Tại hội nghị tim mạch - lão khoa quốc tế tổ chức sáng 28-10, ông Lê Đình Thanh - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (Bộ Y tế) - khẳng định đến nay đơn vị là một trong những trung tâm tim mạch - lão khoa hàng đầu phía Nam và đang phấn đấu xây dựng bệnh viện trở thành một bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt.
Theo ông Thanh, lão khoa đang là một lĩnh vực nhận được sự quan tâm rất lớn của ngành y tế trong bối cảnh tuổi thọ trung bình tăng lên, cùng với đó là số người cao tuổi cần đến sự chăm sóc y tế ngày càng nhiều.
"Cùng với xu hướng chung của thế giới, vấn đề lão khoa trong y học ở nước ta rất được quan tâm. Bệnh viện Thống Nhất với đặc thù nhiệm vụ và lịch sử phát triển của mình nên số lượng bệnh nhân lớn tuổi có thể nói là đông nhất cả nước" - ông Thanh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bệnh viện Thống Nhất, hiện đơn vị điều trị nội trú cho khoảng 1.200 bệnh nhân, trong đó có đến 70% là người cao tuổi.
Ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết cả nước có ba bệnh viện được giao đầu mối làm công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ cao cấp gồm Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), Bệnh viện C (Đà Nẵng) và Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).
Đặc biệt, trong hệ thống y tế hiện mới chỉ có một bệnh viện lão khoa đó là Bệnh viện Lão khoa trung ương (Hà Nội). Việc Bệnh viện Thống Nhất phấn đấu xây dựng trở thành một bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt là điều đáng khích lệ.
Điều này được thể hiện ở chỗ, ngoài chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp, Bệnh viện Thống Nhất được cho phép sử dụng 400 giường bệnh tiếp nhận điều trị cho người dân với tất cả các mặt bệnh, trong đó có người cao tuổi.
Theo ông Khuê, hiện Bộ Y tế cũng đang đầu tư một trung tâm chất lượng cao về chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp và đặc biệt là nghiên cứu về người cao tuổi. "Đây không chỉ là ước mơ của bệnh viện mà cũng là mong muốn của Bộ Y tế" - ông Khuê khẳng định.
Dân số Việt "già trước khi giàu"
Dân số Việt Nam đang đối diện với thách thức "kép": là nước nằm trong nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh, già hóa kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe lại giảm.
Trong kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi vừa được UBND TP.HCM ban hành cho thấy toàn TP có hơn 1 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi). Già hóa dân số chịu tác động sâu sắc bởi mức sinh thấp, mức tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Còn theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố là 76,2 (cả nước là 73,6). Tuy nhiên, tuổi thọ người dân nói chung tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.
Các cuộc khảo sát cho thấy người cao tuổi cả nước và TP.HCM đang đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ về sức khỏe. Bình quân mỗi người mắc khoảng ba loại bệnh mãn tính (cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...), chưa kể tuổi tác cũng làm cho các chức năng của cơ thể suy giảm đáng kể.
Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm suy yếu khả năng tham gia các hoạt động xã hội, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị và từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận