15/12/2020 18:50 GMT+7

Bất ngờ khi mới hoạt động 1 tháng, Trung tâm đột quỵ cấp cứu 1.000 bệnh nhân

L.ANH
L.ANH

TTO - Hầu hết bệnh nhân đột quỵ bị ảnh hưởng chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ, nhận thức hoặc hôn mê kéo dài sau đột quỵ, một tỉ lệ tử vong trong thời gian ngắn sau cơn đột quỵ như trường hợp nghệ sĩ Chí Tài.

Bất ngờ khi mới hoạt động 1 tháng, Trung tâm đột quỵ cấp cứu 1.000 bệnh nhân - Ảnh 1.

Lễ ký kết chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ diễn ra chiều nay 15-12 - Ảnh: THANH HẢI

Thống kê tại các bệnh viện, tỉ lệ người trẻ đột quỵ tăng khoảng 2%/năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới...

Theo ông Mai Duy Tôn, giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, sau 1 tháng đi vào hoạt động, trung này tiếp nhận điều trị cho 1.000 bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, 1/10 trong đó là bệnh nhân trẻ tuổi và bệnh nhân trẻ nhất mới 14 tuổi.

"Bệnh nhân đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, hiện nay có 10 bệnh nhân trẻ đang nằm điều trị tại Trung tâm đột quỵ. Hầu hết bệnh nhân trẻ bị đột quỵ có liên quan các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, lối sống không lành mạnh như hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu bia... Trong số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có một tỉ lệ do bất thường, dị dạng mạch máu não bẩm sinh, bệnh nhân 14 tuổi trong nhóm này" - bác sĩ Tôn cho biết.

Bác sĩ Tôn cho hay những bất thường mạch não có từ khi bệnh nhân còn nhỏ, khi phần bất thường đủ lớn, hoặc có những yếu tố bổ sung khiến phần dị dạng này vỡ ra. 

Bệnh nhân 14 tuổi đến bệnh viện cách đây 2 tuần do đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động, khi chụp cắt lớp các bác sĩ đã phát hiện dị dạng mạch não và đang can thiệp tích cực. Do tuổi bệnh nhân còn trẻ nên bác sĩ sẽ phẫu thuật để can thiệp triệt căn.

Trường hợp đột quỵ nguy hiểm tính mạng ngay lập tức như trường hợp nghệ sĩ Chí Tài vừa qua, bác sĩ Tôn cho hay tùy vùng não bị tổn thương có thể gây những biểu hiện khác nhau. Nhưng hầu hết bệnh nhân đột quỵ bị ảnh hưởng chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ, nhận thức hoặc hôn mê kéo dài sau đột quỵ, một tỉ lệ tử vong trong thời gian ngắn sau cơn đột quỵ như trường hợp nghệ sĩ Chí Tài.

Tại Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần xây dựng một trung tâm/khoa điều trị đột quỵ trong thời gian từ nay đến 2025 (hiện cả nước mới có 11 trung tâm). Về chẩn đoán đột quỵ, ông Tôn cho biết cần dựa vào thang điểm đánh giá chuyên sâu. 

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết mỗi năm có 200.000 bệnh nhân đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Những người được cứu sống có thể gặp các di chứng kéo dài, có thể mất khả năng lao động, ngôn ngữ và có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thống kê tại các bệnh viện, tỉ lệ người trẻ đột quỵ tăng khoảng 2%/năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Với chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng phòng chống bệnh đột quỵ vừa được Bộ Y tế ký kết hôm nay 15-12, Bộ Y tế sẽ xây dựng trang thông tin điện tử chính thức để truyền thông về căn bệnh này, trong đó có hướng dẫn đánh giá nguy cơ đột quỵ cho cộng đồng để chủ động phòng chống bệnh.

Bé 3 tuổi bị đột quỵ, người lớn Bé 3 tuổi bị đột quỵ, người lớn 'không tin nổi'

TTO - Đột quỵ ở trẻ được ví như 'sát thủ giấu mặt' âm thầm cướp đi tuổi thơ của trẻ nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Bệnh này không chỉ có ở người lớn.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên