Thừa cân, béo phì không chỉ gây áp lực lên cột sống, hệ xương khớp mà còn gây ra nhiều chứng bệnh xương khớp khác nên chúng ta cần phải phòng ngừa, trong đó có một loại bệnh vốn được coi là "bệnh nhà giàu", nhưng rất hay gặp hiện nay.
Tỉ lệ mắc bệnh viêm xương khớp và đau thắt lưng được báo cáo ở những người béo phì lần lượt là 34% và 22%. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết hơn 31% người lớn béo phì được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp, so với chỉ 16% ở những người không béo phì.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - chuyên chữa trị béo phì - nói xương có 4 chức năng chính đối với cơ thể con người: nâng đỡ, vận động, bảo vệ và tạo máu.
Chính vì khung xương có chức năng nâng đỡ và bảo vệ cơ quan trong cơ thể, nên khả năng chịu lực của khung xương có một giới hạn nhất định đối với cân nặng.
Mỗi người sẽ có một cân nặng chuẩn riêng. Nếu cân nặng của bản thân vượt mức chuẩn sẽ gây thêm áp lực lên xương khớp và các dây chằng. Vì vậy, thừa cân béo phì có liên quan đến một loạt các bệnh lý cơ xương khớp sau đây:
1. Viêm xương khớp
Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ đáng kể cho cả sự phát triển và tiến triển của viêm khớp gối - xương đùi (cả triệu chứng và X-quang), viêm khớp háng, bàn tay, xương chậu và xương đùi…
2. Các bệnh lý về cột sống
Cột sống được coi là trụ cột của cơ thể. Cột sống có chức năng nâng đỡ và giữ cân bằng cơ thể. Cấu trúc của cột sống được thiết kế để chịu trọng lượng nhất định của cơ thể. Tình trạng thừa cân béo phì làm cho trọng lượng của cơ thể vượt quá mức, từ đó làm đẩy phần khung xương chậu về phía trước dẫn đến tình trạng căng lưng dưới và đau lưng dưới.
Thêm nữa, trọng lượng cơ thể vượt quá mức còn làm cho cột sống phải gánh chịu thêm áp lực, khiến cho cột sống bị quá tải và dễ bị tổn thương. Cột sống thắt lưng là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi trọng lượng cơ thể tăng vượt mức.
Thừa cân, béo phì có thể gia tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến cột sống sau đây:
• Thoát vị đĩa đệm: sức ép mà trọng lượng gia tăng lên cột sống theo thời gian sẽ khiến bao xơ của đĩa đệm trở nên mỏng dần và tăng nguy cơ chấn thương.
• Đau lưng dưới sức ép của cân nặng chèn ép lên cột sống sẽ khiến cho khung xương chậu bị đẩy về phía trước, làm cho cơ lưng bị siết chặt, gây căng cơ và khiến người bệnh thường xuyên bị đau nhức cột sống lưng.
• Thoái hóa đốt sống, trượt đốt sống: 2 đốt sống lưng L4, L5 là vị trí chịu áp lực nhiều nhất trong đoạn cột sống lưng. Vì vậy, thừa cân sẽ làm gia tăng áp lực lên vùng cơ thắt lưng đoạn L4 - L5. Theo thời gian, cột sống sẽ mất tính vững chắc, dẫn đến chứng lệch đốt sống hoặc thoái hóa cột sống lưng.
3. Bệnh gout
Bệnh gout có liên quan đến quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể, nồng độ axit uric vượt quá độ bão hòa trong máu gây kết tủa dưới da, ở thận, ở xương khớp tạo nên những cơn đau cấp ở khớp và xung quanh khớp kèm hiện tượng sưng.
Béo phì là một trong những tiêu chuẩn của hội chứng chuyển hóa. Nguyên nhân giảm thải axit uric trong đó có liên quan đến hội chứng chuyển hóa, giảm phân số thải acid uric ở thận.
Khi cơ thể mất cân đối khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị rối loạn. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bệnh gout tăng rõ rệt ở những người có trọng lượng cơ thể cao. Thừa cân béo phì làm tăng axit uric máu và làm giảm thải axit uric niệu, dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh gout.
Ở Việt Nam, tỉ lệ nam giới mắc bệnh gout tăng cao, nguyên nhân do lạm dụng bia rượu quá mức và chế độ ăn uống thừa chất đạm quá nhiều dẫn đến sự chuyển hóa axit uric, gây ra bệnh.
Được mệnh danh là "bệnh nhà giàu", nhưng ngày nay bệnh gout không còn hiếm, tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng, đáng chú ý đến 90% người mắc là thừa cân béo phì.
Bệnh gout là một dạng viêm khớp phổ biến, gây nên những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo sưng đỏ, thậm chí không đi lại được.
Ở những người thừa cân béo phì, khả năng đào thải axit uric (chất trực tiếp gây bệnh gout) kém, thay vào đó khả năng tổng hợp axit uric lại tăng lên, dẫn đến các khớp bị đau, viêm, đỏ...
Trọng lượng cơ thể tăng, gây sức ép nhiều hơn lên các khớp trên cơ thể, vì thế người béo phì muốn điều trị cần bắt đầu từ việc giảm cân. Khi giảm cân, nồng độ axit uric giảm đi, đồng thời thuyên giảm bệnh gout.
4. Loãng xương
Béo phì làm tăng lipid trong máu có tác dụng trực tiếp làm giảm mật độ xương. Nghiên cứu in vitro đã chứng tỏ rằng lipid trong máu bị oxy hóa sẽ kích thích hủy cốt bào và ức chế tạo cốt bào trong mô xương, từ đó làm giảm mật độ xương và gây loãng xương. Cơ chế này gây ảnh hưởng gián tiếp đến mật độ xương.
Mặt khác, khi lipid trong máu cao dưới tác dụng của các gốc tự do, bị oxy hóa sẽ dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, gây nên bởi tăng lipid máu.
Xương là cơ quan được nuôi dưỡng từ máu trong cơ thể. Xơ vữa động mạch sẽ làm cho xương không được cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho việc xây dựng mô xương, dẫn đến bị mất xương và loãng xương.
Béo phì còn làm cho cấu trúc của đốt sống bị thay đổi. Nếu bạn bị loãng xương, cơ thể sẽ mất khoảng 25 - 30% mật độ xương cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận