07/02/2021 10:11 GMT+7

'Bảo mẫu' rừng xanh - Kỳ cuối: Hiểm nguy và tình thương giữa rừng già

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Con bò tót to lớn bị dính bẫy trong rừng, anh em kiểm lâm Cát Tiên nhanh chóng tiếp cận, lên kế hoạch giải cứu con vật đang đau đớn, giãy giụa dữ dội.

Bảo mẫu rừng xanh  - Kỳ cuối: Hiểm nguy và tình thương giữa rừng già - Ảnh 1.

Đội kiểm lâm đồn Đất Đỏ (thuộc VQG Cát Tiên) cứu chim chích chòe lửa bị dính bẫy vào tháng 5-2020 - Ảnh: TRẠM ĐẤT ĐỎ CUNG CẤP

Đó là một trong những tình huống cứu hộ căng não của anh em kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, trong đó ông Huỳnh Văn Trung - phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm - là người trực tiếp chỉ huy cuộc cứu hộ khó nhằn này.

Cuộc cứu hộ nhớ đời

Năm năm trước, trong lúc đang làm việc, ông Trung nhận được tin báo từ đội kiểm lâm với giọng gấp gáp: "Tụi em đi tuần tra phát hiện một con bò tót bị dính chân vào bẫy. Nó hung dữ lắm, không ai dám đến gần".

Hiện trường cách nơi ông đang làm việc 5km, ông huy động thêm nhiều anh em khác lập tức đến. Trước khi đi, ông không quên mang theo nước giải khát tạm cho con thú vì biết khu vực đó không có nước, ống chích tiêm thuốc mê và một số kềm cộng lực để gỡ bẫy.

Nhưng đến nơi, tất cả dụng cụ đưa vào đều không đáp ứng được yêu cầu cứu hộ. "Con bò tót quá hung hãn, nó nhảy lồng lộn lên, vùng vẫy, giật dây, làm thấy ghê lắm. Nó nặng cả tấn, anh em ban đầu đứng cách 30m để tìm phương án chứ không dám tới gần. Không khéo một phát nó bừa mình thì không biết là ai đi cứu hộ ai đây.

Đứng một hồi lâu thấy không ổn, chúng tôi quyết định tới gần hơn. Kế hoạch là dùng ống thổi thuốc mê để nó chịu nằm yên trong bẫy, rồi mình xối nước cứu khát tạm thời cho nó. Mặt khác gọi về Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai nhờ tăng cường thú y đến giúp. Nhưng chưa kịp làm gì thì con bò tót giật bung sợi dây cáp buộc vào chân, nhảy đổng lên.

Anh em kiểm lâm gần 20 người nháo nhào, la lên: "Nó sút cáp rồi!". Và mạnh ai nấy leo lên cây ngồi, có người đu cây treo tòng teng. Con bò tót điên tiết gào thét, chạy vòng vòng, rồi đứng ngó xung quanh, không thấy ai thì bỏ chạy vào rừng. Cuộc giải cứu hi hữu diễn ra từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều, may mắn không ai bị thương" - ông Trung kể lại lần cứu hộ toát mồ hôi ấy.

Bảo mẫu rừng xanh  - Kỳ cuối: Hiểm nguy và tình thương giữa rừng già - Ảnh 2.

Các loại bẫy thú hoang dã bị Hạt Kiểm lâm Cát Tiên tịch thu - Ảnh: KIM ÚT

Không dễ cứu loài thú dữ

Ông Trung cho biết lực lượng kiểm lâm ở VQG Cát Tiên có trách nhiệm quản lý, bảo vệ cây cối địa bàn, ngăn chặn lâm tặc đốn cây, săn bắt thú rừng trái phép. Chuyện giải cứu thú hoang đã là nhiệm vụ ngoài ý muốn trong lúc đi tuần tra rừng.

Khi đi tuần tra, bắt gặp thú bị thương, mà trong rừng thường không có sóng điện thoại, cứu hộ chưa tới kịp thì kiểm lâm sẽ sơ cứu tại chỗ. Đối với một số loài thú lành tính như nai, tê tê, chim thì công tác cứu hộ đơn giản hơn. 

Loài nào sau khi giải cứu còn khỏe mạnh, ví dụ chim chích chòe thì kiểm lâm sẽ tốc hành làm hồ sơ, xin ý kiến lãnh đạo qua điện thoại, xong rồi thả đi ngay. Tương tự với loài "dễ chịu" khác thì chỉ cần đè nó xuống, khéo léo gỡ bẫy sao cho không để thú bị thương hay hoảng loạn, nhất là loài nai, nó sẽ quơ quào nhưng không tổn hại đến người.

"Nhưng khi gặp loài dữ, hung hãn như bò tót, heo rừng dính bẫy, thấy người xuất hiện là tìm cách chống chạy, chống đối, thậm chí trong tình trạng không tấn công được nó vẫn cố tấn công để tự vệ. Mình tới gần là nó "táng" sấp mặt, tháo bẫy ra xong là nó dí mình để tấn công. Còn rắn hổ, ví dụ nó bị bẫy đứt đuôi thì làm sao dám thọt tay vô chăm sóc" - ông Trung đặt câu hỏi.

Theo ông Trung, muốn giữ thú lại để chăm sóc, chữa trị đến khi khỏe mạnh, khôi phục bản tính hoang dã rồi đưa về tự nhiên là điều không dễ. Súng dùng để bắn thuốc gây mê, tiếp cận con thú chưa được trang bị, hiện chỉ dùng biện pháp thủ công là lấy ống chích thú y thổi thuốc mê, việc này vốn rất khó với những loài thú hoang dã to lớn, da dày, dữ tợn.

Con thú lúc nào cũng có khoảng cách tự vệ, cách con người vài mét là bỏ chạy, còn gần hơn thì nó tấn công để tự vệ. Mà một khi thú dữ tự vệ thì người kiểm lâm... lãnh đủ.

"Người bẫy bắt nó đâu nghĩ tới chuyện cứu hộ sẽ khó khăn thế nào, họ chế loại bẫy làm sao bắt được con thú vừa sống mà không bị thương nặng để bán giá cao. Chúng tôi tịch thu rất nhiều bẫy như dây cáp nhỏ, dây làm từ ruột thắng xe đạp, súng tự chế...

Nhiều con khỏe, cựa quậy trong bẫy gây tróc da, gãy tay chân, hoại tử vết thương, nhìn rất tội nghiệp. Con nào may mắn lắm thì tối hôm qua dính bẫy, sáng sau kiểm lâm đi tuần cứu được, cơ hội sống sót cao, nhưng đó thường là những con nhỏ nhỏ" - ông Trung vừa nói vừa đem ra đủ loại bẫy thú mà kiểm lâm đã tịch thu cho chúng tôi xem.

Tâm sự khó khăn trong cứu hộ thú rừng, ông Trung nói trước giờ kiểm lâm Cát Tiên thường cứu những loài bị nuôi nhốt trái phép, hay đi tuần phát hiện, bắt giữ cả nghi phạm lẫn tang vật săn bắt trái phép.

"Những loài đó đã được bỏ trong bao, thùng, hoặc mình tới mở cửa chuồng lùa nó lên xe đem về, thì việc gây mê, cứu hộ dễ hơn. Nhưng trường hợp nó đang dính bẫy ngoài rừng thì việc xử lý rất khó, chưa kể hiện trường cách trung tâm cứu hộ quá xa càng khó khăn hơn" - ông Trung nói và bày tỏ mong muốn được trang bị phương tiện đầy đủ để đảm bảo công tác cứu hộ sẽ dễ dàng hơn.

"Chẳng hạn đứng cách con thú 30-40m, đưa trinh sát của mình vô tiếp cận bắn gây mê, nó sẽ từ từ ngất xỉu rồi mình xử lý cứu hộ bằng các biện pháp nghiệp vụ. Sau đó, thú y tới cho ăn uống, thuốc men, dụng cụ hỗ trợ khác chăm sóc tại chỗ rồi đưa vào lồng sắt hay bao lưới. Mục đích là để niêm phong và đem đi giám định tại Đồng Nai hoặc TP.HCM, hay mời người giám định tới để xác định, tùy theo tình trạng con thú" - ông chia sẻ.

Vẫn còn lắm khó khăn

Ông Nguyễn Thế Việt - bác sĩ thú y, phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Cát Tiên - cho biết mỗi năm trung tâm tiếp nhận trên dưới 200 cá thể động vật với gần 20 loài.

"1/3 trong đó là tiếp nhận từ kiểm lâm tuần tra trong rừng thấy thú dính bẫy nằm đó, hoặc cứu từ tay thợ săn. 2/3 còn lại là từ các trang trại nuôi nhốt thú, có khi người dân tự nguyện giao nộp, hoặc một số trung tâm khác tiếp nhận đưa đến" - ông Việt cho hay.

Kể về quy trình cứu hộ, ông Việt chia sẻ khi con vật được đưa về trung tâm, phải hỏi thăm tình trạng xem con này bị gì, nguồn gốc từ đâu, nó được nuôi hay đem từ rừng về, bị nuôi nhốt hoặc dính bẫy bao lâu rồi, mắt sáng hay tay chân có còn nguyên, lanh lẹ không, rồi cho thú y kiểm tra sức khỏe, khám lâm sàng, chữa trị nếu bị thương nặng.

Khi lành vết thương, bệnh tình, con thú được đưa đến chuồng rộng, bao quanh là rừng để tập quen môi trường mới, tự kiếm ăn, ổn định tinh thần. Sau đó sẽ tùy tình hình chúng ra sao rồi mới quyết định thả vào rừng hay không.

Trước khi thả, họ sẽ khám lâm sàng trực quan và theo dõi 21 ngày, xem chúng có bệnh truyền nhiễm gì không để tránh lây lan cho con khác khỏe mạnh trong rừng. Khu vực thả tùy theo phân bố của loài, sẽ có những nhà khoa học phân tích khu vực nào hợp với loài nào.

Gắn bó việc cứu hộ thú hoang dã đã 21 năm, ông Việt nhận định có hai vấn đề khó trong cứu hộ. Thứ nhất, không đủ kinh phí trang bị dụng cụ cứu hộ. Kinh phí hạn hẹp trong việc cứu hộ, không có tiền xây dựng chuồng trại, mua xe ôtô vận chuyển thú lớn, không có chương trình mang con vật đến thăm khám ở một số cơ sở khác lớn hơn.

Thứ hai là thiếu nhân lực vì không có tiền thuê, nên dù cố hết sức cũng chỉ có thể chăm sóc loài ở giới hạn nhất định. Đối với thú hoang dã thì thiết bị khám chữa bệnh cho chúng rất đắt tiền, bác sĩ thú y khám cũng phải là người có tay nghề cao.

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Cát Tiên thành lập năm 2015 với nhân sự hiện gần 30 người. Tiền thân là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp, chữa trị, tái thả (hoạt động từ năm 2005), tiếp nhận những con thú hoang dã bị nuôi nhốt trái phép ở nhà dân. 154 - đó là số động vật hoang dã mà Trung tâm cứu hộ VQG Cát Tiên tiếp nhận và cứu hộ năm 2020, và đã tái thả 162 con thú trở về rừng tự nhiên.

'Bảo mẫu' rừng xanh - Kỳ 1: Hồi sinh sau tháng ngày ở địa ngục

TTO - Trung tâm giải cứu gấu đặc biệt này nằm ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai. Bên cạnh những 'bác sĩ', nhân viên cứu hộ thân thương, các chú gấu được thỏa sức chơi đùa, thư giãn trong an toàn tuyệt đối để quên đi nỗi đau bị giam cầm.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên