07/10/2017 09:39 GMT+7

Báo thức liên tục, coi chừng!

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Để ngủ thêm vài phút, nhiều người ấn nút “báo thức lại” (snooze). Tuy nhiên, ít ai biết rằng có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi chúng ta lạm dụng tính năng đó.

Báo thức liên tục, coi chừng! - Ảnh 1.

Trong một nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia công nghiệp Nhật Bản, những người bị tác động để tỉnh táo đột ngột có mức huyết áp và nhịp tim cao hơn so với những người thức dậy tự nhiên.

Tác hại đến sức khỏe

Rất nhiều sinh viên hẹn báo thức với lòng đầy quyết tâm rằng sáng mai mình sẽ dậy đúng giờ đã hẹn. 

Tuy nhiên, khi tiếng chuông báo thức reo, họ thấy mệt quá và nhanh chóng chọn nút "báo thức lại" sau vài phút, cứ thế làm lại vài ba lần. Thậm chí có người cài báo thức 5 lần, mỗi lần reo to cách nhau 5 phút trong điện thoại.

Giáo sư Matthew Walker - nhà thần kinh học, giám đốc Trung tâm khoa học về giấc ngủ tại Trường đại học Califonia (Mỹ) - đã chứng minh thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo lặp lại nhiều lần có thể gây ra tác động xấu đến tim mạch và gây ức chế hệ thần kinh.

Chuông báo thức reo với âm lượng to lúc đang ngủ sâu, cơ thể sẽ xuất hiện hàng loạt cảm giác tiêu cực như tim đập nhanh, giật mình, hốt hoảng. 

Đồng thời, chuỗi hành động "reo - hẹn" cứ ít phút được lặp lại đồng nghĩa với cơ thể sẽ rơi vào trạng thái "đánh thức - ngủ" liên tục. 

Trạng thái này có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, tổn thương chức năng sinh học của bộ não.

Ngoài những ảnh hưởng trên, nhiều người sợ chuông báo thức từ điện thoại không đủ lớn để thức giấc nên đã đặt điện thoại sát bên người trong suốt một đêm dài. 

Các nghiên cứu cũng cho thấy sóng bức xạ từ điện thoại có thể tác động đến hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rụng tóc... Về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cả nam và nữ.

Theo TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, thêm vài phút cho mỗi lần báo thức sẽ không giúp tỉnh táo hơn mà thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, uể oải, chán chường khi thức giấc.

Mẹo thức dậy bằng đồng hồ sinh học cơ thể

Để không gây hại cho sức khỏe vì tiếng chuông báo thức, chúng ta cần "bỏ túi" những mẹo thức dậy bằng đồng hồ sinh học của cơ thể. 

Tuy nhiên, trước khi từ bỏ hoàn toàn tiếng chuông báo thức thì bạn vẫn cần sử dụng chúng trong một thời gian.

Thứ nhất, ngủ sớm và ngủ đủ. Chẳng hạn nên ngủ sớm trước 23h và ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng, vì trạng thái muốn ngủ sau khi báo thức reo chứng tỏ ngủ không đủ giấc.

Thứ hai, cần đặt chuông báo thức vào một giờ cố định với âm lượng vừa đủ nghe và đặt đồng hồ càng xa càng tốt, miễn bạn nghe được tiếng chuông. Như vậy, bạn sẽ phải ra khỏi giường để tắt chuông báo thức và sẽ rất khó ngủ trở lại.

Thứ ba, hãy nghĩ điều đặc biệt đang đợi bạn hay bất cứ một điều nào đó khiến bạn hào hứng vào ngày mai. Khi có mục tiêu rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng thức giấc hơn so với tối đi ngủ nhưng sáng mai bạn không biết làm gì.

Thứ tư, nên nằm ngủ vị trí có cửa sổ và hứng trọn ánh sáng mặt trời.

Thực hiện tốt những bước trên, dần dần nhịp sinh học cơ thể đã có "lối mòn" và bạn có thể bắt đầu một ngày mới mà không cần tiếng chuông báo thức inh ỏi.

BS CK2 Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM):

Ngủ lại làm cơ thể mệt mỏi thêm

Mỗi đêm, tùy theo số lượng giờ ngủ, giấc ngủ được chia làm 3-4 chu kỳ (mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 2 giờ và có 4 giai đoạn). Giai đoạn ngủ sâu sẽ giúp cơ thể phục hồi sức khỏe.

Việc một số người sợ mình thức trễ nên cài báo thức vào giờ thật sớm nhưng đến khi báo thức reo lại tắt và cài lại, mấy lần như vậy chỉ khiến họ tốn thời gian vô ích vì với vài phút như vậy cơ thể không thể rơi vào trạng thái ngủ sâu.

Ngủ lại một chút như vậy chỉ làm cơ thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải hơn sau khi thức dậy.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên cao cấp ĐH Y dược TP.HCM):

Coi chừng tim đập nhanh

Về tim mạch, khi báo thức reo thì người ta sẽ thay đổi nhịp tim một chút.

Tuy nhiên, nếu vì sợ không nghe thấy tiếng chuông mà cài chuông báo với âm lượng quá lớn hoặc các bài nhạc quá sôi động sẽ khiến cơ thể đột ngột bị đánh thức, huyết áp tăng nhanh.

Trong khi đó buổi sáng lại là thời điểm huyết áp ở trạng thái cao (mức 15-16). Với người trẻ thì không sao nhưng với người lớn tuổi sẽ rất nguy hiểm.

MẠNH KHANG

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên