ở mới điều kiện sống ít nhất bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ" - Thủ tướng chỉ đạo.
Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ, thông suốt, tránh ách tắc trong quá trình triển khai dự án.
"Nói tóm lại có mấy việc sau, thứ nhất phải đảm bảo chất lượng; thứ hai phải đảm bảo tiến độ; thứ ba phải đảm bảo an toàn mỹ thuật, kỹ thuật, môi trường, vệ sinh, an toàn lao động; thư tư phải chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, đặt lợi ích chung của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết.
Cuối cùng là không được đội vốn bất hợp lý, chia nhỏ gói thầu... và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân" - ông nhấn mạnh.
Dự án gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần.
Vành đai 4 - vùng thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km.
Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận