06/11/2018 09:59 GMT+7

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: quan trọng ở lá phiếu cử tri trẻ

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG  (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS)
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS)

TTO - Nếu tỉ lệ đi bầu trong cử tri trẻ tăng lên tới 40% như dự đoán, cán cân chính trị Mỹ bắt đầu thay đổi vì đa số cử tri trẻ ủng hộ Đảng Dân chủ.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: quan trọng ở lá phiếu cử tri trẻ - Ảnh 1.

Cô Emma Slayton, một người tổ chức chiến dịch tranh cử cho Đảng Dân chủ, thay đổi con số đếm ngược đến ngày bầu cử giữa kỳ ở văn phòng tại Albuquerque, bang New Mexico - Ảnh: REUTERS

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân liệu nước Anh có nên ở lại Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 đã chỉ ra rằng dân chủ phổ thông đầu phiếu không phải lúc nào cũng thể hiện ý chí của đa số cử tri như các nhà lãnh đạo đất nước mong đợi.

Tỉ lệ những người muốn nước Anh Brexit (rời EU) là 51,9%, trong khi những người muốn ở lại là 48,1%, với tỉ lệ đi bầu là 72,2%.

Các số liệu phân tích sau đó cho thấy kết quả cuối cùng có thể khác đi nhiều nếu tầng lớp trẻ, có học đi bầu với tỉ lệ cao hơn vì hơn 70% trong số họ muốn ở lại EU. 

Nhưng tỉ lệ người trẻ đi bầu chỉ 64%, trong khi những người từ 65 tuổi trở lên muốn Brexit lại đi bầu tới tận 90%.

Thủ tướng Anh khi đó, ông David Cameron đã đánh cược sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc trưng cầu ý dân này nhưng lại không làm tốt việc vận động cử tri trẻ đi bầu.

Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Mỹ hiểu điều này rất rõ khi hi vọng vào cử tri trẻ để thay đổi cục diện chính trường. 

Chính vì vậy, trong những ngày gần đây, cựu tổng thống Obama của Đảng Dân chủ liên tục đăng đàn vận động phát biểu kêu gọi giới trẻ và người Mỹ gốc Phi đi bầu vào ngày 6-11.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: quan trọng ở lá phiếu cử tri trẻ - Ảnh 2.

Nữ ca sĩ Oprah Winfrey tham gia vận động tranh cử cho ứng viên thống đốc của đảng Dân chủ, bà Stacey Abrams tại Marietta, bang Georgia, ngày 1-11 - Ảnh: REUTERS

Cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ ba này có thể chứng kiến giới trẻ Mỹ đi bầu cao kỷ lục, khi khảo sát của Viện chính trị học thuộc ĐH Harvard cho biết khoảng 40% cử tri trẻ độ tuổi 18-29 sẽ đi bầu.

Những người trẻ Mỹ hiện tại quan tâm ủng hộ các chính sách thiên về dân chủ xã hội như y tế phổ cập cho tất cả mọi người, đạo luật bảo đảm công ăn việc làm và miễn học phí ở các trường ĐH công, vốn không được ủng hộ dưới thời Tổng thống Trump.

Theo trang Vox, tỉ lệ đi bầu của giới trẻ cao nhất kỷ lục là 21% vào năm 1986 dưới nhiệm kỳ tổng thống Ronald Reagan, còn cuộc bầu cử giữa kỳ gần đây năm 2016 chỉ có 16%.

Nếu tỉ lệ đi bầu trong cử tri trẻ tăng lên tới 40% như dự đoán, cán cân chính trị Mỹ bắt đầu thay đổi vì đa số cử tri trẻ ủng hộ Đảng Dân chủ. Nếu tỉ lệ giới trẻ đi bầu thấp hơn thì Đảng Cộng hòa sẽ được lợi, bởi tầng lớp ủng hộ đảng này đa số là người già và da trắng.

Điều này thể hiện giới thanh niên Mỹ hiện nay muốn quan điểm chính trị của mình được lắng nghe, và họ bắt đầu từ bỏ lối suy nghĩ "một lá phiếu không thay đổi được gì" bằng cách tham gia chính trị nhiều hơn.

Chính vì vậy, các chính trị gia và chính đảng già cỗi phải thay đổi để thu hút khối cử tri được coi là đông nhất ở Mỹ hiện nay, theo dự tính chiếm khoảng 31% tổng số cử tri nước Mỹ.

Có lẽ cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 sẽ đánh dấu một thời kỳ mới cho chính trường Mỹ: các chính sách phải thể hiện được ý nguyện của tầng lớp giới trẻ vốn thông thạo công nghệ, làm chủ Internet, quan tâm tới đối xử bình đẳng của các nhóm thiểu số, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới nhiều hơn.

Điên rồ mùa bầu cử giữa kỳ ở Mỹ Điên rồ mùa bầu cử giữa kỳ ở Mỹ Leonardo DiCaprio, Oprah Winfrey lên tiếng trước bầu cử giữa kỳ Mỹ Leonardo DiCaprio, Oprah Winfrey lên tiếng trước bầu cử giữa kỳ Mỹ Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Cử tri Mỹ gốc Việt chọn ai? Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Cử tri Mỹ gốc Việt chọn ai?
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên