12/10/2011 07:15 GMT+7

Bệnh nhân nghèo với gánh nặng viện phí - Kỳ cuối: Lạm dụng kỹ thuật

Nhóm PV y tế
Nhóm PV y tế

TT - Chỉ định nhiều dịch vụ y tế không cần thiết là nguyên nhân chính khiến phí khám chữa bệnh tăng cao. Tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi.

Read this on Tuoitrenews.vnQuyết tăng viện phí Kỳ 1: Tăng một đồng cũng khổ Kỳ 2: Câu hỏi lớn về chất lượng điều trị

Psa8PJxW.jpgPhóng to
Kiểm tra bệnh bằng máy tại Bệnh viện K, Hà Nội - Ảnh: Châu Anh

Cách đây một tháng, bà Nguyễn Thị Lập, 50 tuổi, chuyển từ Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh ra một bệnh viện ở Hà Nội mổ khối u mỡ rộng 1,5cm ở gan... Chỉ sau một ngày ở đây, bà Lập nhận thông báo nộp 16 triệu đồng mua thiết bị để mổ nội soi. Không đủ tiền nên bà chuyển qua bệnh viện khác.

Lãng phí tiền bệnh nhân

Tại Bệnh viện Việt Đức, bà Lập mừng húm khi chỉ phải nộp tạm ứng viện phí 5 triệu đồng, thay vì 16 triệu như bệnh viện trước. Cũng được mổ nội soi, nhưng ba ngày sau ca mổ bà Lập đã được ra viện với chi phí xấp xỉ 5 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế trả hết 4 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Liêm - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương và là chuyên gia trong lĩnh vực nội soi - cho hay một ca nội soi cắt khối u mỡ không cần phải tốn đến 16 triệu đồng.

Ngày 22-8, chị Nguyễn Thị Hà đến khám tại phòng khám đa khoa VM ở phố Ngô Gia Khám, Hà Nội do ho, chảy nước mũi. Mặc kệ chị Hà trình bày phòng khám cơ quan có kết luận chị bị viêm họng nhưng chị vẫn được chỉ định làm sáu dịch vụ: nội soi tai mũi họng, xét nghiệm công thức máu, nước tiểu, Aslo, Rf và chụp X-quang tim phổi. Phát hoảng vì phí xét nghiệm, chụp chiếu lên tới 425.000 đồng, chưa tính 50.000 đồng tiền khám, chị Hà sang phòng khám TT trên phố Thái Thịnh.

Tại đây, chị cũng được yêu cầu nội soi tai mũi họng, chụp X-quang và xét nghiệm máu, chi phí cả khám và chụp chiếu gần 400.000 đồng. Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh - Bảo hiểm xã hội VN, Aslo, Rf là xét nghiệm xem tình trạng viêm họng có ảnh hưởng đến khớp hay không, nhưng chỉ nên chỉ định ở những người có viêm họng kèm đau khớp, nếu không thì quá lãng phí, nhất là trong điều kiện bệnh nhân là người nghèo.

Chỉ định thuốc không hợp lý cũng gây tốn kém nhiều cho bệnh nhân. Trong đơn thuốc của bệnh nhân Nguyễn Thị H., 56 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 25-3, chi phí cho thực phẩm chức năng trong đơn gấp 12 lần giá thuốc chữa bệnh (1,2 triệu đồng mua thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chỉ 80.000 đồng). Bảo hiểm xã hội VN cho biết từng có hiện tượng gần 100% bệnh án bệnh nhân tim mạch vào Viện Tim được kê thuốc hỗ trợ gan, bất kể bệnh nhân không cần phải hỗ trợ gan.

Lạm dụng

Bà Lưu Thị Thanh Huyền - trưởng phòng giám định Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho rằng các quy định về kỹ thuật cận lâm sàng, quy chế chuyên môn hiện có cho phép đội giá chi phí khám chữa bệnh lên rất nhiều. Như siêu âm, hầu như không còn bệnh viện nào ở TP.HCM cho siêu âm trắng đen dù siêu âm trắng đen vẫn có giá trị chẩn đoán nhưng bệnh viện cho rằng người bệnh phải được hưởng siêu âm màu vì đây là kỹ thuật cao cấp hơn. Vì vậy, thay vì siêu âm trắng đen chỉ 20.000 đồng/lần thì siêu âm màu bình thường là 80.000 đồng/lần, siêu âm Doppler màu hay siêu âm ba chiều, bốn chiều lên đến 150.000 đồng/lần. Hoặc giữa chụp X-quang thường, X-quang kỹ thuật số và CT scanner cũng vậy.

Hiện nay hầu hết các bệnh viện không còn sử dụng X-quang thường (giá 20.000 đồng/lần chụp) mà chuyển qua X-quang kỹ thuật số (60.000 đồng). Với chẩn đoán viêm xoang trước đây, chỉ cần chụp X-quang thường hoặc kỹ thuật số là có thể chẩn đoán ra bệnh nhưng nay nhiều bệnh viện cứ chỉ định cho chụp CT scanner xoang (không cản quang 700.000 đồng/lần, có cản quang 1 triệu đồng/lần) dù không thật sự cần thiết. Theo bà Thanh Huyền, tất cả vấn đề này đã làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân bình thường và gia tăng tiền chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) Phạm Lương Sơn cho biết kiểm tra một số bệnh viện có hiện tượng lạm dụng dịch vụ y tế năm 2010 và các tháng đầu năm 2011 cho thấy riêng chi phí thu hồi do bệnh viện sử dụng siêu âm màu (3D, 4D) để siêu âm ổ bụng đã gần 10 tỉ đồng. “Sử dụng siêu âm 3D, 4D siêu âm ổ bụng phổ biến từ tuyến huyện, nhưng vẫn phải dùng đầu dò của máy siêu âm 2D, bởi siêu âm 2D là hiệu quả nhất với siêu âm ổ bụng. Vậy nhưng họ vẫn dùng 3D, 4D khiến chi phí đội lên gấp 4-7,5 lần so với 2D” - ông Sơn nói.

Cũng trong quá trình thanh tra ở các tỉnh, cơ quan bảo hiểm phát hiện rất nhiều thuốc có đánh dấu sao (thuốc đắt tiền, dễ bị kháng), cần phải hội chẩn trước khi sử dụng cho bệnh nhân, nhưng bệnh viện không hội chẩn hoặc hợp thức hóa bằng biên bản hội chẩn sau khi bệnh nhân đã ra viện rất lâu! Những bệnh nhân có bảo hiểm còn có cơ quan bảo hiểm phát hiện, bệnh nhân không có bảo hiểm, không ai kiểm tra, thật khó biết đã có bao nhiêu người phải dùng thuốc đắt tiền không cần thiết.

Nhóm PV y tế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên