Thông thường các triệu chứng bị đau có liên quan tới chứng viêm khớp, hay viêm xương mãn tính. Để tìm được hướng giải quyết mang lại hiệu quả, người bệnh cần tới các bác sĩ chuyên khoa để biết được nguyên nhân tại sao bị đau nhức.
Bên cạnh việc được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn và điều trị, người bệnh cũng nên áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, đồng thời luyện tập thể dục với những bài tập dành cho người bị đau xương, khớp.
Có gần 100 loại viêm xương khớp khác nhau, được chia thành 2 nhóm chính là thoái hóa và viêm.
Thoái hóa xương khớp (hay viêm khớp thoái hóa): là bệnh phổ biến nhất, tỷ lệ bệnh tăng theo tuổi. 70% bệnh nhân trên 65 tuổi có biểu hiện thoái hóa khớp trên Xquang. Bệnh thường gặp ở những khớp lớn, chịu sức nặng của cơ thể như khớp cột sống, khớp gối, khớp háng, đôi khi xuất hiện ở khớp bàn tay. Triệu chứng chủ yếu của bệnh là sụn khớp mất dần, có hiện tượng mọc xương mới ở viền khớp, gọi là gai xương. Lúc đầu, bệnh gây đau khi mang vác nặng, sau đau dần cả khi vận động nhẹ và lúc nghỉ ngơi.
Viêm khớp do viêm: điển hình là viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh xảy ra với khoảng 2% dân số, phụ nữ bị nhiều hơn nam gấp 2- 3 lần. Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, nhưng đôi khi trẻ em cũng có thể mắc bệnh.
Viêm khớp do viêm là một bệnh hệ thống, trong đó tình trạng viêm xảy ra ở nhiều khớp, thường là những khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay và bàn chân, có khi ảnh hưởng đến khớp gối và khớp háng. Bệnh thường khởi phát âm thầm, gây phù nề, đau đớn, cứng khớp lúc buổi sáng thức dậy, gây hạn chế vận động và biến dạng khớp. Ngoài ra, bệnh còn gây mệt mỏi, đau cơ và khó chịu.
Gút (hay thống phong): cũng là một bệnh viêm xương khớp, do sự lắng đọng tinh thể muối urat của axit uric trong khớp, thường gặp ở nam giới. Bệnh có biểu hiện đau cấp tính, phù nề và tình trạng kích thích cao độ tại khớp. Cơn đau đầu tiên xuất hiện ở gót chân, sau đó lan ra khắp mắt cá, khớp mu bàn chân, khớp gối, có khi cả ở khớp cổ tay, khuỷu tay và các khớp nhỏ ở bàn tay. Các khớp như khớp hông, khớp vai, cột sống ít bị ảnh hưởng. Bệnh Gút cũng là một biểu hiện của bệnh mạch vành, đột quỵ và tổn thương thận.
Do bệnh viêm xương khớp thường không thể chữa khỏi triệt để, nên chế độ ăn là rất quan trọng.
- Đối với bệnh nhân bị thoái hóa khớp và viêm đa khớp dạng thấp, cần cung cấp lượng đạm nhiều hơn. Nên ăn thịt heo, thịt gia cầm, cá biển, tôm, cua, sò... ăn nhiều rau và trái cây tươi.
- Đối với bệnh nhân Gút, cần hạn chế đạm để giảm lượng axit uric trong máu và tinh thể urat trong khớp. Nên hạn chế ăn các loại thịt, nội tạng, cá, trứng, xúc xích, các loại đậu, măng tây, nấm, súp lơ. Đặc biệt phải tránh rượu, thuốc lá, cà phê, trà.
- Để giảm đau và viêm khớp, nên sử dụng các loại dầu chứa nhiều axit béo omega-3 như dầu đậu nành, dầu hạnh nhân. Hạn chế ăn mỡ động vật, thức ăn giàu cholesterol.
- Người bị bệnh Gút mạn tính cần nghiêm túc thực hiện một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì.
- Để phòng ngừa và hạn chế các cơn đau, cần tập luyện thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi khi đau, các động tác nhẹ nhàng có tác dụng thư giãn các khớp, tránh tình trạng để các khớp bị ì, ít hoạt động.
- Giảm cân là yếu tố quan trọng, bởi nó sẽ giúp giảm áp lực cho khớp. Người béo phì thường kèm thoái hóa khớp, cho nên người béo phì cần cân bằng chế độ ăn kiêng từ từ để làm giảm tối đa những chấn động trên khớp. Vì vậy, có thể điều chỉnh được bằng chế độ ăn uống hợp lý, góp phần đạt kết quả điều trị như mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận