Phóng to |
Bệnh nhân Nguyễn Văn Hải ở Biên Hòa, Đồng Nai chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - Ảnh: T.THẮNG |
Quyết tăng viện phí Kỳ 1: Tăng một đồng cũng khổ
Cái khó đối với yêu cầu cải tiến chất lượng khám chữa bệnh là bệnh viện chưa được đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nhân lực, trang thiết bị. Một chuyên gia Bộ Y tế cho hay khi xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật khám chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011), cứ đưa tiêu chuẩn hơi cao một tí thì bệnh viện lại kêu không thực hiện được.
Chiếc đũa vô trách nhiệm và điệp khúc “quên”
Bệnh nhân Lê Văn Dững (24 tuổi, ngụ ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nhập viện ngày 28-2-2010 tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau bụng cấp. Qua chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị vết thương thấu bụng. Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện chiếc đũa dài 15cm đâm xuyên gan, thủng động mạch chủ bụng... Ngày 9-3, bệnh nhân Dững tử vong tại bệnh viện sau ca mổ lần hai do bệnh viện chưa có chuyên môn sâu về vấn đề tổn thương gan, động mạch chủ.
Điều đáng nói, khi anh Dững bị chiếc đũa đâm vào bụng, người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu. Tại đây, anh Dững được các bác sĩ mổ một vết nhỏ rồi kết luận “bị xây xát vùng ngoài, không ảnh hưởng gì bên trong” rồi khâu lại. Nhưng ngay sau đó anh Dững lên cơn sốt, đau dữ dội, không thở được.
Thấy con bị đau, gia đình báo bác sĩ nhưng chỉ nhận được câu trả lời “không có gì”. Đến hết ngày thứ tám nằm ở đây, vết thương trên người anh Dững sưng phù, máu từ bên trong tuôn ra xối xả. Lúc này các bác sĩ mới chụp CT rồi cho gia đình biết anh Dững bị tổn thương nội tạng, cần phải chuyển viện gấp. Bà Lê Thị Vân nói trong nước mắt: “Con tui chết oan quá chú ơi. Nếu các bác sĩ có tay nghề và có lương tâm thì con tui không chết được”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Bích Hạnh (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) phải chịu sự đau đớn kéo dài do nhiễm khuẩn trường diễn chỉ vì bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bỏ quên gạc trong buồng tử cung của chị. Được rút miếng gạc khỏi tử cung từ ngày 20-8 nhưng đến giờ, sau hơn một tháng, chị Hạnh vẫn bị viêm nhiễm phần phụ.
Buổi khám gần đây nhất, vị bác sĩ buồn bã thông báo: “Hết đợt thuốc này, nếu tiếp tục viêm nhiễm nặng nề thì có thể phải chấp nhận biến chứng dính buồng tử cung”. Ngày 28-9, trao đổi với chúng tôi, anh Lê Bá Thành - chồng chị Hạnh - cho hay mối lo lớn nhất của gia đình không chỉ là sức khỏe của chị Hạnh mà còn là chuyện chị có nguy cơ vô sinh dù chỉ mới 22 tuổi.
Những sai sót không cá biệt
Bệnh viện tốt cần 5 yếu tố “Một cơ sở y tế tốt đòi hỏi năm yếu tố: có thầy thuốc giỏi, có đủ trang thiết bị y tế, có quy trình kỹ thuật, có điều kiện làm việc và có cơ chế kiểm tra giám sát, nếu không đảm bảo chất lượng sẽ không được tiếp tục hành nghề”. |
12g30 ngày 12-9-2011, bệnh nhân Hồ Thị Thanh Tâm (TP Cần Thơ) vào Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Trước khi vào, gia đình khám tại một phòng khám bên ngoài, bác sĩ nói thai nhi bình thường và có dấu hiệu sinh. Khoảng 14g, điều dưỡng bệnh viện có đo tim thai, sau đó bác sĩ có siêu âm và khám lại vào khoảng 14g20, không thấy gì bất thường.
Rồi từ đó đến hơn 17g em bé chết trong bụng mẹ. Người nhà sản phụ rất bức xúc về trách nhiệm của các bác sĩ trực hôm đó cũng như chất lượng khám chẩn đoán của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Theo biên bản họp bệnh viện ghi nhận: nguyên nhân tử vong của thai nhi được xác định là do bị dây rốn xoắn nhiều vòng, có một đoạn bị hoại tử cách rốn thai nhi 30cm.
Đây là bệnh lý cấp tính và có tỉ lệ tử vong rất cao. Bệnh viện chỉ thừa nhận trách nhiệm đã không kiểm tra sát tim thai trong khoảng thời gian từ 14g30-17g, nhưng lại đổ cho lý do khách quan là “các bác sĩ trực chính đang tập trung cấp cứu một ca sản giật khác” và “bệnh lý xoắn cuống rốn là bệnh lý khó chẩn đoán”...
Một trường hợp tử vong khác tại Cần Thơ khiến gia đình bệnh nhân rất bức xúc. Đó là trường hợp anh Nguyễn Duy Đài làm nghề bán hủ tiếu ở quận Ninh Kiều. Tối
30-8-2011, anh Đài bị đau bụng quằn quại, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cấp cứu. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm phúc mạc ruột thừa và có sỏi thận không đáng kể. Sau khi mổ, anh Đài phục hồi tốt nên sáng 31-8 được đưa lên nằm điều trị tại khoa ngoại tổng quát.
Vậy mà đến tối 31-8, anh Đài tử vong do choáng nhiễm trùng, biến chứng suy đa cơ quan. Tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ Đặng Quang Tâm thừa nhận: “Các bác sĩ ở bệnh viện đã có sơ sót khi biết tình trạng bệnh nhân nặng nhưng không thông báo cho gia đình biết nên khi bệnh nhân chết, gia đình bị sốc”.
Khi nào chất lượng điều trị bệnh sẽ tăng?
Anh L.V.Q. (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) có mẹ nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng gần một tuần qua cho biết: “Tui sẵn sàng bỏ thêm cả triệu đồng để trả viện phí. Nhưng nếu mẹ tôi nằm ghép hai người một giường như hôm 26-9 thì việc tăng đó quá vô lý”. Nhiều bệnh nhân khác cũng có ý kiến tương tự nhưng đặt dấu hỏi rằng, liệu sau khi đóng thêm viện phí thì chất lượng khám chữa bệnh có tốt hơn không?
Một bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết do bệnh nhân quá đông nên một bác sĩ ngồi tại phòng khám trung bình mỗi ngày sẽ khám 60-100 bệnh nhân. Thời gian khám bệnh dành cho mỗi bệnh nhân chỉ 2-5 phút thì làm sao có thể khám kỹ, tư vấn cặn kẽ cho bệnh nhân. Vì vậy, do bệnh nhân quá đông nên kể cả có tăng viện phí thì chất lượng khám bệnh cũng khó thay đổi được.
Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho rằng sở dĩ các bệnh viện lớn tại TP.HCM lâm vào tình trạng quá tải như hiện nay là do các bệnh viện tuyến dưới chưa lấy được lòng tin của người bệnh nên người bệnh dù bệnh nặng hay nhẹ cũng đổ lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Ông Mỹ khẳng định khi đã tăng viện phí mà các bệnh viện tuyến dưới vẫn chưa thu hút được bệnh nhân đến khám thì chất lượng điều trị của những bệnh viện đang quá tải như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình rất khó thay đổi nếu số lượng bệnh nhân vẫn đông như hiện nay.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận