Đây là điều kiện nhằm chấm dứt tình trạng để bệnh nhân “chiếu manh, chăn chiên như hồi chiến tranh, bao cấp”...
Phóng to |
Phóng to |
Bệnh nhân đóng viện phí tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế cố gắng trong năm nay trình Chính phủ dự thảo mức điều chỉnh viện phí đã quá lỗi thời để đưa vào thực hiện từ đầu năm 2012.
Tăng giá trên 300 dịch vụ
Đề nghị tăng phí bảo hiểm y tế Theo ông Trần Đức Long - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), năm 2010 mức đóng bảo hiểm y tế được nâng từ 3% lên 4,5% lương tối thiểu. Nếu tăng viện phí, quỹ bảo hiểm y tế chỉ có khả năng cân đối trong giai đoạn 2011-2012, đến 2013 phải tính toán đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh mức đóng, tăng mức hỗ trợ cho người nghèo. Luật bảo hiểm y tế cho phép điều chỉnh phí bảo hiểm y tế lên 6% lương tối thiểu. |
Phải cải tổ viện phí, vì khoảng 300 giám đốc sở y tế, giám đốc bệnh viện trung ương và địa phương tham dự hội nghị hôm qua chỉ có kêu và kêu. Ông Trương Quý Dương, giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, cho rằng bệnh viện “đang tự ăn thịt mình”, không có tiền bảo dưỡng thiết bị, thay vì dành 5-7% viện phí bảo dưỡng hằng năm, bệnh viện cứ phải tận thu từ thiết bị y tế, máy móc chỉ vài năm là hỏng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng tình với ý kiến này, nói rằng đi về tỉnh, về huyện thấy bệnh viện tồi tàn quá thể, bệnh nhân vẫn phải nằm chiếu manh, dùng chăn chiên như hồi còn chiến tranh. “Đời sống vật chất, tinh thần khá hơn, nhưng vào bệnh viện thì ngày càng khổ” - bà Tiến phàn nàn.
Theo ông Liên, hơn 300 dịch vụ y tế tăng giá lần này chiếm 10% tổng số dịch vụ ngành y tế đang thực hiện. Theo đó, giá khám bệnh hiện là 3.000 đồng/lần khám được đề nghị nâng lên 30.000 đồng. Khung giá giường bệnh viện (hạng 1) hiện hành là 12.000-18.000 đồng/ngày được đề nghị lên 100.000-180.000 đồng/ngày.
Thực tế đã xé rào
"Tôi có niềm tin vào chủ trương tăng viện phí vì có lợi cho dân, phù hợp với nhu cầu phát triển" Bộ trưởng Nguyễn thị Kim Tiến |
Một cách “né” khung giá các bệnh viện thường làm là chuyển bệnh nhân sang diện tự nguyện, dù họ đi đúng tuyến và không muốn tự nguyện vì nghèo. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, từ lâu giá khám bệnh đã là 30.000 đồng cho “nhóm tự nguyện”. Mới đây, một bệnh nhân bị viêm dính mạc treo được chuyển tuyến theo đúng quy trình từ huyện lên, bệnh viện xếp vào diện tự nguyện, phí giường nằm 100.000-150.000 đồng/ngày, phí để xếp diện mổ tự nguyện 1 triệu đồng/ca, tổng chi phí cho ca mổ 37 triệu đồng.
Từ những khoản thu “tự nguyện” hoặc xã hội hóa, nhiều bệnh viện có thêm nguồn thu chi trả cho cán bộ y tế. Một số bệnh viện tuyến trung ương, thu nhập chính thức của y tá 10 triệu đồng/tháng, bác sĩ 30-40 triệu đồng/tháng.
Một bệnh viện tư đầu tư kiểu “bệnh viện khách sạn” đã mời các bác sĩ ở bệnh viện hàng đầu sang làm việc với mức lương 50 triệu đồng/tháng, y tá 20 triệu đồng/tháng nhưng không ai đi, điều đó chứng tỏ mức thu nhập ngoài lương ở các bệnh viện tuyến trung ương rất khá.
Tuy nhiên, ở tuyến tỉnh, huyện, với khung giá viện phí hiện hành thì đúng là khó có nguồn tài chính để cải tạo buồng bệnh, bảo dưỡng thiết bị y tế, tăng thêm thu nhập cho cán bộ và nhân viên. Bệnh nhân cũng không tin tưởng vào các bệnh viện tuyến này nên thường chạy thẳng lên tuyến trên, làm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Giá tăng, chất lượng có tăng?
Viện phí tăng vì những yêu cầu bức bách về chất lượng khám chữa bệnh, nhưng chất lượng khám chữa bệnh có tăng? Trao đổi bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng những khúc mắc như tăng viện phí thì người nghèo, cận nghèo sẽ khó khăn, được giải quyết bằng cách tăng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo lên 70% mệnh giá thẻ (hiện hành hỗ trợ 50%).
Từ năm 2014 sẽ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, bắt buộc mua bảo hiểm y tế với các nhóm nông dân, ngư dân, hộ gia đình lâm nghiệp, diêm nghiệp, tăng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên nghèo. Đồng thời đẩy mạnh kiểm định chất lượng bệnh viện, bệnh viện yếu kém, bệnh nhân chê thì bảo hiểm không cho đăng ký khám bệnh ở đó nữa.
Bà Tiến cũng nói Bộ Y tế vừa có hai thông tư chăm sóc toàn diện và dinh dưỡng tiết chế ở bệnh viện, quy định số y tá/giường bệnh và chế độ ăn của bệnh nhân ở bệnh viện.
Tại hội nghị, cả Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nhiều lần bày tỏ mong muốn người dân đồng thuận với đề nghị cải tổ viện phí.
Thực tế tính từ năm 2003, Bộ Y tế đã nhiều lần đệ trình việc thay đổi viện phí nhưng đều bị phản đối vì chưa giải quyết được đồng bộ các bức xúc liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh và các nhóm yếu thế như người nghèo, cận nghèo, nông dân, cán bộ hưu trí. Lần này, có vẻ các khúc mắc kể trên đã được tính đến, nhưng nếu thực tế không giống như tính toán, chắc chắn sẽ rất khó khăn cho người nghèo.
Một số dịch vụ đề nghị tăng viện phí
Dịch vụ<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> |
Phí hiện hành
(đồng) |
Phí dự kiến tăng (đồng) |
Khám lâm sàng chung, chuyên khoa (bệnh viện hạng 1/đặc biệt) |
2.000-3.000 |
20.000-30.000 |
Khung giá ngày giường (bệnh viện hạng 1/đặc biệt) |
12.000-18.000 |
100.000-180.000 |
Chạy thận nhân tạo (1 lần) |
150.000-300.000 |
300.000-400.000 |
Phẫu thuật vết thương phần mềm tổn thương nông |
15.000-40.000 |
100.000-145.000 |
Sinh thiết ruột |
10.000-30.000 |
300.000-350.000 |
Lấy dị vật thanh quản |
30.000-60.000 |
300.000-350.000 |
Mổ quặm một mi |
15.000-25.000 |
350.000-450.000 |
______________________
Gánh nặng lớn cho người nghèo
Đó là khẳng định của ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Ông Sơn nói:
- Việc tăng viện phí là hợp lý nhưng mức tăng chỉ hợp lý khi phù hợp với sự đáp ứng về tài chính của quỹ bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của bộ phận không tham gia bảo hiểm y tế.
Nói cứ tăng viện phí và đến khi bảo hiểm không cân đối được nữa thì sẽ tăng mức đóng, theo tôi, điều này không nên đặt ra vì nó chủ quan, duy ý chí, khó khả thi. Thực tế mức đóng bảo hiểm vừa mới tăng thêm gấp 1,5 lần từ ngày 1-1-2010 (từ 3% lên 4,5% lương cơ bản), việc tiếp tục điều chỉnh tăng có thực hiện nổi không? Hiện mức đóng của hộ cận nghèo có hỗ trợ của Nhà nước là 200.000-300.000 đồng/năm nhưng đến khi phải tăng lên 500.000 đồng/năm liệu họ có ý định tham gia?
Năm 2010, kết dư của bảo hiểm y tế là 5.000 tỉ đồng, nhưng số tiền này đã phải trả nợ phần vay từ quỹ hưu trí do các năm trước bị bội chi đến 3.000 tỉ đồng, quỹ chỉ còn lại 2.000 tỉ đồng, không thể chắc chắn sẽ cân đối được nguồn chi khi viện phí tăng.
Bản thân Bộ Y tế chưa khẳng định việc tăng viện phí có đi đôi với việc tăng chất lượng dịch vụ và giảm tải, điều đó đồng nghĩa với việc chưa thể nói đến chuyện tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế đối với người dân. Cho nên, tăng viện phí, rồi tăng phí đóng tham gia bảo hiểm không thể được coi là tiền đề để thực hiện bảo hiểm toàn dân vào năm 2014 được.
Việc tăng viện phí tất nhiên sẽ ảnh hưởng trước nhất đến những người không tham gia bảo hiểm y tế. 40% dân cư với 36 triệu người chưa có thẻ sẽ phải tự chi trả cho khoản tăng này. Phải chú ý đây là nhóm có thu nhập thấp và không ổn định. Ngay người tham gia bảo hiểm với chế độ đồng chi trả chắc chắn cũng phải chịu tác động, cụ thể là phải chi trả lớn hơn trước đây.
Còn hộ cận nghèo sẽ chịu tác động thế nào? Năm 2010, Nhà nước hỗ trợ cho hộ cận nghèo 50% phí bảo hiểm, rồi các tổ chức xã hội, các địa phương hỗ trợ thêm, có tỉnh như Bắc Ninh tổng nguồn hỗ trợ cho người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế lên đến 80% nhưng họ vẫn không mua.
Hiện nay, với mức phí đóng bảo hiểm hiện tại, chỉ có gần 10% đối tượng cận nghèo mua bảo hiểm. Khi viện phí tăng, đối tượng cận nghèo không mua bảo hiểm, chẳng may bị bệnh tật phải vào viện, tự chi trả sẽ là gánh nặng lớn cho họ.
NGỌC HÀ ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận