01/01/2024 13:37 GMT+7

Bí mật cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 2: Hầm ngầm ở bán đảo Triều Tiên hầm hập mùi thuốc súng

Ngày 15-11-1974, một tiểu đội Hàn Quốc đóng quân gần Korangpo-ri khu phi quân sự liên Triều phát hiện hơi nước bốc lên mặt đất gần nơi đóng quân.

Đường hầm thứ hai được phát hiện vào ngày 19-3-1975 - Ảnh: BETTMANN

Đường hầm thứ hai được phát hiện vào ngày 19-3-1975 - Ảnh: BETTMANN

Các đội khoan đã phải làm việc dọc theo toàn bộ chiều dài khu phi quân sự để định vị đường hầm.

KIM SE KON

Trung tá Mỹ chết dưới đường hầm

Trung tá Mỹ Michael Wikan, từng làm sĩ quan phụ trách tác chiến - kế hoạch - huấn luyện ở Hàn Quốc, kể lại sự việc trong cuốn sách Gián điệp và nước Mỹ trong thế kỷ 20 của TS Thomas Murray: "Một người lính Hàn Quốc với đôi mắt tinh tường đã chú ý đến các luồng hơi nóng bốc lên từ dưới đất và đến xem xét tại chỗ. Khi nghe nhiều giọng nói phát ra từ cái lỗ nhỏ, anh gắn lưỡi lê vào khẩu súng và chọc thăm dò thì thấy đất sụt xuống. Anh nã đạn vào lỗ. Một loạt đạn của Triều Tiên từ đường hầm bay ngược về phía anh, rồi tất cả im lặng".

Năm ngày sau, Bộ tư lệnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cử trung tá hải quân Mỹ Robert Ballinger (41 tuổi) và thiếu tá thủy quân lục chiến Anthony Nastri đến kiểm tra đường hầm. Theo quy định, họ không được mang vũ khí nên đã được đội hộ tống của thiếu tá Hàn Quốc Kim Hah Chul tháp tùng. Cả ba sĩ quan đều là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam.

Trung tá Wikan kể tiếp: "Bob (Robert Ballinger) tuột xuống hố trước, theo sau là Tony (Anthony Nastri). Chưa đầy một phút sau (lúc 13h20), một tiếng nổ lớn vang lên giết chết Bob tại chỗ. Các binh sĩ Hàn Quốc vội vã kéo Tony ra khỏi hố. Chúng tôi chưa thể xác định chính xác loại thiết bị nổ liên quan là bẫy, vật liệu nổ đơn thuần hay mìn nổ được điều khiển từ xa. Tôi tin rằng họ đã nhét chất nổ vào vách bên và kích nổ từ xa bằng điện". Ngoài trung tá Ballinger, thiếu tá Kim Hah Chul cũng thiệt mạng trong vụ nổ. Sáu người bị thương gồm năm binh sĩ Mỹ và một binh sĩ Hàn Quốc.

Từ hơn một năm trước, quân đội Hàn Quốc thường xuyên tuần tra khu phi quân sự dài gần 260km đã nghe nhiều tiếng nổ và tiếng hoạt động dưới lòng đất, đồng thời nhận thấy có nhiều máy xúc hạng nặng di chuyển bên phía CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, đây là đường hầm xâm nhập đầu tiên của Triều Tiên được phát hiện.

Theo tạp chí National Interest (Mỹ), các cuộc kiểm tra sau đó cho thấy đường hầm được xây dựng hoành tráng với tường bê tông, hệ thống chiếu sáng, kho vũ khí và chỗ ngủ, thậm chí còn có đường sắt dùng xe đẩy. Đường hầm dài hơn 3,2km, trong đó một phần ba nằm bên trong biên giới Hàn Quốc, đủ rộng cho 2.000 binh sĩ đi qua mỗi giờ.

Sau đó, dựa theo báo cáo tình báo, quân đội Hàn Quốc cố tìm thêm đường hầm trong khu vực gần trung tâm khu phi quân sự đồng thời thuê một công ty khai thác mỏ Hàn Quốc khoan thăm dò. Sau 69 lỗ khoan, họ không tìm thấy đường hầm nào khác. Theo trang web của lục quân Mỹ, vào cuối năm 1974, quân đội Hàn Quốc đã yêu cầu đơn vị vùng Viễn Đông (FED) thuộc Đoàn Công binh lục quân Mỹ hỗ trợ. Từ năm 1965, FED phụ trách khoan tìm giếng nước cho các căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc với độ chính xác rất cao.

Tháng 3-1975, FED thành lập đơn vị khoan và cử các đội khoan đến khu phi quân sự liên Triều. Các đội làm việc liên tục ba ca với mỗi ca tám tiếng trong ngày. Sau 12 ngày khoan ròng rã, một mũi khoan đã chọc vào khoảng trống ở độ sâu 47m. Đường hầm thứ hai được phát hiện.

Đường hầm này lớn hơn nhiều, chạy xuyên qua khu phi quân sự khoảng 1,6km, cách huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon của Hàn Quốc) gần 21km. Đường hầm có kích thước gần 2m x 2m, trần hình vòm, khá lớn đủ chứa xe nhỏ và pháo binh hoặc 30.000 quân vượt giới tuyến mỗi giờ xâm nhập Hàn Quốc. Trong đường hầm có khu vực tập kết quân và ba lối ra riêng để các binh sĩ nhanh chóng vận động khỏi đường hầm.

Binh sĩ Hàn Quốc kiểm tra đường hầm thứ tư - Ảnh: FED

Binh sĩ Hàn Quốc kiểm tra đường hầm thứ tư - Ảnh: FED

Từ một vụ nổ tình cờ phát hiện đường hầm

Sau đó, quân đoàn 8 của Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc đã thành lập Đội Vô hiệu hóa đường hầm Hàn Quốc (TNT). Đội đã được FED hỗ trợ về kỹ thuật và hậu cần. Mấy năm trước, một công dân Triều Tiên đào tẩu tên Kim Pu Song khai báo đã nhìn thấy không dưới chín đường hầm khi còn làm nhân viên vẽ bản đồ địa hình, trong đó có đường hầm ở khu phi quân sự liên Triều, vì vậy các đội khoan đã tập trung khoan thăm dò gần làng Bàn Môn Điếm.

Ông Kim Se Kon từng là nhà địa chất cấp cao của FED kể lại: "Thật khó để định vị chính xác vì góc nhìn từ phía bắc khác góc nhìn từ phía nam. Tình cờ vào ngày 10-6-1978, một vụ nổ xảy ra tại một lỗ khoan cũ bị bỏ, có lẽ chất nổ bị lỗi do được gài từ nhiều năm trước. Lập tức đội khoan FED tiến hành đào ngược ở xung quanh và phát hiện đường hầm thứ ba".

Đây là đường hầm nổi tiếng nhất vì chỉ cách thủ đô Seoul 43km, cách làng Bàn Môn Điếm và căn cứ tiền phương của lực lượng LHQ chỉ 2km. Điều này đã gây sốc dư luận lúc bấy giờ vì Seoul có nguy cơ bị tấn công bất ngờ. Đường hầm sâu 73m chạy qua khu phi quân sự 400m có thiết kế tương tự đường hầm thứ hai. CHDCND Triều Tiên ban đầu phủ nhận mọi trách nhiệm về đường hầm vì có thể vi phạm hiệp định đình chiến năm 1953, nhưng sau đó đưa ra lập luận đào đường hầm để khai thác than trong khi đá trong khu vực là đá hoa cương.

FED tiếp tục hỗ trợ quân đội Hàn Quốc tìm kiếm đường hầm đến những năm 1990 thì bàn giao lại cho quân đội Hàn Quốc. Đường hầm thứ tư được phát hiện vào tháng 3-1990 ở độ sâu 152m gần Haean tại rìa phía đông khu phi quân sự liên Triều. Từ năm 1990 đến nay, Hàn Quốc không tìm thấy đường hầm nào nữa. Hàn Quốc khẳng định khó có thể xây dựng đường hầm dài vì nguồn nước ngầm dưới lòng đất rất nhiều.

Hiện nay ba đường hầm đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Du khách có thể vào đường hầm tham quan đến nơi bị chặn. Trên trang web của Viện Chiến tranh hiện đại (Mỹ), TS Daphné Richemond-Barak - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện quốc tế Chống khủng bố thuộc Đại học Reichman (Israel) và học giả cấp cao John Spencer ở Viện Chiến tranh hiện đại - nhận định Hàn Quốc đã bỏ lỡ cơ hội nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp phá hủy đường hầm. Ví dụ cần làm gì để vô hiệu hóa đường hầm lớn như vậy, phải đổ bao nhiêu bê tông để không thể tái sử dụng đường hầm, dùng chất nổ phá đường hầm có khả thi hay không và dùng bao nhiêu chất nổ.

Hàn Quốc vẫn lo ngại bình thường Triều Tiên có thể sử dụng đường hầm để đưa người xâm nhập. Nếu chiến tranh xảy ra, biệt kích và bộ binh Triều Tiên có thể dùng đường hầm vượt qua hệ thống công sự dày đặc trong khu phi quân sự, cắt đứt các tuyến hậu cần của Hàn Quốc và thiết lập phòng tuyến thứ hai hỗ trợ quân tăng viện.

Tại sao Hàn Quốc không đổ bê tông vô hiệu hóa đường hầm mà chỉ chặn giữa đường hầm bằng tấm bê tông? Daphné Richemond-Barak và John Spencer đưa ra ba lập luận. Một, đường hầm là tuyên ngôn chính trị thường trực đối với cộng đồng quốc tế về tình trạng chiến tranh dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hai, đường hầm là lời cảnh báo cho thế hệ trẻ Hàn Quốc về nguy cơ chiến tranh tiềm ẩn. Ba, đường hầm tiếp tục là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Hàn Quốc.

____________________________________________________________

Cách đây 30 năm, tướng Rašid Zorlak đã long trọng tuyên bố: "Tôi muốn thông báo với các bạn đúng 8h50 tối 30-7-1993 Sarajevo đã được thông suốt qua đường hầm dài 760m...". Đường hầm là cửa ngõ duy nhất kết nối Sarajevo bị vây hãm với bên ngoài.

Kỳ tới: Đường hầm cứu rỗi ở chiến địa đau thương Sarajevo

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 1: Đường hầm từ công thành đến phòng thủBí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 1: Đường hầm từ công thành đến phòng thủ

Đường hầm đã từng được sử dụng trong chiến tranh từ thời đế quốc La Mã cổ đại, đến hai cuộc đại chiến thế giới đẫm máu nửa đầu thế kỷ 20, rồi chiến tranh ở Việt Nam và bán đảo Triều Tiên...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên