06/01/2024 13:09 GMT+7

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ cuối: Chuẩn bị tác chiến dưới lòng đất nguy hiểm

Vào tháng 2-2023, Iran tiết lộ căn cứ đầu tiên chứa máy bay chiến đấu dưới lòng đất, căn cứ dưới lòng đất thứ ba sau căn cứ tên lửa đạn đạo và căn cứ máy bay không người lái.

Căn cứ chiến đấu cơ Eagle 44 (Iran) trong đường hầm - Ảnh: WANA

Căn cứ chiến đấu cơ Eagle 44 (Iran) trong đường hầm - Ảnh: WANA

Trung tuần tháng 3-2023, Bộ tư lệnh Lực lượng liên hợp Hàn Quốc - Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận "Lá chắn Chiến binh" tại Hàn Quốc. 

Trong hơn 20 cuộc tập trận thực địa, các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc đã tập luyện tác chiến trong căn cứ huấn luyện dưới lòng đất nhằm đối phó tốt hơn tình huống xảy ra chiến tranh đô thị.

Trình độ công nghệ hiện nay tiên tiến đến mức có thể tấn công bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào, song không thể phát huy tác dụng triệt để trong cuộc chiến dưới lòng đất.

JOHN SPENCER

Nơi không thể dùng xe tăng và máy bay trong chiến đấu

Trong bài khảo cứu với đầu đề "Sự trỗi dậy của chiến tranh đường hầm với vai trò chiến thuật, tác chiến và chiến lược", TS Daphné Richemond-Barak (Israel) và nhà nghiên cứu Stefan Voiculescu-Holvad (Anh) nhận xét mặc dù đường hầm được sử dụng trong chiến tranh từ xa xưa nhưng điều đáng ngạc nhiên là chiến tranh dưới lòng đất rất ít được chú ý. 

Những năm gần đây, sau khi chiến thuật đường hầm xuất hiện trở lại, đặc biệt có liên quan đến các tổ chức khủng bố, giới quân sự mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn.

Ngoài các nhóm tiến hành chiến tranh phi đối xứng như IS, Hezbollah và Hamas, một số quốc gia như CHDCND Triều Tiên, Syria, Iran đã xây dựng đường hầm để đạt mục tiêu chiến lược. Vào tháng 2-2023, Iran đã tiết lộ căn cứ đầu tiên chứa máy bay chiến đấu dưới lòng đất (căn cứ Eagle 44). Đây là căn cứ quân sự dưới lòng đất thứ ba của Iran được tiết lộ sau căn cứ tên lửa đạn đạo và căn cứ máy bay không người lái.

Chiến tranh dưới lòng đất khác với chiến đấu trên mặt đất. Do không gian dưới lòng đất chật hẹp nên khó điều động các phương tiện chiến đấu có người lái. Các vũ khí đắt tiền như xe tăng và máy bay không còn hữu dụng. Binh sĩ phải tự mang theo vũ khí, đạn dược, vật tư y tế và vận chuyển thương binh. 

Đường hầm thường tối tăm, lưu thông không khí kém nên khí gây ô nhiễm, hơi hóa chất và khói thuốc súng tích tụ rất nhanh. Âm thanh trong đường hầm được phóng đại, do đó các vụ nổ gây chấn động lớn. Sóng vô tuyến cũng truyền đi rất kém.

Tạp chí Popular Mechanics (Mỹ) nhận xét mấy năm gần đây quân đội các nước đã chú ý nhiều hơn đến chiến đấu dưới lòng đất. Tháng 11-2019, quân đội Mỹ đưa ra học thuyết mới nhất về các chiến thuật dưới lòng đất trong "Ấn phẩm kỹ thuật quân đội 3-21.51: Tác chiến dưới lòng đất". Tài liệu này nhận định: "Xâm nhập và chiến đấu trong môi trường dưới lòng đất là rủi ro cực kỳ cao và nên tránh bất cứ khi nào có thể".

Dù vậy, chuyên gia về chiến tranh đô thị John Spencer tại Viện Chiến tranh hiện đại thuộc Học viện Quân sự West Point (Mỹ) đánh giá mọi xung đột trong 5 - 10 năm qua đều diễn ra ở thành phố, vì vậy ông dự báo "chiến tranh sắp tới sẽ diễn ra ở đô thị, trong môi trường bẩn thỉu và dưới lòng đất" dù đó là đường hầm nhân tạo, hệ thống thoát nước ngầm hay đường hầm xe điện.

Tại hội nghị chuyên đề thường niên của lực lượng lục quân Thái Bình Dương vào ngày 17-5-2023 ở Honolulu (Mỹ), trung tướng Bill Burleson - tư lệnh quân đoàn 8 Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc - nhận xét các binh sĩ phải học cách tác chiến dưới lòng đất để tránh các cảm biến và thiết bị giám sát trên mặt đất của đối phương. 

Bộ tư lệnh Học thuyết và huấn luyện quân đội Mỹ đã quyết định đưa chương trình huấn luyện tác chiến đô thị vào các trung tâm huấn luyện khi quân đội Mỹ chuyển từ hoạt động chống nổi dậy sang chiến đấu trên bộ trên quy mô lớn.

Vào tháng 12-2019, Nhóm công tác quốc tế về chiến tranh dưới lòng đất đã tổ chức hội nghị với chủ đề "Các mối đe dọa dưới lòng đất trong chiến tranh và hòa bình" tại Đại học Reichman (Israel). 

Theo báo Israel Yayom, đây là hội nghị học thuật đầu tiên trên thế giới về chiến tranh dưới lòng đất quy tụ nhiều chuyên gia về chiến tranh và công nghệ, các nhà sử học và nhà địa chất để thảo luận các giải pháp cải thiện học thuyết quân sự về chiến tranh dưới lòng đất. Quân đội các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Áo và các nước thành viên NATO đều đã tổ chức huấn luyện cho các binh sĩ làm quen với chiến đấu dưới lòng đất.

Sư đoàn 2 bộ binh Mỹ huấn luyện trong đường hầm ở Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap

Sư đoàn 2 bộ binh Mỹ huấn luyện trong đường hầm ở Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap

Công nghệ mới không phải là thuốc tiên

Cơ quan Các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA), Bộ tư lệnh Phát triển năng lực chiến đấu của quân đội Mỹ và Trung tâm Cơ động ưu tú đã nghiên cứu nhiều công nghệ mới đáp ứng yêu cầu chiến đấu dưới lòng đất.

Một yếu tố rất quan trọng là định vị đường hầm. Có hai nhóm hệ thống định vị gồm hệ thống chủ động có chức năng tìm kiếm khoảng trống dưới lòng đất và hệ thống thụ động nhằm phát hiện tiếng ồn hoặc chấn động dưới đất, từ đó suy ra vị trí đường hầm. Công nghệ nào cũng có khó khăn riêng.

- Đo điện trở suất của đất: Thiết bị sẽ phát dòng điện vào lòng đất qua các điện cực. Nếu có đường hầm, nó sẽ cản dòng điện, từ đó có thể xác định vị trí đường hầm. Tuy nhiên, chuyên gia phát hiện dưới lòng đất Paul Berman ghi nhận phương pháp đo mặt cắt ảnh điện vẫn có thể xác định đường hầm không thành công. 

Một phương pháp khác là đo những thay đổi nhỏ trong trường hấp dẫn của Trái đất để xác định đường hầm. Phương pháp này lại cần mức độ chính xác cao hơn và đầu tư lớn mới cho ra kết quả đáng tin cậy.

- Dò âm thanh: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công binh của quân đội Mỹ (ERDC) đã phát triển hệ thống dò đường hầm gồm hàng loạt đầu thu sóng địa chấn chôn dưới đất để nghe ngóng âm thanh đào đường hầm. 

Một cách khác là sử dụng máy chụp ảnh địa chấn chủ động (ASI). Máy phát âm thanh xuống đất, sau đó các đầu thu sóng địa chấn sẽ nghe âm thanh lan truyền. Nếu có đường hầm, đường biểu diễn sẽ khác.

Trên thực tế, cấu trúc địa chất khác nhau (nhiều đá, nhiều cát hay đất sét) hấp thụ bức xạ khác nhau từ sóng âm, điện từ, sóng vô tuyến. Vì vậy, chuyên gia Mark Kaczmarek với kinh nghiệm phụ trách về khoa học và công nghệ của Bộ An ninh nội địa Mỹ giải thích các cảm biến có thể định vị được đường hầm ở chỗ này nhưng thất bại ở chỗ khác. Kết quả thăm dò còn phụ thuộc độ sâu, kích thước và vật liệu xây dựng đường hầm.

Máy bay không người lái (UAV): UAV Airborg 10K nặng 6,8kg do Công ty Top Flight Technologies phát triển sẽ bay vòng tròn trên không và tạo bản đồ nhiệt trong khu vực nhất định. Nếu từ trường có thay đổi lớn, có thể sẽ có đường hầm dưới lòng đất. Ngoài ra, DARPA cũng đang phát triển UAV làm nhiệm vụ trinh sát trong đường hầm thay cho binh sĩ.

Thật ra không có công nghệ nào giống như phép lạ có khả năng giải quyết mọi thách thức trong đường hầm, do đó kết hợp nhiều công nghệ vẫn là giải pháp tốt nhất. Theo TS sử học Arthur Herman, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Hudson (Mỹ), mỗi đường hầm có diện mạo riêng, vì vậy các đơn vị thường dựa vào may mắn, bản năng và trí thông minh con người (người báo tin) để phát hiện đường hầm chứ công nghệ phát hiện đường hầm đến nay chỉ là ngành khoa học không chính xác.

Ngày 24-9-2021, đội Đại học Colorado Boulder giới thiệu robot tham dự vòng chung kết cuộc thi “Thử thách dưới lòng đất” do DARPA tổ chức - Ảnh: colorado.edu

Ngày 24-9-2021, đội Đại học Colorado Boulder giới thiệu robot tham dự vòng chung kết cuộc thi “Thử thách dưới lòng đất” do DARPA tổ chức - Ảnh: colorado.edu

Năm 2018, DARPA thông báo tổ chức cuộc thi "Thử thách dưới lòng đất" nhằm tìm kiếm khả năng mới của robot về lập bản đồ, xác định vị trí và tìm kiếm trong môi trường dưới lòng đất. Cuộc thi được thực hiện trong ba môi trường dưới lòng đất gồm đường hầm nhân tạo, hang động tự nhiên và lòng đất khu vực đô thị.

Tám đội của 11 quốc gia đã vào đến vòng ba (vòng hang động) vào ngày 21-9-2021. Đội Cerberus gồm bảy đơn vị của Mỹ, Thụy Sĩ, Na Uy và Anh giành giải nhất với phần thưởng 2 triệu USD.

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 4: Bom đường hầm khủng khiếp ở Syria và IraqBí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 4: Bom đường hầm khủng khiếp ở Syria và Iraq

Bom đường hầm hay còn gọi là thiết bị nổ tự chế đặt trong đường hầm (TBIED) được mô tả như sau: đào một đường hầm đủ dài để tiếp cận mục tiêu, sau đó đặt nhiều chất nổ và kích nổ nhằm thổi bay mục tiêu từ bên dưới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên