Chính phủ chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trả tiền điện, nước, điện thoại, viện phí... Trong ảnh: chờ đóng viện phí tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - Ảnh: D.PHAN
Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuẩn bị gì? Người dân chưa có tài khoản có cách nào để thanh toán hóa đơn mà không dùng tiền mặt?
Trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng
Vài năm trở lại đây, gia đình chị Phạm Thị Vân Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã trả tiền điện, nước và điện thoại bằng cách thanh toán tự động qua ngân hàng.
Chỉ cần một lần điền thông tin cá nhân và mã số khách hàng là xong, còn lại ngân hàng sẽ lo. Chị Hà chỉ cần xem tin nhắn trên điện thoại để kiểm tra.
Còn với gia đình bà Đoàn Hồng Vân (Q.7) do thường vắng nhà nên đã trả tiền điện bằng chuyển khoản trực tuyến.
Tương tự, bà Phan Hoàng Bích Khuê (chung cư Miếu Nổi, Q.Bình Thạnh) cũng thanh toán tiền điện thông qua Internet banking trên điện thoại.
"Tôi mất khoảng 1 phút để trả tiền điện thay vì hằng tháng phải đi đóng tiền, chờ đợi rất bất tiện" - bà Khuê nói.
Giai đoạn quá độ?
Với người có tài khoản, việc thanh toán quá dễ dàng. Nhưng những người lớn tuổi, làm nghề tự do chưa mở tài khoản, hoặc sống ở vùng ngoại thành thì lại... phức tạp, phải nộp tiền mặt qua đơn vị trung gian được nhờ thu như siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc bưu điện liên kết.
Như gia đình ông Đinh Hoàng Bon (Q.Bình Thạnh) hằng tháng ông phải cầm hóa đơn đến siêu thị để đóng tiền.
Sau này, con trai ông có tài khoản ngân hàng nên chuyển sang thanh toán chuyển khoản. Khi con vắng nhà, ông Bon lại phải trả bằng tiền mặt.
Nộp bằng tiền mặt khá mất công. Tại Bưu điện Q.Bình Thạnh, có khá đông người dân đến bấm số, xếp hàng đóng tiền điện mỗi tháng.
Ông Vũ Thanh Phong (Q.Bình Thạnh) phải mất 15-30 phút để chờ đến lượt đóng tiền điện nước hơn 10 triệu đồng.
Tương tự, tại một điểm thu hộ ở cửa hàng Ministop nằm trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh), một nữ nhân viên cho biết mỗi ngày có khoảng 10 người đến đóng tiền điện, nước.
Vào những ngày đến hạn đóng tiền, cửa hàng này đón từ 50-60 khách đến nộp tiền. Việc thanh toán chỉ mất 1 phút/khách hàng nhưng người dân mất công đi lại.
Theo một số chuyên gia thanh toán, việc Chính phủ yêu cầu 100% các cơ quan như bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cung cấp điện, nước, viễn thông... kết nối với ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán để thanh toán tiền điện, nước... không dùng tiền mặt không có nghĩa dân sẽ không được dùng tiền mặt thanh toán ngay.
Trước mắt, họ vẫn có thể ra các điểm thu hộ như cửa hàng tiện lợi, siêu thị... để trả tiền điện bằng tiền mặt. Dần dần người dân sẽ quen và tiến tới mở tài khoản tại ngân hàng để thanh toán. Việc mở tài khoản rất dễ dàng, các chi nhánh ngân hàng có ở khắp nơi.
Khách hàng thanh toán tiền điện tại trụ thanh toán đặt tại Công trường Quốc tế, P.6, Q.3, TP.HCM - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Giảm nhân công thu tiền và chi phí kiểm đếm
Ông Nguyễn Thanh Sử - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - cho biết đã hợp tác với các đối tác để đa dạng các hình thức thu tiền nước như chuyển khoản ngân hàng, qua ATM, Internet banking, tin nhắn SMS hay qua các ví điện tử Payoo, MoMo, Call Center 247...
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể thanh toán bằng dịch vụ thu tự động VnPay, thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ POS hoặc bằng tài khoản ký quỹ tại các đơn vị cấp nước...
Theo ông Sử, hiện nay có khoảng 35% tiền nước được thanh toán không sử dụng tiền mặt thông qua các đối tác.
"Việc thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt giúp giảm bớt nhân công thực hiện thu tiền nước tại nhà khách hàng, tăng tính an toàn, tiết kiệm được các chi phí phát sinh như vận chuyển, kiểm đếm và chi phí bảo quản tiền mặt" - ông Sử nói.
Tương tự, ông Nguyễn Mười - phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành - cho biết công ty đã không sử dụng 24 lao động trước đây đi thu tiền để đưa về phụ trách bộ phận khác, không tiếp tục tuyển mới nhân viên và trong 2 năm qua đã giảm được 50 nhân sự.
Với dữ liệu trực tuyến được báo cáo hằng ngày nên công ty dễ dàng truy xuất, thống kê tiến độ thu tiền và giảm việc kiểm đếm so với thu bằng tiền mặt.
Trong năm 2018, tỉ lệ người dân nộp tiền nước bằng cách thanh toán trực tuyến hoặc nộp tiền qua các điểm thu hộ của công ty này đạt đến 98,75%. Trong đó, đã có hơn 50% là khách hàng cá nhân.
Ngán nhất nộp viện phí
Ở bệnh viện đông người, việc đem theo nhiều tiền mặt càng ngày càng bất tiện. Để khắc phục khó khăn này cho bệnh nhân và thân nhân, nhiều bệnh viện đã có sự thay đổi.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết bệnh viện đã triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như cà thẻ, chuyển khoản, thanh toán trực tuyến trên website https://umc.medpro.com.vn/ hoặc ứng dụng "UMC - đăng ký khám bệnh online", thanh toán bằng thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán viện phí và tại cửa hàng tiện lợi.
Đối với hình thức thanh toán chuyển khoản, người nhà có thể giao dịch tại bất kỳ ngân hàng nào, thậm chí ở cửa hàng tiện lợi.
Thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán viện phí trực tuyến do bệnh viện phát hành được xem là công cụ hữu hiệu dành cho người bệnh nội trú lẫn ngoại trú.
Người bệnh có thể nạp tiền trực tiếp tại các quầy phát hành thẻ của bệnh viện hoặc quầy thu ngân, thanh toán tiền khám bệnh, cận lâm sàng, viện phí... và mọi phát sinh giao dịch được thông báo qua tin nhắn, giúp người bệnh không phải mất thời gian chờ đợi tại các quầy thu ngân.
Tương tự, TS.BS Nguyễn Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết người bệnh có thẻ ngân hàng đều có thể thanh toán viện phí khi đến khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Sắp tới bệnh viện cùng phối hợp với một ngân hàng để phát hành thẻ khám bệnh cho bệnh nhân.
Thẻ khám bệnh này sẽ có mã số, thông tin cá nhân của bệnh nhân. Khi có thẻ khám bệnh này bệnh nhân có thể nạp tiền tại bệnh viện, ngân hàng... hoặc người thân có thể chuyển khoản tiền vào thẻ.
Hiến kế tiến tới xã hội không dùng tiền mặt
Vì sao người Việt vẫn còn ngại sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt?
Các phương thức thanh toán điện tử hiện nay thật sự tiện lợi để thay thế thanh toán tiền mặt?
Những giải pháp nào để đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 10%?
Báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở ra diễn đàn "Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt" trên Tuổi Trẻ Online.
Mời bạn đọc Tuổi Trẻ cùng tham gia thảo luận về chủ đề này. Ý kiến đóng góp, đặt vấn đề, nêu ý tưởng để góp phần xây dựng một nền kinh tế không tiền mặt tại Việt Nam gửi về địa chỉ mail: phituan@tuoitre.com.vn sẽ được chọn đăng và các tác giả sẽ được mời đến dự buổi hội thảo về chủ đề này vào ngày 15-1-2019 tại TP.HCM.
Diễn đàn "Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt" với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
H.NHUNG
Thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách nào?
Đối với tiền điện, nếu chưa có tài khoản ngân hàng và đăng ký trích trả tự động, người dân có thể đến các điểm thu của các ngân hàng hoặc các cửa hàng tiện ích, cửa hàng điện thoại có thông báo "thu tiền điện" và tại 555 bưu cục trên địa bàn TP.HCM.
Người dân chỉ cần đọc mã số khách hàng, các điểm thu hộ này sẽ thu số tiền tương ứng với hóa đơn tiền điện các tháng.
Còn với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, người dân có thể lập tài khoản tại các ngân hàng, đăng ký mở thẻ ATM.
Sau đó, người dân thực hiện thao tác chuyển khoản đến tài khoản của ngành điện tại các máy ATM hoặc có thể đăng ký tài khoản để sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến như Internet banking, SMS banking, mobile banking, ví điện tử...
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đến các ngân hàng để đăng ký chuyển khoản, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, trích nợ tự động.
Đối với tiền nước, người dân có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hệ thống ngân hàng bằng các hình thức như ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, chuyển khoản qua thẻ ATM hoặc các dịch vụ thanh toán trực tuyến như MoMo, Payoo, Bankplus...
Ông Võ Quang Lâm (phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN):
Đưa thanh toán trung gian gần người dân
Để thanh toán điện tử thì kỹ thuật phải sẵn sàng, kết nối giữa EVN với các đơn vị, tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng.
Toàn bộ chi phí EVN chịu, người dân không phải chịu chi phí này, như đầu tư chi phí kết nối hệ thống ngân hàng, phần mềm quản lý tập trung khách hàng, phần mềm cổng thanh toán kết nối.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là thay đổi tư duy, người dân chưa quen thanh toán điện tử, phải vận động tuyên truyền.
Để tăng tỉ lệ người dân thanh toán tiền điện qua các kênh trung gian, EVN đặt mục tiêu cao hơn là toàn bộ các giao dịch giữa khách hàng với ngành điện được điện tử hóa, cấp độ cao.
Theo đó, năm 2018 bước đầu tiên là ký hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy với tất cả các giao dịch, tăng tỉ lệ sử dụng hóa đơn điện tử.
Ngành đã xây dựng kho thông tin dữ liệu riêng, mục tiêu là để bảo mật thông tin khách hàng và đảm bảo an toàn hệ thống khi thực hiện thanh toán qua các khâu trung gian, nâng cao độ tin cậy với khách hàng.
Bên cạnh đó, EVN cũng phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân trong việc đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán trung gian.
EVN cũng sẽ phối hợp với các điểm bưu điện xã, đưa các hình thức thanh toán trung gian về gần người dân hơn, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu thời gian đi lại, chi phí cho người dân khi đi thanh toán.
Ông Nguyễn Bá Diệp (phó chủ tịch ví điện tử Momo):
Bước ngoặt lớn
Với việc nghị quyết 02 của Chính phủ là bước ngoặt lớn, khởi động cho một năm đột phá của các dịch vụ thanh toán.
Chúng ta không thể có dịch vụ hành chính công cấp độ 4, có thành phố thông minh... nếu thiếu thanh toán điện tử.
Việc Chính phủ cho phép sử dụng ví điện tử và nạp tiền vào ví không thông qua tài khoản ngân hàng là bước đi phù hợp với xu thế.
Vì ví điện tử bản chất là công cụ phát triển tài chính toàn diện, nếu yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được sử dụng thì dịch vụ không thể đến với 70% dân số là người dân vùng sâu, vùng xa, những nơi dịch vụ ngân hàng chưa vươn đến.
Một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển thanh toán qua ví điện tử là thanh toán dịch vụ công, nhất là thuế, phí và thương mại điện tử, vì vậy hạn mức thanh toán qua ví cần phù hợp để có thể thanh toán được những khoản như mua điện thoại, máy tính, đặt các kỳ nghỉ cho gia đình.
Ông Phạm Tiến Dũng (vụ trưởng Vụ thanh toán ngân hàng Nhà nước):
Nhiều thay đổi trong thanh toán điện tử
Với đề xuất những giao dịch về bất động sản cần phải thanh toán qua ngân hàng, nội dung này sẽ được rà soát các luật liên quan bởi trước đây ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, xem xét vấn đề này nhưng chưa được vào vì vướng khi luật quy định đây là giao dịch dân sự, người ta có thể thỏa thuận về hình thức thanh toán.
Có một điểm rất quan trọng trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi cơ chế cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.
Vì lâu nay, rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử muốn tham gia thu phí dịch vụ nhưng Nhà nước không có cơ chế khuyến khích.
Như thu được 100.000 đồng tiền viện phí nhưng lại không được hưởng một đồng nào để tái đầu tư thì rất khó.
Ông Trần Đình Cường (phó giám đốc ngân hàng Nhà nước TP.HCM):
Phải tiện đôi đàng
Nghị quyết 02 của Chính phủ sẽ tạo cú hích cho thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, trên thực tế khi mở rộng hình thức thanh toán mới cần tính toán đến phương thức sao cho tiện lợi với cả người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.
Làm sao để người cung cấp dịch vụ chỉ cần kết nối với một đầu mối là hệ thống sẽ tự động kết nối và chấp nhận bất kỳ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nào.
Như vậy cả người mua lẫn người bán đều tiện, tránh trường hợp mạnh ai nấy làm sẽ rất rối và các đơn vị nhỏ chưa thể đầu tư hạ tầng công nghệ sẽ không biết bắt đầu từ đâu.
N.AN - L.THANH - A.HỒNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận