Các đại biểu dự họp theo dõi diễn biến bão số 12 (bão Damrey) đang hướng vào nam Trung bộ - Ảnh: QUANG KHẢI
Sau khi nghe dự báo diễn biến áp thấp, bão, ông Liêm cho rằng dù bão ít có khả năng vào TP nhưng không phải là không có, đặc biệt hoàn lưu bão gây mưa kết hợp với đợt triều cường có đỉnh đạt 1,68m nên nguy cơ ngập úng vẫn ở mức cao.
Ông Liêm nhiều lần nhấn mạnh các địa phương, sở ngành không được chủ quan lơ là trong công tác phòng tránh, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng đã được diễn tập trước đó.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Thực hiện: QUANG KHẢI-NAM TRẦN
Theo ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhiều đơn vị dự báo quốc tế cho rằng 70-80% áp thấp nhiệt đới - hiện đã mạnh lên thành bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) vào Nam bộ với cường độ trung bình. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cũng có cùng nhận định này.
Ông Quyết cũng lưu ý áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh 20km/h nên sẽ vào bờ sớm, khoảng ngày 4-11. Khả năng ảnh hưởng các tỉnh Đông Nam bộ và TP.HCM ở mức độ thấp nhưng không phải là không có. Khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới này được dự báo từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận.
Từ ngày mai 3-11, vùng ven biển TP.HCM và Vũng Tàu có gió mạnh 10m/s. Mưa to chủ yếu tập trung các tỉnh nam Trung bộ. Tại Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM, mưa không nhiều.
Tuy vậy, hệ thống sông Sài Gòn đang có đợt triều cường lớn, đỉnh triều cao nhất ngày 5-11 là 1,63m, ngày 6-11 là 1,67m và 1,68m nên vẫn có khả năng mưa kết hợp triều cường gây ngập.
Báo cáo trước đó, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP, cho biết đã yêu cầu các đơn vị nắm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, số thuyền viên để thông tin về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.
Theo đó, trên địa bàn TP có tổng cộng 836 tàu thuyền hoạt động trên biển được kêu gọi quay về bờ tránh áp thấp nhiệt đới, bão. Đến nay, còn 9 chiếc ngoài khơi, đang di chuyển gần nhà giàn DK1, di chuyển về Bến Tre, đảo Thổ Chu (Kiên Giang) và Cần Giờ (TP.HCM)… để tránh bão.
Ông Trung cho hay đang theo dõi diễn biến bão, tùy theo tình hình sẽ phát lệnh cấm ra biển theo trong giai đoạn nguy hiểm.
Về tình hình hồ chứa, 7h ngày 1-11, mực nước hồ Dầu Tiếng ở mức cao, đạt cao trình 23,66m nhưng đã ngưng xả về hạ du do đang có đợt triều cường lớn.
UBND huyện Cần Giờ cho hay đã chuẩn bị phương án di dời hơn 6.000 người ở Cần Giờ nếu có bão, áp thấp đổ bộ, chằng chống hàng trăm căn nhà. Các phương án di dời, đảm bảo an toàn tàu thuyền đã được chuẩn bị chờ lệnh của TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận