02/11/2017 11:11 GMT+7

Bão số 12 có thể uy hiếp hồ thủy điện, Bộ Công thương vẫn vắng họp

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bão số 12 và không khí lạnh mạnh kết hợp đang tạo ra những hình thế nguy hiểm về thời tiết, nhưng khi Tổng cục Phòng chống thiên tai mời Bộ Công thương - đơn vị quản lý các hồ chứa thủy điện cho ý kiến - thì không ai có mặt.

Bão số 12 có thể uy hiếp hồ thủy điện, Bộ Công thương vẫn vắng họp - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Hoài - tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - nhiều lần mời Bộ Công thương cho ý kiến về điều hành hồ thủy điện, nhưng không có ai đại diện bộ này dự họp - Ảnh: XUÂN LONG

Sáng 2-11, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại phiên họp ứng phó với bão số 12, ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết trước cơn bão số 12, các cơ quan dự báo của các nước và quốc tế đưa ra các thông tin dự báo bão vào đất liền cấp 11, giật tới cấp 14.

"Việt Nam dự báo cũng không khác biệt so với những dự báo của các nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khả năng cao bão số 12 vào bờ với cấp 10, gió giật cấp 13" - ông Cường nói.

Về trọng tâm bão số 12 hướng vào, theo ông Cường, nhiều khả năng bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung bộ. Khoảng đêm 3-11 hoặc rạng sáng 4-11, vùng tâm bão sẽ vào bờ biển vùng Nam Trung bộ. Bão vào gần bờ sẽ đi chậm lại, nhưng càng vào bờ cường độ bão càng tăng lên.

Ngoài bão số 12 đang hướng vào khu vực Nam Trung bộ, hiện có một bộ phận không khí lạnh mạnh đang di chuyển vào nước ta và sẽ di chuyển xuống khu vực phía Nam, kết hợp với bão tạo ra hai hình thế nguy hiểm.

Không khí lạnh mạnh, bão mạnh sẽ gây gió mạnh, sóng lớn, mưa lớn kèm theo đó là lũ ở các sông suối từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa và cả nguy cơ sạt lở đất. 

Ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết trong ứng phó với bão số 12 phải lưu ý cả vấn đề thủy triều: "Bão vào cộng thủy triều, sóng lớn, không khí lạnh sẽ có nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm". 

Tuy nhiên, về hướng đi của bão số 12, ông Hải trấn an, khu vực đồng bằng sông Cửu Long không đáng ngại về việc lặp lại sự trùng hợp như hai thập kỷ sau bão Linda.

Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết "các hồ chứa thủy lợi, thủy điện khu vực Trung bộ nếu tích nước được nhiều lắm cũng chỉ chứa được lượng mưa 500mm trở xuống, còn quá 500mm chắc chắn có nhiều hồ đầy nước phải xả tràn".

Chủ trì phiên họp, ông Trần Quang Hoài - tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - đề nghị Bộ Công thương báo cáo về tình hình hồ chứa thủy điện, tuy nhiên không có ai đại diện bộ này dự họp.

"Trước mưa lũ lớn, vấn đề điều hành hồ chứa, xả lũ rất quan trọng với các công trình, với người dân, Ban chỉ đạo đã mời Bộ Công thương nhưng không dự họp. Vì vậy, tôi đề nghị đối với các hồ chứa, công trình thủy lợi, thủy điện phải chủ động hạ thấp mực nước theo quy trình vận hành. Chủ động phương án xả lũ để không gây ra lũ nhân tạo" - ông Hoài nhấn mạnh.

"Với các khu vực ven biển, nơi nuôi thủy sản lồng bè, những khu vực có nguy cơ mất an toàn, cần phải có phương án di dân, sơ tán dân. Đặc biệt phải rút kinh nghiệm từ cơn bão số 11, có nhiều nơi không chằng chống nhà cửa dẫn tới đổ sập nhà, đây là việc phải chấn chỉnh" - ông Hoài nói.

Cũng tại phiên họp, Ban chỉ đạo đã yêu cầu Bộ GTVT chủ động phương án về giao thông, kể cả trong tình huống mưa lũ chia cắt các khu vực. Yêu cầu các địa phương chủ động phương án cấm biển tùy theo tình hình thực tế, kể cả phương án cho học sinh nghỉ học trước khi bão đổ bộ vào.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên