29/06/2021 09:48 GMT+7

Bắt tay cùng chống dịch liên vùng

TR.TRUNG - L.TRUNG - N.LINH - H.MI ghi
TR.TRUNG - L.TRUNG - N.LINH - H.MI ghi

TTO - Với tình hình dịch bệnh hiện tại, lãnh đạo và ngành y tế một số địa phương cho rằng việc liên kết, trao đổi chặt chẽ thông tin với nhau sẽ giúp công tác phòng chống dịch được chủ động hơn và có hiệu quả hơn.

Bắt tay cùng chống dịch liên vùng - Ảnh 1.

Giám sát y tế, kiểm soát chặt chẽ những người từ các tỉnh thành có dịch về địa bàn tỉnh Long An tại các hệ thống chốt kiểm soát - Ảnh: AN LONG

Thậm chí, có ý kiến nên tạo một cổng thông tin truy vết toàn quốc. Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến sau.

* Bà Ngô Thị Kim Yến (giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng): Trao đổi để đi sát tình hình dịch

Việc kết nối thông tin giữa các địa phương để chống dịch là vô cùng cần thiết, nhất là khi dịch bùng phát trên nhiều tỉnh thành. Người dân không ở yên một chỗ, sợi dây kinh tế cũng nối khắp nơi nên chắc chắn phải phối hợp cùng nhau mới kiểm soát được dịch.

Ngoài việc phòng dịch từ bên trong, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng còn có bộ phận thu thập thông tin tình hình dịch từ các địa phương để lên phương án chống dịch phù hợp. Cụ thể như việc thực hiện cách ly đối với người về từ vùng áp dụng chỉ thị 15 và 16. 

Địa phương này cập nhật từng thôn, xóm đang có dịch trên cả nước để cho vào danh sách cách ly người về từ vùng dịch. Từ đó có quyết định cách ly cụ thể và chính xác hơn. Hạn chế tới mức thấp nhất việc cách ly đại trà, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán.

* Ông Mai Văn Mười (giám đốc Sở Y tế Quảng Nam): Miền Trung cũng cần một vùng liên kết

Từ các đợt dịch năm 2020 đến nay, tỉnh đã chủ động phối hợp với sở y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của các tỉnh thành có dịch, ca bệnh F0, để nắm bắt thông tin F1, F2 nhằm kịp thời khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị. Ngược lại, tỉnh Quảng Nam cũng thông báo cho sở y tế và CDC các tỉnh thành khác về các ca bệnh ở tỉnh, lịch trình đi lại, tiếp xúc để kịp thời cung cấp thông tin cho phía họ chống dịch. 

Việc liên kết chống dịch liên vùng, liên tỉnh sẽ giúp chủ động trao đổi thông tin giúp các tỉnh thành hiểu được tình hình dịch bệnh của nhau và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Hiện một số tỉnh thành ở phía Nam đang đề xuất phối hợp liên vùng, liên tỉnh chống dịch để đạt hiệu quả chống dịch tốt hơn, cá nhân tôi nghĩ rằng cần một cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên vùng ở miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế và các tỉnh miền Trung) để phòng chống dịch hiệu quả, vì sự giao thoa và mối liên hệ giữa các địa phương này với nhau rất chặt chẽ.

* Ông Hoàng Văn Đức (giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên Huế): Bạn khổ thì mình cũng khổ

Chúng tôi xem tình hình dịch bệnh ở tỉnh bạn như đang diễn ra ở tỉnh mình để có những phương án khẩn cấp ứng phó, không chủ quan. Chính vì thế chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin dịch tễ với CDC các tỉnh. Hiện tỉnh chưa ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới nào trong cộng đồng từ cuối tháng 5 đến nay, nhưng khi tình hình dịch bệnh ở các tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi... đang diễn biến phức tạp, chúng tôi liên tục trao đổi thông tin liên quan đến dịch tễ với các tỉnh đang có dịch. 

Khi CDC tỉnh bạn cần thông tin liên quan đến dịch tễ, chúng tôi luôn cố gắng xác minh và trao đổi lại một cách nhanh nhất. Nếu không giúp tỉnh bạn kiểm soát dịch bệnh thật tốt, chắc chắn tỉnh mình cũng bị ảnh hưởng.

* Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ (giám đốc Sở Y tế Đồng Nai): Cùng bàn sẽ có giải pháp tốt

Theo tôi, kiểm soát dịch bệnh là việc không chỉ riêng ngành y tế mà còn có nhiều ngành khác cùng tham gia như kiểm soát vận chuyển, lưu trú... Vì vậy, khi các tỉnh, các ngành cùng ngồi lại bàn việc kiểm soát chống dịch chắc chắn sẽ chỉ ra những mặt tích cực và cả những khiếm khuyết, tồn tại, đặc biệt là ở vùng giáp ranh. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp nhất để làm sao công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Thời gian qua, hệ thống CDC ở các tỉnh, thành phố đã phối hợp, liên kết khá nhịp nhàng trong việc truy vết. Đơn cử gần đây nhất, khi có các ca bệnh tại chợ đầu mối nông sản ở Hóc Môn (TP.HCM), chợ này thông báo những ai đi làm lại phải có xét nghiệm âm tính thì một số người đã về Đồng Nai xét nghiệm. 

Tại đây, đã phát hiện ca dương tính do có liên quan đến các ca F0 ở chợ Hóc Môn. Nếu các trường hợp ở Đồng Nai đến chợ Hóc Môn nhiễm bệnh mà thiếu hệ thống CDC hoặc nhân viên y tế không linh hoạt, phát hiện kịp thời thì việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng sẽ nhanh hơn.

Vùng giáp ranh phải liên kết chặt hơn nữa

Theo UBND tỉnh Bình Dương, do đặc thù của tỉnh có đông người nhập cư và giao thoa với TP.HCM, Đồng Nai nên công tác phối hợp kiểm soát dịch bệnh với các tỉnh bạn được kết hợp nhiều biện pháp. Thời gian vừa qua, khi có ca sống ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương kia, giao thoa giữa Bình Dương và TP.HCM thì việc truy vết, khoanh vùng đều được thông báo rất kịp thời.

Ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch UBND TP Dĩ An (cùng với TP Thuận An, là hai TP của Bình Dương giáp TP.HCM) - cho biết công tác phòng chống dịch theo sự chủ động của mỗi địa phương, nhưng cũng có sự trao đổi thông tin, tham khảo tình hình của địa bàn giáp ranh.

Vừa qua, có dư luận cho rằng "bên này TP.HCM chăng dây, bên kia Bình Dương vẫn họp chợ", ông Bảy lý giải do chủ trương cấm chợ tự phát, chợ dân sinh của Bình Dương bắt đầu sau TP.HCM. Tới nay tất cả chợ tự phát, chợ dân sinh trên địa bàn TP Dĩ An giáp TP.HCM đều đã được cho ngưng hoạt động.

BÁ SƠN

Cần một cổng thông tin truy vết toàn quốc

28-6 lien ket de di sat tinh hinh dich-anh 2 1(read-only)

Lực lượng y tế Đà Nẵng đi đo thân nhiệt người dân trong vùng cách ly - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Từ bài học ở Phú Yên, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc - giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên - cho biết đến 0h ngày 23-6, tức gần 2 tuần sau khi bà chủ quán cơm ở tỉnh này có tiếp xúc và 1 tuần sau khi tài xế xe tải ở TP.HCM được công bố mắc COVID-19, Sở Y tế Phú Yên mới biết thông tin tài xế này có ăn cơm trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy việc truy vết quá chậm nên số lượng F1 của bệnh nhân này trở thành F0 nhanh chóng và khiến dịch lây lan trong cộng đồng tại Phú Yên với tốc độ rất nhanh.

Theo bà Ngọc, tỉnh còn kịp thời thông tin cho Khánh Hòa và tỉnh này phát hiện 2 trường hợp F1 của bệnh nhân 12190, trong đó một người đã trở thành F0.

Cũng lấy làm tiếc về sự việc phát hiện quá chậm, ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - nói có thể ở thời điểm bệnh nhân 12190 lái xe ra miền Trung, TP.HCM có số ca nghi mắc quá lớn nên không thể truy vết và thông báo kịp cho các địa phương có mốc dịch tễ liên quan biết kịp thời.

"Tuy nhiên, từ vụ việc của Phú Yên, nên có một cổng thông tin mốc dịch tễ chung của toàn quốc. Kết quả truy vết của từng địa phương được đưa về một đầu mối này mà không phải gửi đi cho các tỉnh liên quan như hiện nay. Các tỉnh cử bộ phận trực để theo dõi cổng thông tin trên, nếu phát hiện tỉnh mình có yếu tố dịch tễ liên quan thì ngay lập tức thực hiện truy vết, bao vây dịch kịp thời, nhanh chóng và chủ động" - ông Thế nói.

Chưa có cơ chế, chỉ làm theo trách nhiệm

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng, hiện chưa có cơ chế phối hợp, cũng như quy định về việc các địa phương phải thông báo cho nhau khi có ca mắc có lịch trình liên quan đến tỉnh khác.

Tuy nhiên với trách nhiệm của mình, TP Đà Nẵng luôn cập nhật ngay cho CDC các tỉnh để có phương án phối hợp chống dịch. Ngoài trao đổi chung với các giám đốc CDC trên cả nước, TP Đà Nẵng đều chủ động thông báo nhanh cho các tỉnh thành có đối tượng liên quan để họ tiếp tục truy vết.

TP.HCM xét nghiệm toàn thành phố tìm F0 TP.HCM xét nghiệm toàn thành phố tìm F0

TTO - Ngày 28-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm rộng toàn thành phố để tìm các ca mắc COVID-19 (F0) trong cộng đồng.

TR.TRUNG - L.TRUNG - N.LINH - H.MI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên