06/03/2018 17:13 GMT+7

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh do dị ứng ở mắt, thường thấy ở trẻ em từ 5-20 tuổi, tần suất mắc cao nhất ở lứa tuổi 7-13 tuổi.

Bệnh viêm kết mạc mùa xuân - Ảnh 1.

Khi lộn mi thấy ở mi mắt có những nốt (nhú gai) màu đỏ lớn. Ảnh: pinsdaddy.com

Bệnh xảy ra ở những vùng có 4 mùa rõ rệt, khi hậu khô, nóng và thường xuất hiện vào mùa xuân nên được gọi là viêm kết mạc mùa xuân. Tuy nhiên hiện nay do vấn đề ô nhiễm không khí rất phổ biến nên bệnh cũng có thể gặp quanh năm.

Ðặc điểm của viêm kết mạc mùa xuân

Bệnh nhân bị đỏ cả hai mắt, ngứa, cảm giác như bị phỏng, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, lúc nào cũng muốn lấy tay dụi mắt nhưng càng dụi càng ngứa. Khi lộn mi thấy ở mi mắt có những nốt (nhú gai) màu đỏ lớn, đường kính trên 1mm nằm sát nhau, nhú gai có mạch máu ở đỉnh, hoặc thấy những nốt có màu trắng như sữa ở gần tròng đen.

Lúc đầu có thể bệnh viêm kết mạc mùa xuân chưa làm ảnh hưởng đến thị lực, nhưng khi có tổn thương trên giác mạc, thị lực sẽ giảm sút tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương. Nếu bệnh nhân không khám, điều trị bệnh theo đúng sự chỉ dẫn của Bác sỹ tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt, có thể dẫn đến mù loà.

Nguyên nhân

Ðây là một bệnh do dị ứng. Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi...) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù... Vào mùa xuân hoa nở nhiều, các loại phấn hoa bay tỏa vào không khí, người có cơ địa dị ứng sẽ dễ bị mắc bệnh.

Cách chữa trị

Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là thói quen tự dùng thuốc của người bệnh. Khi bị viêm kết mạc do dị ứng, bệnh nhân tự mua các thuốc chống viêm và sử dụng kéo dài không có sự chỉ dẫn của Bác sỹ, rất nguy hiểm khi trong số các thuốc chống viêm đó là các chế phẩm có Corticoid và người bệnh khó tránh khỏi tác dụng phụ của thuốc dẫn đến mù mắt khi còn rất trẻ.

Khi chưa đi kịp đi khám bệnh, để tránh gây tổn thương thêm cho mắt, người bệnh nên : Đắp gạc lạnh hay nước đá sạch cho bớt ngứa. Nhỏ các thuốc rửa mắt cho trôi hết các phấn hoa hay bụi bặm vào mắt. Tránh dụi mắt, nhất là ở trẻ em.

Để phòng bệnh

Lưu ý khi bị dị ứng với dị nguyên nào, người bệnh cần tránh tiếp xúc với dị nguyên đó. Nếu dị ứng với phấn hoa, bụi thì nên đeo kính mắt, đeo khẩu trang, không nên trồng cắm hoa xung quanh nhà, khi dọn vệ sinh nhà cửa cần có phương tiện bảo hộ che chắn bụi. Dị ứng với lông thú vật thì không nên nuôi chó, mèo trong nhà. 

Vì bệnh tái phát thường xuyên nên bệnh nhân cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Cũng không nên lấy đơn thuốc cũ dùng lại vì mỗi thời điểm có thể dùng loại thuốc khác nhau. Nếu thường xuyên dùng thuốc vẫn không hết, đôi khi phải thay đổi môi trường. Trường hợp bệnh nặng đã có biến chứng vào giác mạc, cần phải điều trị lâu dài và đúng cách dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa mắt.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên