02/01/2019 10:03 GMT+7

Làm gì để tiền mặt không còn là vua?

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Dù được trả lương qua thẻ, nhiều người vẫn rút tiền tại ATM để chi tiêu. Ra các khu vực chợ truyền thống, tiền mặt vẫn là “vua”. Vậy làm thế nào để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt?

Làm gì để tiền mặt không còn là vua? - Ảnh 1.

Vẫn còn cảnh vất vả xếp hàng dài rút tiền ở cây ATM để tiêu xài do nhiều nơi chưa chấp nhận thanh toán bằng thẻ - Ảnh: Xuân Hưng

Thậm chí một số doanh nghiệp viễn thông lớn vẫn chưa đầu tư máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) để khách hàng có thêm lựa chọn thanh toán tại điểm giao dịch. Vì sao và làm gì để thay đổi tình trạng này?

Bó tay với thẻ ở vùng ven, chợ...

Lương cả hai vợ chồng mỗi tháng tổng cộng khoảng 15 triệu đồng, chị Hoa (Nhà Bè, TP.HCM) cho biết hiện các khoản thanh toán của chị hầu hết là sử dụng tiền mặt. 

Chẳng hạn đóng tiền nhà, chủ nhà chỉ thu tiền mặt, đóng tiền học cho hai con đang học mẫu giáo, trường cũng thu bằng tiền mặt. Ra chợ mua mớ rau, con cá ai lại "cà" thẻ nên chị có cảm giác thanh toán không dùng tiền mặt chưa "chạm" đến khu vực của người lao động bình dân sinh sống ở vùng ven.

Làm công nhân tại một doanh nghiệp nước ngoài ở Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM), anh Liêm cũng xếp hàng tại cây ATM rút tiền mặt mất thời gian nhưng "công nhân như tôi ai cũng làm như vậy. Vì nhu cầu sinh hoạt của mình toàn ở những nơi chỉ sử dụng tiền mặt" - anh Liêm nói.

Theo ghi nhận, tại nhiều chợ, thanh toán không tiền mặt khá phổ biến, có tiểu thương bán vải cũng trang bị máy Pos, thanh toán bằng QR. Hầu hết đó là những chợ ở thành phố, liên quan đến du lịch... Còn tại đa số các chợ, điểm mua bán khác, hỏi về việc thanh toán bằng thẻ, tiểu thương thường... cười, không có. 

Nhiều trường học ngay nội thành Hà Nội, TP.HCM cũng vẫn thu tiền ăn bán trú, học phí bằng tiền mặt. Thậm chí, đa số các cơ quan nhà nước, nhiều doanh nghiệp nhà nước rất lớn cung cấp dịch vụ cũng... chưa dùng máy Pos.

Đại diện Vietcombank cho biết rào cản lớn nhất đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt ở VN là thói quen sử dụng tiền mặt lâu đời của người dân. 

Hiện khoảng 40% người dân đã có tài khoản ngân hàng nhưng có đến 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt vì nhanh, được chấp nhận ở mọi nơi, không để lại dấu vết giao dịch, không lộ thông tin cá nhân. Một số nơi nếu trả bằng thẻ còn bị thu phí. Do vậy người dân vẫn quen với việc rút tiền mặt ra để chi tiêu.

Vẫn ít động lực

Đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận có một số ngân hàng không thu được phí dịch vụ thanh toán nên chưa có nhiều động lực để triển khai, phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán. Khách hàng phải trả phí khi thanh toán qua ngân hàng cũng là rào cản.

Hiện có nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như cà thẻ, thanh toán di động, thanh toán qua ví điện tử... phổ biến nhất hiện nay là thanh toán qua POS. 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện chi phí đầu tư cho phương thức thanh toán này khá tốn kém và "kén" cửa hàng. 

Để có thể thanh toán qua hình thức này, ngoài việc ngân hàng phải phát hành thẻ, còn phải đầu tư hệ thống POS đặt tại các cửa hàng, song song đó là kết nối mạng, đường truyền nên khó ra chợ.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, giám đốc khối sản phẩm thị trường Việt Nam - Lào - Campuchia thuộc Tập đoàn Visa, cho rằng phương thức có thể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực vùng ven, chợ là QR Code vì chi phí đầu tư rất ít. 

Chỉ cần một mẩu giấy in mã code dán tại cửa hàng với chi phí khoảng 1.000 đồng là người dân có thể thanh toán qua điện thoại thông minh. 

Hiện tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam rất cao, do vậy đó chính là cơ sở để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá ứng dụng thanh toán công nghệ hiện đại như thông qua các app, ví điện tử, QR Code được tích hợp trong điện thoại thông minh là xu thế của tương lai.

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ông Hiếu gợi ý cần có chương trình giáo dục tài chính cho người dân. Thực tế cách đây khoảng 15 năm, Mỹ có chương trình giáo dục tài chính cho đại chúng, đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường.

Mở rộng diện buộc thanh toán không tiền mặt

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, thừa nhận thói quen thanh toán tiền mặt vẫn còn và hiện 2/3 thị trường vẫn dùng tiền mặt.

Theo ông Quốc Anh, để có thể đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết người dân phải bỏ tiền vào ngân hàng để giao dịch hằng ngày, muốn vậy dịch vụ ngân hàng phải tiện lợi và đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần đòi hỏi tất cả các ngành phải đẩy mạnh hiện đại hóa. Như nộp thuế, hiện có 98,5% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử nhưng cá nhân nộp thuế, phí điện tử hiện mới chỉ ở mức... thí điểm nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy... 

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công như điện, nước, nước sạch, học phí, viện phí... Chính phủ cần yêu cầu phải khuyến khích tất cả khách hàng thanh toán dịch vụ qua chuyển khoản, các hình thức thanh toán hiện đại. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến đảm bảo an ninh và an toàn cho hệ thống thanh toán.

Ông Nguyễn Trí Hiếu nêu thực tế nhiều nhà cung cấp rất lớn như Viettel, đa số cửa hàng vẫn thu tiền mặt tại quầy mà chưa đặt máy POS để khách hàng có thể cà thẻ. 

Để khuyến khích người dân, nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm công nên giảm giá 1-2% tổng số tiền phải trả nếu không dùng tiền mặt.

Về lâu dài, để tỉ trọng thanh toán tiền mặt thấp hơn 10% vào cuối năm 2020, ông Hiếu cho rằng giao dịch chuyển nhượng bất động sản, ôtô... có giá trị lớn phải buộc thanh toán không dùng tiền mặt, như vậy vừa giúp kiểm soát được dòng tiền, tính đủ tiền thuế, vừa ngăn chặn tham nhũng.

Đã có hơn 289.000 máy POS

Phát biểu tại một hội nghị về phát triển ngân hàng bán lẻ mới đây tại TP.HCM, ông Nghiêm Thanh Sơn - phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho biết hạ tầng kỹ thuật cung ứng dịch vụ thanh toán đã phát triển nhất định.

Tính đến nay, cả nước có gần 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, 76 ngân hàng đã cung ứng dịch vụ Internet banking, 44 ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua điện thoại, 24 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán...

Trong khi đó, theo quyết định của Thủ tướng, đến năm 2020 toàn thị trường có hơn 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán qua các hình thức không dùng tiền mặt...

Đắt đỏ chi phí in tiền

Theo Ngân hàng Nhà nước, chi phí sản xuất như giấy, mực, in ấn... và vận chuyển những đồng tiền giấy loại mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng còn cao hơn cả chính giá trị mệnh giá của những tờ tiền này.

Chính vì vậy, để đảm bảo tiết kiệm và lượng tiền giấy vẫn đủ tiêu chuẩn lưu thông, liên tục nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước không in thêm tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ nữa.

Thanh toán không dùng tiền mặt Thanh toán không dùng tiền mặt 'về' vùng sâu vùng xa

TTO - Không chỉ tập trung ở các đô thị, hiện một số ngân hàng đã tăng độ phủ thanh toán không dùng tiền mặt về nông thôn, vùng xa.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên