08/06/2021 15:20 GMT+7

Bệnh nhân 687 trở về hỗ trợ tuyến đầu chống dịch

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Con số 687 là mã định danh của anh Mai Anh Đức (39 tuổi, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) khi anh là bệnh nhân dương tính COVID-19 hồi tháng 7 năm ngoái.

Bệnh nhân 687 trở về hỗ trợ tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Anh Đức (trái) cùng các cộng sự đang hoàn thiện chiếc máy khử khuẩn di động tặng cho bệnh viện - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Và chính số hiệu ấy xuất hiện trên những bình nước sát khuẩn, những chiếc máy "diệt COVID" cùng anh trở lại đáp ơn tuyến đầu chống dịch.

"Tôi là nạn nhân của COVID"

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi gặp anh Đức tại "đại bản doanh" của mình là quán cafe gia đình anh. Anh và cộng sự đang miệt mài kiểm tra, lắp ráp những chiếc máy phun khử khuẩn vừa cải tiến. Cạnh đó là hàng trăm bình nước sát khuẩn vừa được sản xuất. Cầm những chiếc nhãn có in số hiệu 687 dán lên bình sát khuẩn, anh nhớ lại những ngày chính anh là "nạn nhân của COVID-19".

Tháng 7 năm 2020, dịch COVID-19 tái bùng phát ở TP Đà Nẵng biến thành phố trở thành tâm dịch của cả nước. Thời điểm đó anh Mai Anh Đức cùng con trai của mình đã không may nhiễm bệnh. Những ngày cha con anh được đưa đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị là ngày tháng anh không thể nào quên. Từ hoang mang, lo sợ, anh Đức dần lấy lại được niềm tin và sức khỏe nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ ở đây.

Anh Đức nhớ lại: "Lúc ấy tôi đã chứng kiến các y bác sĩ với những bộ đồ bảo hộ kín mít phải làm việc liên tục ngày đêm. Họ đánh vật với máy móc, ống thở và áp lực giành sự sống cho bệnh nhân nhưng luôn cổ vũ tinh thần chúng tôi. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm kích và mong muốn làm gì đó giúp đỡ mọi người".

Bệnh nhân 687 trở về hỗ trợ tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Anh Mai Anh Đức - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Thời gian điều trị tại bệnh viện dã chiến, anh quan sát thấy mỗi ngày nhân viên y tế và bệnh nhân phải dùng lượng cồn sát khuẩn rất lớn; nhiều người đã bong hết da tay vì dùng cồn sát khuẩn liên tục. 

Ngay sau khi xuất viện, anh bắt tay vào dự án kêu gọi bạn bè và người thân cùng sản xuất nước sát khuẩn miễn phí đưa vào phục vụ các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19. Dự án mang tên 687 cũng ra đời từ đó.

Dự án mang tên 687

Qua tìm hiểu, anh Đức kết nối với một người bạn ở TP.HCM mượn một thiết bị của Nhật tạo ra nước sát khuẩn đạt chuẩn từ nước và phụ gia. Dung dịch sát khuẩn được sản xuất từ thiết bị này đã được chứng nhận thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và khả năng diệt khuẩn đến 99%. 

Từ sự hỗ trợ của mọi người, trong 14 ngày tiếp theo cách ly tại nhà sau xuất viện, anh vẫn điều hành nhân viên trong công ty của mình sản xuất, vận chuyển nước sát khuẩn đến tặng cho các bệnh viện, chốt kiểm soát dịch khắp các quận huyện ở Đà Nẵng.

Bệnh nhân 687 trở về hỗ trợ tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Team 687 dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho thiết bị phun khử khuẩn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Có nước sát khuẩn, anh Đức lại mày mò sáng chế chiếc buồng khử khuẩn toàn thân cho nhân viên y tế. Được sự giúp sức của nhiều người, anh nhanh chóng hoàn thành chiếc buồng khử khuẩn đầu tiên chuyển về bệnh viện dã chiến Hòa Vang tặng cho các y bác sĩ. 

Liên tục với những chiếc buồng khử khuẩn tiếp theo được sản xuất nhưng anh Đức nhận ra rằng có nhiều khó khăn trong việc vận chuyển những chiếc buồng với kích thước lớn. Cùng với đó, chiếc buồng khử khuẩn phun trực tiếp dung dịch với luồng phun sương mạnh cũng gây lãng phí nước sát khuẩn.

Vắt óc suy nghĩ nhiều tháng trời, nhờ những người bạn cùng ngành cơ – điện lạnh giới thiệu, anh nhanh chóng tìm mua được những thiết bị phun sương dùng để tưới hoa lan ở TP.HCM. Từ hệ thống phun sương đó, anh biến tấu thành chiếc máy phun sương khử khuẩn di động mang số hiệu 687.

Chiếc máy khử khuẩn hoạt động theo công nghệ sóng âm tách nước thành hơi tạo ra luồng phun sương rất mịn. Chiếc máy lại nhỏ gọn nên dễ vận chuyển đến các bệnh viện và gửi đi các tỉnh, thành. "Team 687" của anh dành nhiều ngày nghiên cứu chế ra phần khung đặt máy xuống bên dưới và bình chứa dung dịch sát khuẩn bên trên. 

Chiếc máy được anh tích hợp hệ thống tự động nhận diện có người đi qua và thiết lập thời gian phun sương hợp lý. Hai vòi phun được bố trí ngang tầm tay và chân của người để việc phun khử khuẩn đạt hiệu quả cao nhất. 

Anh còn lắp thêm bốn bánh xe để dễ dàng di chuyển máy. Đặc biệt, giá mỗi máy khử khuẩn di động chỉ vào khoảng 8 triệu đồng tiền thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với giá các buồng khử khuẩn đang bán trên thị trường.

Bệnh nhân 687 trở về hỗ trợ tuyến đầu chống dịch - Ảnh 4.

Nhiều bệnh viện tuyến quận huyện được nhận máy khử khuẩn di động của dự án 687 - Ảnh: FBNV

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hoà Vang đánh giá, máy phun khử khuẩn di động mà anh Đức tặng cho bệnh viện rất tiện lợi trong việc di chuyển đến từng khu vực khác nhau và đến các phòng, khoa.

"Đây là một thiết bị sáng tạo với nhiều ưu điểm góp phần hạn chế lây lan mầm dịch trong môi trường bệnh viện và cộng đồng. Đặc biệt, việc anh Đức là một bệnh nhân từng điều trị COVID-19 tại bệnh viện quay lại hỗ trợ cho bệnh viện các trang thiết bị y tế là điều rất đáng trân quý" – bác sĩ Vĩnh nhìn nhận.

Bệnh nhân 687 trở về hỗ trợ tuyến đầu chống dịch - Ảnh 5.

Anh Đức cùng một nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng vận chuyển đưa trang thiết bị và máy khử khuẩn ra hỗ trợ điển nóng Bắc Giang chống dịch - Ảnh: FBNV

Anh Nguyễn Trung Dũng, thành viên trong nhóm cho biết: "Chúng tôi thay nhau vừa lo công việc chính của mình ở công ty, vừa tham gia vào công việc dự án. Dù có vất vả hơn chút nhưng góp được một phần sức nhỏ vào công tác chống dịch thì ai nấy đều vui và hạnh phúc. Chừng nào anh Đức còn làm thì chúng tôi còn tiếp tục".

Người ta nói việc anh Đức làm là điều tử tế nhưng với anh đó là việc nên làm, cần làm mà không suy tính, đắn đo. "Tôi muốn dự án này như là lời tri ân đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Mỗi người dân đều có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng chống dịch, tôi cũng chỉ góp một phần sức nhỏ của mình"- anh Đức khiêm tốn nói.

Đà Nẵng dần ổn, hỗ trợ Bắc Giang

Từ khi dự án 687 ra đời đến nay, "Team 687" do anh Đức thành lập đã sản xuất gần 60 ngàn lít nước sát khuẩn, với 5 buồng khử khuẩn và 6 chiếc máy khử khuẩn phun sương cho các bệnh viện trong thành phố.

Nhóm cũng đã huy động vật tư y tế chuyển ra Hải Dương khi dịch bùng phát tại tỉnh này. Hiện tại khi tình hình Đà Nẵng dần ổn, nhóm đã kêu gọi hỗ trợ thêm 8 máy khử khuẩn di động gửi tặng các bệnh viện dã chiến ở "điểm nóng" Bắc Giang.

Tôi yêu Đà Nẵng: hành trình 4 năm tôn vinh người tử tế Tôi yêu Đà Nẵng: hành trình 4 năm tôn vinh người tử tế

TTO - Tối 11-12, UBND TP Đà Nẵng phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình tôn vinh 21 cá nhân, tập thể là những gương mặt tiêu biểu trong chuyên mục “Tôi yêu Đà Nẵng” trên báo Tuổi Trẻ năm 2020.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên