Tư vấn tiêm chủng cho trẻ em tại Trạm Y tế xã ở Quảng Ngãi. Nếu mở rộng tiêm chủng tiêm mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh tại trạm y tế xã, tỷ lệ trẻ được tiêm mũi vắc xin này sẽ tăng
Sáu tháng cuối năm 2016 phòng khám đón 63 bé sơ sinh thì có 60 cháu được tiêm mũi vắc xin ngừa viêm gan B, 7 tháng đầu 2017 trạm đón 45 sơ sinh, 44 cháu được tiêm ngoại trừ một cháu sốt chưa rõ nguyên nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện huyện điều trị.
So sánh với tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh toàn quốc chỉ đạt trên 60%, thì tỷ lệ ở An Bình là lý tưởng và rất cần nhân rộng để Việt Nam sớm đạt mục tiêu tiêm ngừa và phòng bệnh viêm gan siêu vi B.
Bí quyết của Yên Bái
An Bình là một trong trong số gần 20 Trạm Y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực của huyện Văn Yên (một trong hai huyện ở Yên Bái đang thí điểm chương trình tiêm vắc xin viêm gan B tại tuyến xã phường). Những ngày đầu chuẩn bị triển khai, chị Thanh kể các chị em trong phòng khám rất lo lắng, nhất là thỉnh thoảng lại có thông tin về tai biến tiêm chủng nên ngày nào cũng họp bàn, làm sao để khi triển khai thì thực hiện thật tốt.
"Nhờ các chuyên gia về tập huấn và hướng dẫn kỹ, chúng tôi cứ theo bảng kiểm xem tất cả các dấu hiệu, xem cháu có tím tái hay hồng hào, nhịp thở ra sao, có bú mẹ bình thường hay bị sặc, bị sốt…, từ đó loại trừ dần và chỉ tiêm khi chắc chắn về sức khỏe. Trong số 63 sơ sinh 6 tháng cuối 2016 có 3 trẻ được xếp vào nhóm hoãn tiêm, gồm hai bé có cân nặng dưới 2,5 kg và một trẻ bị ngạt khi sinh phải chuyển viện. Bảy tháng đầu 2017 có một bé hoàn tiêm do bị sốt. Còn lại các bé sơ sinh khác được tiêm mũi viêm gan B sơ sinh và tất cả đều ổn định về sức khỏe" - chị Trần Thị Thanh cho hay.
Theo ông Trần Minh Sâm, Phó Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, hiện đã có 18 xã của Văn Yên và 24 xã của huyện Lục Yên của Yên Bái triển khai chương trình này. Sang 2018, Văn Yên đang đặt mục tiêu mở rộng triển khai tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh ra 9 xã còn lại của huyện.
Ở Trạm Y tế xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, một trong những trạm y tế đã tiêm vắc xin viêm gan B từ 2016, chị Đào Thị Thúy Hằng, trưởng trạm y tế cho biết Lâm Giang tiêm mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh từ tháng 3-2016. Khi bắt đầu triển khai người dân vẫn còn e ngại, nhưng từ khi triển khai đến nay các cán bộ của trạm thăm khám kỹ và tư vấn cho cha mẹ trẻ, nên tỷ lệ chấp thuận và sơ sinh được tiêm ngừa đạt gần 100% với các cháu sinh tại trạm, ngoại trừ trẻ có chỉ định hoãn tiêm. "7 tháng đầu năm có 8 bé sinh tại trạm thì 7/8 cháu được tiêm. Trong số 66 sơ sinh của toàn xã, có 48 cháu được tiêm ngừa mũi viêm gan B sơ sinh, tỷ lệ tiêm ngừa mũi viêm gan B sơ sinh tính chung đạt xấp xỉ 70%"- chị Hằng cho biết. Nguyên nhân các cháu chưa được tiêm là một số trẻ được sinh tại các cơ sở y tế chưa triển khai tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh.
Nâng tỷ lệ tiêm ngừa viêm gan B sơ sinh bằng cách nào?
Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, 6 tháng đầu 2017 tỷ lệ trẻ được tiêm chủng mũi viêm gan B mũi sơ sinh trong 24g đầu sau sinh đạt gần 34%, ước tính cả năm thì tỷ lệ trẻ được tiêm viêm gan B mũi sơ sinh đạt trên 70%, dự kiến tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Con số này thấp hơn tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Hiện có đến 9 tỉnh thành là Bắc Cạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai có tỷ lệ tiêm ngừa mũi này đạt dưới 25% trong 6 tháng đầu năm 2017 (tính chung cả năm chỉ đạt khoảng 40% số trẻ mới sinh). Trong đó tỉnh Gia Lai đạt thấp nhất với chỉ trên 14% trẻ sơ sinh được tiêm mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh. Đây cũng là những tỉnh miền núi, có địa hình đi lại khó khăn
Ngay tại Yên Bái- địa phương đang có chương trình thí điểm tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh tại xã phường, với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin này (năm 2017 dự kiến đạt trên 70%) thì vẫn còn khoảng 4000 cháu chưa được tiêm mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh. Phần lớn trong số này là các cháu đẻ tại nhà (17%) và các cháu sinh ở các trạm y tế chưa triển khai tiêm mũi vắc xin này tại trạm. Những tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp hơn so với Yên Bái, đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ tiêm ngừa đạt dưới 50% thì số trẻ sót mũi tiêm rất lớn.
Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa viêm gan B sơ sinh thấp trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, trong khi tỷ lệ dân số nhiễm virus viêm gan siêu vi B lại ở mức cao. Trẻ được tiêm vắc xin ngừa bệnh muộn thì hiệu quả phòng bệnh sẽ thấp đi rất nhiều. Đã có nhiều biện pháp để nâng tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B mũi sơ sinh, nhưng tốc độ gia tăng rất chậm. Là một tỉnh miền núi còn khó khăn, nhưng Yên Bái đã thí điểm làm trước một chương trình khó: tiêm thí điểm vắc xin viêm gan B tại xã phường và đang làm rất tốt. Nếu có thêm nhiều địa phương làm như Yên Bái thì tỷ lệ tiêm chủng chung mới nâng lên, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều cháu bé khi ra đời được phòng bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận