27/05/2015 06:00 GMT+7

Bị quấy rối tình dục, dám kêu ai xử lý?

V.HƯƠNG - T.HÀ - S.HÀ - T.MY - T.PHONG
V.HƯƠNG - T.HÀ - S.HÀ - T.MY - T.PHONG

TTO - Quấy rối tình dục (QRTD) không chỉ bằng các hình thức như sờ mó, tiếp xúc thân thể mà còn là hành vi quấy rối bằng lời nói. Người bị quấy rối có dám kêu ai xử lý?

Tuy trực tiếp ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc, gây ảnh hưởng về tâm lý, có thể ảnh hưởng tinh thần rất nghiêm trọng nạn nhân… nhưng những hành vi QRTD tại nơi làm việc trên thực tế hiện nay chưa được nhận diện một cách đầy đủ và có biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả.

Lần đầu tiên ở Việt Nam đã có một “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc”. Đây là sản phẩm của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại công nghiệp VN nghiên cứu, xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Muôn vàn kiểu quấy rối tình dục

Khi nói đến hành vi QRTD, hầu như chúng ta chỉ chú ý đến những hành động tiếp xúc thân thể. Nhưng theo các chuyên gia của ILO, các hình thức QRTD bao gồm những hành vi: quấy rối thể chất, quấy rối bằng lời nói và cả hành vi quấy rối phi lời nói.

Đó là những “hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu”.

Bà Phạm Thị Minh Hằng, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED), cho biết có nhiều lầm tưởng liên quan đến các hình thức QRTD.

Theo bà Hằng, ở công sở, những hành vi nhắn tin, gửi email với những lời lẽ khiếm nhã, hình ảnh mà người kia không thể tiếp nhận được cũng được xem là QRTD.

>> Bà Phạm Thị Minh Hằng 

Hành vi quấy rối tình dục bao gồm cả các hành vi mang tính quấy rối thể chất và quấy rối tình dục bằng lời nói - Ảnh: Tư liệu

Bà Hằng đánh giá hành vi QRTD sẽ ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài, hạn chế cảm giác an toàn và xâm phạm quyền của người bị quấy rối.

“Có đôi khi, dần dần, nạn nhân có thể tự cho mình là người gây ra tình trạng quấy rối, mình có vấn đề gì thì người ta mới quấy rối mình. Điều đó rất nguy hiểm”, bà Hằng chia sẻ.

>> Bà Phạm Thị Minh Hằng 

Trong bộ quy tắc, các chuyên gia đã chỉ ra hành vi QRTD nơi làm việc còn có một hình thức mang tính đặc thù: đó là QRTD “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp sử dụng việc gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục.

Quy định chung chung, khó xử lý

Ông Hà Đình Bốn, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết Bộ luật lao động năm 2012 đã quy định hành vi QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, ông Bốn cũng nhìn nhận “các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thực thi đều vấp phải một điểm chung là chưa cụ thể, chung chung trong việc đưa ra các tiêu chí, dấu hiệu để nhận diện hành vi nào là QRTD và xử lý hành vi vi phạm trên thực tế còn khó khăn và rất ít”.

Còn theo các chuyên gia tham gia xây dựng bộ quy tắc, lý do của tình trạng nhiều hành vi QRTD tại nơi làm việc bị bỏ qua là do người bị QRTD tuy không muốn tiếp nhận, không chấp nhận các hành vi quấy rối bằng lời nói hoặc phi lời nói nhưng lại chưa thật sự nhận ra mình đã trở thành nạn nhân. Và họ cũng chưa nhận thức được rằng những hành vi “vui đùa” đó thật ra đã ở mức QRTD.

Ảnh tư liệu

Người bị quấy rối không dám "tố"

Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Trương Thị Hòa nói việc đưa ra “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc” cũng là một hình thức nhắc nhở để những người nếu lỡ vô tình mắc phải thì cảnh giác và điều chỉnh hành vi của mình.

“Phòng còn hơn chống, việc đưa ra bộ quy tắc này là rất cần thiết trong thời điểm hiện tại”, LS Hòa nói.

LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết nhiều quốc gia trên thế giới ban hành những quy định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ về xử lý các hành vi QRTD.

“Khi một người bị xâm phạm, tòa án sẽ căn cứ theo luật để xử lý và chế tài bằng tiền hoặc phạt tù. Có thể nói một số nước quy định rất chặt chẽ về vấn đề QRTD”, ông Hậu nói.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu 

LS Nguyễn Văn Hậu nhận định: “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD nơi công cộng là bộ quy tắc đối với người sử dụng lao động và người lao động. Từ bộ quy tắc này có thể tạo ra các bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng khác”.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu  

“Phải có chế tài đối với QRTD. Đối với cán bộ viên chức có hành vi QRTD là vi phạm về mặt đạo đức, không bổ nhiệm người đó làm quản lý doanh nghiệp. Hành vi QRTD phải bị chế tài về mặt hành chính, thậm chí là về mặt hình sự”, LS Hậu nói.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu 

Theo bà Phạm Thị Minh Hằng, cần nhanh chóng có những chế tài cụ thể đối với những hành vi quấy rối để những người manh nha ý định quấy rối người khác nhìn thấy đâu là điểm dừng.

Song song với nạn nhân, doanh nghiệp, đồng nghiệp nơi công sở phải có động thái bảo vệ người bị quấy rối khi họ phát giác, tố cáo hành vi ấy”, bà Hằng nói.

>> Bà Phạm Thị Minh Hằng 

Quấy rối tình dục phải bồi thường hàng chục triệu USD

Tại phương Tây, chính phủ và các công ty đều đề ra những quy định rất rõ ràng để ngăn chặn hành vi QRTD nơi công sở.

Theo Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ (EEOC), QRTD nơi công sở là hành vi tán tỉnh, đòi quan hệ tình dục, những nhận xét và cử chỉ mang tính chất tình dục ảnh hưởng đến người lao động và môi trường làm việc.

EEOC xác định các hành vi như sau là QRTD: những lời đùa cợt về tình dục khi đối thoại hoặc qua thư điện tử, những ngôn từ xúc phạm mang tính chất tình dục, sờ mó, đứng quá gần, liên tục rủ đi chơi dù đối phương không muốn, tặng quà hay hiện vật thể hiện yếu tố tình dục, liên tục thực hiện các động tác khiêu khích tình dục, phô bày các tài liệu khiêu dâm hoặc liên quan đến tình dục...

Kẻ QRTD có thể là nam hoặc nữ. Và nạn nhân có thể có cùng giới tính với kẻ quấy rối. Kẻ quấy rối có thể là sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng của công ty... Nhìn chung, các công ty phương Tây có chính sách xử phạt rõ ràng với kẻ QRTD. Nếu hành vi quấy rối được xác định là không quá nghiêm trọng, kẻ quấy rối sẽ bị kỷ luật, giáng chức, thuyên chuyển công tác, bị giám sát liên tục và bị ghi vào hồ sơ lao động.

Với những hành vi quấy rối bị đánh giá là nghiêm trọng, ban giám đốc công ty sẽ quyết định đuổi việc kẻ quấy rối. Theo quy định của EEOC, công ty nào để xảy ra hành vi QRTD nơi công sở sẽ phải bồi thường tài chính cho nạn nhân, bao gồm cả thiệt hại về lương, phí tổn tư vấn, kiện tụng cũng như các chi phí khác. Ở phương Tây, QRTD là hành vi phạm tội hình sự. Do đó nạn nhân có thể kiện hình sự kẻ quấy rối. Kẻ quấy rối có thể bị xử tù. 

Năm 2015, tòa án ở New South Wales (Úc) ra phán quyết buộc một công ty bồi thường cho một nữ nhân viên bị chấn thương vì hành vi QRTD số tiền lên đến gần 734.000 USD.

Trước đó, một tòa án khác ở Úc buộc một công ty bồi thường cho nữ nhân viên bị QRTD 300.000 USD, còn kẻ quấy rối cũng phải bồi thường 200.000 USD.

Tại Mỹ năm 2011, một tòa án ở bang Missouri buộc Công ty Aaron Inc phải bồi thường cho cựu nhân viên Ashley Alford số tiền kỷ lục 95 triệu USD vì cô bị sếp QRTD trong một thời gian dài. Tuy nhiên do quy định về mức trần bồi thường thiệt hại, cô chỉ được nhận 41,6 triệu USD.

Năm 2002, sáu nữ nhân viên chuỗi siêu thị Ralph ở California được bồi thường 30 triệu USD vì bị QRTD dù sau đó tòa phúc thẩm quyết định giảm số tiền.

Trước đó, nữ thư ký Rena Weeks từng thắng kiện trước công ty luật nổi tiếng Baker & McKenie và được bồi thường 7,1 triệu USD (dù sau đó bị giảm xuống còn 3,5 triệu USD). Cô Weeks tố cáo sếp của mình sờ mó cô và ném kẹo M&M vào khe ngực cô.

Vụ kiện đó được đánh giá là một chiến thắng mang tính cột mốc đối với các nạn nhân của hành vi QRTD nơi công sở ở Mỹ. 

Ai là nạn nhân của quấy rối tình dục?

Hành vi QRTD tại nơi làm việc được đưa vào bộ quy tắc ứng xử bao gồm cả những hành vi QRTD bằng lời nói. Đó là các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, những ngụ ý về tình dục như những chuyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hay hướng tới họ khi vắng mặt. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

Hành vi QRTD phi lời nói: cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các apphich, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan đến tình dục. 

V.HƯƠNG - T.HÀ - S.HÀ - T.MY - T.PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên