Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu một góc nhìn về thói quen sử dụng tiền mặt và cách để có thể thay đổi thói quen này khá thú vị.
Để khuyến khích người dân/người tiêu dùng sử dụng thẻ, tài khoản… mà không dùng tiền mặt, theo tôi, chúng ta nên làm những việc như sau:
1. Tăng ưu đãi, thêm khuyến mãi
Tôi nghĩ đây là cách hay nhất và tốt nhất để có thể khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ thay vì tiền mặt, hạn chế tiền mặt. Khi mua 1 món đồ, nếu trả thẻ mà được giảm giá nhiều hơn so với trả tiền mặt thì hầu như ai cũng thích.
Chẳng hạn, mới đây, khi mua một chiếc smart tivi chừng 40 inch trên một trang thương mại điện tử thì nếu trả bằng thẻ tôi chỉ phải chi hơn 5 triệu, còn trả tiền mặt thì phải bỏ ra hơn 7 triệu đồng. Rõ ràng đây là mức chênh lệch lớn. Vì chưa dùng thẻ nên tôi phải nhờ một người quen cà thẻ giúp, và trả lại tiền mặt cho bạn mình. Nhờ vậy, tôi mới quyết tâm làm một chiếc thẻ để săn khuyến mãi, ưu đãi. Tôi nghĩ đây cũng là cách để các ngân hàng phát hành thẻ liên kết với các shop, cửa hàng, các trang thương mại điện tử… để cổ xúy người tiêu dùng xài thẻ mà không dùng tiền mặt.
2. Chọn người sử dụng tiên phong
Điều này có nghĩa là chúng ta nên chọn người sử dụng thẻ là đối tượng hiểu biết, có điều kiện sau đó chính người này sẽ truyền tải lại thông điệp, lợi ích khi sử dụng thẻ so với tiền mặt để người thân quen cùng biết và cùng thay đổi thói quen.
Như nơi tôi làm việc chính là nhà ở của sếp, vì thế mấy năm trước, khoản thanh toán tiền điện là do sếp thanh toán. Vì thế, có những hôm hóa đơn tiền điện đến mà sếp đi vắng, vậy là bị cúp điện, điều này ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Từ ngày ngành điện không nhận tiền mặt nữa, mọi thứ qua chuyển khoản, công ty tôi không còn cảnh bị cúp điện vì đóng tiền trễ nữa.
Có người sẽ nói, vì sếp tôi là người có điều kiện nên có thể sử dụng thẻ hay chuyển khoản này nọ, còn những người mua gánh bán bưng, những người bán hàng rong thì họ làm gì có điều kiện?
Có thể người bán hàng rong thì không, nhưng con cái của các bà mẹ, ông bố đó thì hoàn toàn có thể. Những người trẻ, có hiểu biết, ưa công nghệ… như thế sẽ giúp cho những người thân quen của mình thói quen xài thẻ thay cho tiền mặt.
3. Nâng cao nhận thức - Thay đổi thói quen
Một khi người tiêu dùng nhận ra được sự tiện lợi trong việc sử dụng thẻ thay vì tiền mặt thì họ sẽ dần từ bỏ thói quen dùng tiền mặt.
Một người bạn của chồng tôi vì muốn mua trả góp một chiếc xe máy. Dành dụm 2 tháng mới đủ, vừa ra rút tiền để chuẩn bị đi mua xe thì về nhà mới biết bị rơi mất bóp, không chỉ tiền mà còn cả giấy tờ.
Một thời gian sau, công ty mở thẻ ngân hàng, và lần này anh có thể đường hoàng mua xe máy trả góp mà không sợ bị mất bóp nữa. Ấy là chưa kể còn được ưu đãi hoàn một số tiền. Vừa tiện vừa lợi, hành vi xài tiền mặt cũng giảm theo thói quen xài thẻ.
4. Đừng ép buộc bằng mọi giá
Thật ra, có những người sẽ thấy sự tiện lợi khi không dùng tiền mặt nhưng cũng có người vì điều kiện, hoàn cảnh, tuổi tác… họ khó có thể sử dụng thẻ, tài khoản thay vì tiền mặt.
Ví dụ như khi đi đường nắng nóng tạt vào quán uống ly nước mía 5.000 đồng mà bảo "cà thẻ" thì chắc người đó sẽ bị mắng, vì thế tùy nơi, tùy người để khuyến khích dùng thẻ hay tiền mặt.
Các bà nội trợ ở các thành phố lớn hoàn toàn có thể xài thẻ, hạn chế tiền mặt vì có sẵn các hạ tầng, còn ngược lại ở nông thôn thì đừng mong vì lấy đâu máy POS mà bảo không dùng tiền mặt, có ép cũng không được.
Beethoven và cải lương
Ngày xưa, nếu đem một đĩa nhạc của Beethoven và một đĩa cải lương đưa cho người dân ở vùng nông thôn thì thường người ở vùng nông thôn hay chọn đĩa cải lương thay vì nhạc Beethoven vì họ chẳng biết lợi ích của việc nghe nhạc Beethoven là như thế nào.
Ngược lại, ngày nay, ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở các khoa sản ở các bệnh viện, chúng ta sẽ thấy người dân đã bắt đầu cho trẻ con nghe nhạc Beethoven vì họ tin nghe nhạc đó trẻ con sẽ thông minh.
Đó là quá trình "những người con ở thành phố" về nói lại với cha mẹ họ, đó là những điều sách báo, tivi… hay nói.
Và người dân cũng dần chấp nhận và nhận ra rằng việc nghe nhạc cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ con.
Đó cũng là một quá trình dài thay đổi nhận thức của người dân, từ việc người thân quen truyền đạt, các quảng cáo, các chương trình trên tivi, báo đài…
Và tôi nghĩ việc hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt cũng phải đi từ những việc làm như vậy.
Phải thay đổi nhận thức người dân, phải cho họ thấy cái mặt lợi - mặt hại của việc dùng tiền mặt và dùng thẻ thì họ mới có sự so sánh và chấp nhận rồi thay đổi thói quen và thay đổi văn hóa dùng tiền mặt.
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Các ý kiến đóng góp, đặt vấn đề, nêu ý tưởng để góp phần xây dựng một nền kinh tế không tiền mặt tại Việt Nam gửi về địa chỉ mail: phituan@tuoitre.com.vn.
Tuổi Trẻ Online sẽ chọn đăng các bài viết phù hợp và các tác giả sẽ được mời đến dự buổi hội thảo về chủ đề này vào ngày 15-1-2019 tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận