Gấu đang được gây mê, chụp X-quang để khám bệnh - Ảnh: FREE THE BEARS
"Chúng tôi đang thiết kế nghĩa trang cho gấu, sau này sẽ để tro cốt vào hũ, viết tên tuổi gấu, hoặc có thể làm tiêu bản trong bảo tàng. Tôi nghĩ gấu cũng đáng được tôn trọng như con người.
Ông NGUYỄN VĂN DŨNG
Dẫn chúng tôi vào khu bán hoang dã - nơi gấu sinh sống, ăn uống, vui chơi, ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc điều hành tại VN của Tổ chức Bảo tồn gấu (Free The Bears) - không giấu được niềm hạnh phúc khi nhìn mấy chú gấu béo ú đang tắm.
Te tua, bầm giập, bệnh hoạn
Ông Dũng làm "bảo mẫu" cho gấu ở Cát Tiên từ năm 2014, sau sáu năm kể từ khi trung tâm cứu hộ gấu được thành lập, chủ yếu tiếp nhận gấu từ trang trại, gia đình nuôi lấy mật, trước năm 2006 còn cứu thêm gấu bị bẫy ngoài hoang dã.
Trung tâm gấu rộng 12ha, chia làm hai khu: khu điều hành (nơi làm việc, bệnh viện gấu) và khu nhà gấu. Ở khu nhà gấu hiện có ba nhà, nhà nào cũng đều được nối liền với khu bán hoang dã rộng hơn 1ha. Mỗi nhà rộng 9m² ngăn làm 7-10 chuồng.
Nơi đây hiện đang nuôi dưỡng 41 con gấu, trong đó có 31 gấu ngựa và 10 gấu chó. Một nhà gấu đang được xây thêm, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ chăm sóc khoảng 100 con.
Hầu hết gấu ở đây đều khỏe mạnh, chỉ số ít bị bệnh vặt. Chúng đã ổn hơn rất nhiều so với thời điểm mới được giải cứu. Ông Dũng cho biết hầu hết gấu đưa về cứu hộ đều trong tình trạng te tua, bầm giập.
"Có con lở loét vết thương, bệnh đường ruột, ung thư gan, màng phổi. Một số bị gây mê rồi tháo khớp đem bán, con thì bị cụt tay do dính bẫy. Cách đây không lâu, chúng tôi tiếp nhận một con gấu chuyển từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến. Con gấu đáng thương này bị lấy mật nhiều quá nên mắc ung thư túi mật, không cứu được" - ông Dũng ngậm ngùi.
Những con gấu may mắn sống sót, sau khi về trung tâm này sẽ cách ly 2-3 tháng để được các "bác sĩ" chữa trị, sau đó cho ghép nhóm.
Ở tự nhiên, gấu thường không sống theo bầy đàn mà đi riêng lẻ. Nhưng trung tâm cứu hộ không đủ điều kiện cho mỗi cá thể ở một khu nên phải ghép những cá thể hợp tính lại.
"Nhóm nhỏ nhất ba con, nhiều nhất 15 con. Ban ngày chơi chung, tối thì "ai về nhà nấy". Tuy nhiên cũng có những con gấu khó tính, không chịu kết bạn thì mới ở riêng một chuồng, thay phiên nhau ra sân chơi sáu tiếng, vì nếu thả ra hết chúng sẽ đánh nhau" - ông Dũng cho biết.
Bên cạnh ghép đôi, gấu đưa về trung tâm cứu hộ sẽ được vận động cơ thể, trí não. Sống khổ sở, đau đớn ở trang trại lấy mật 15-20 năm đã làm chúng quên bản năng hoang dã.
"Khi mới về đây, gấu không thể leo trèo dù vốn là loài trèo cây rất giỏi, giờ lại phải tập từng bước nhọc nhằn. Nó cũng không thể tự kiếm thức ăn, bởi đã sống quá lâu trong lồng cũi chật hẹp chỉ 2m².
Vài con gấu vừa ra khỏi nơi nuôi nhốt liền muốn đâm đầu vào cũi sắt cho chết, hoặc đâm vô tường" - ông Dũng kể một con gấu tên Lam đưa từ trang trại ra thương tích đầy mình, mới về nhà gấu thấy những con khác thì nó như "phát điên", đập đầu xuống đất, gầm rú lên.
"Thấy thương lắm! Cũng có con gấu ban đầu thấy người tới cho ăn thì không dám ăn, sợ mình gây mê rồi lấy mật giống nơi nuôi nó trước kia. Vì vậy, chúng tôi phải tạo sinh cảnh giống ở tự nhiên để chúng hòa nhập" - ông Dũng chia sẻ.
Không còn phải khổ sở, đau đớn trong cũi sắt, giờ đây gấu đã an toàn, vui vẻ trong khu bán hoang dã Cát Tiên - Ảnh: FREE THE BEARS
Giúp gấu "làm lại cuộc đời"
Sinh cảnh mà ông Dũng nói là khu bán hoang dã còn giữ được rừng nguyên sinh, có thêm hồ bơi, nhiều trò chơi đào hang, đung đưa võng, cầu trượt.
Sống ở đây, những chú gấu thỏa sức chơi đùa, thư giãn, sẽ quên đi nỗi đau bị giam cầm hàng chục năm trong chiếc cũi chật hẹp, và có thể sống lâu hơn.
Mỗi sáng, nhân viên vệ sinh chuồng sạch sẽ, rồi gọi tên từng chú gấu vào ăn. Bình thường, gấu ở sân chơi 24/24, khi nào gọi mới vào.
Đợi gấu vào chuồng, nhân viên đóng cửa lại, bắt đầu lượm thức ăn thừa, phân, kiểm tra hàng rào bên ngoài rồi rải thức ăn là hạt, các loại rau củ quả, khắp sân chơi. Ngoài ra, hạt và mật ong cũng thường được bỏ vào trái bóng cho gấu tìm.
"Làm vậy để gấu đánh mùi tự đi kiếm đồ ăn, buộc chúng phải vận động, kích thích tính săn mồi, chứ không phải lúc nào đồ ăn cũng đưa sẵn trước mặt"- ông Dũng nói và cho biết một số con gấu bị đau bao tử, cao huyết áp nên hạn chế đường, tinh bột.
Thường những loài thú hoang dã khác ở trung tâm cứu hộ đến khi "đủ lông đủ cánh" sẽ được tái thả về rừng, nhưng với gấu thì không thể.
"Thứ nhất, tìm môi trường rừng nào để tái thả khi biết nó sẽ bị bắt lại? Thứ hai, gấu không thể sinh tồn ngoài tự nhiên vì thức ăn ở đó đã cạn kiệt. Thứ ba, vì bị nuôi nhốt quá lâu ở các trang trại, gấu đã không thể phục hồi hoàn toàn bản tính hoang dã, nếu có cũng chỉ được 20-30%.
Rút kinh nghiệm từ Campuchia và Lào từng tái thả, nhưng gấu ra ngoài tự nhiên chết hoặc quay trở lại nơi cứu hộ, đồng nghĩa nó không tìm được thức ăn" - ông Dũng cho biết trung tâm cứu hộ Cát Tiên là giai đoạn 2 của gấu.
Còn giai đoạn 3 là cho gấu tồn tại trong rừng tự nhiên thì hiện vẫn đang nghiên cứu. Ông hi vọng tương lai có thể làm được, dù khó khăn.
Ngoài việc không thể tái thả, gấu cũng khó có khả năng sinh sản bởi khi vào đây, chúng gần như là gấu đã trưởng thành, nếu không nói là… sắp già khi đã 15-20 tuổi, tương đương tuổi 50-60 ở con người.
Ở trung tâm gấu Cát Tiên, gấu nhỏ nhất hiện 9 tuổi, lớn nhất 22 tuổi. Sau khi chết, gấu sẽ được giải phẫu, kiểm tra bệnh rồi đem thiêu và chôn tro cốt xuống đất.
Hãy buông tha cho gấu
Cứu hộ gấu là một hành trình vất vả, nhưng trước đó, muốn đưa được gấu ra khỏi các trang trại, nhà dân về trung tâm cứu hộ cũng gian nan không kém. Ông Dũng cho hay có nhiều trang trại giao cho đội cứu hộ gấu sắp "hết date" như già yếu, bệnh tật, thương tích nặng nằm chờ chết.
"Những con gấu "còn hạn", tức còn trẻ, khỏe, ít bị thương thì họ không giao. Chúng tôi vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu nuôi gấu lấy mật là trái pháp luật.
Gấu đã giúp họ làm giàu bao nhiêu năm rồi, giờ hãy buông tha để gấu được sống tốt phần đời còn lại, đánh vào lòng nhân đạo của họ. Nếu vẫn không chịu giao thì phải dùng biện pháp mạnh"- ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng chia sẻ thêm những con gấu ở trạm cứu hộ này giống như đại sứ đại diện cho những con hiện đang bị giam cầm ở các trang trại nuôi gấu lấy mật ngoài kia. Rồi chúng sẽ chết nếu có người vẫn còn tin thần dược làm từ động vật hoang dã.
"Ở Cát Tiên, chúng tôi đang đặt bẫy ảnh với hi vọng chụp được những tấm ảnh về gấu ngoài hoang dã. Và trong năm 2021 sẽ cố gắng cứu thêm gấu ở các tỉnh, thành phía Nam" - ông hi vọng
Chance và Hope
Chance và Hope (Cơ Hội và Hi Vọng) là tên hai cô gấu cùng được giải cứu từ một trang trại nuôi gấu lấy mật vào năm 2001. Trong khi Chance bị mất bốn móng ở chân trước bên trái, thì Hope bị mất hoàn toàn chân trước bên phải và vài móng chân trước bên trái.
Những thương tích này được nhận định là do bẫy thú gây ra, thợ săn giăng bẫy gấu rồi bán lại cho trang trại.
Nhiều năm trôi qua, đôi bạn Chance và Hope luôn ở bên cạnh nhau, thân thiết không tách rời kể từ khi được cứu về.
"Tựa như trong cuộc sống, hi vọng luôn đi cùng với cơ hội vậy" - ông Dũng mỉm cười, nhìn cô gấu Hope đang ngủ đằng xa. Năm 2020, trung tâm gấu Cát Tiên đã cứu hộ được bốn con gấu.
********************
Con bò tót khổng lồ bị dính bẫy, nhóm cứu hộ tiếp cận, giải cứu. Nhưng con vật bị đau đớn càng lồng lên hung dữ. Tình huống nguy hiểm, không biết ai cứu hộ ai đây…
>> Kỳ tới: Tình thương và hiểm nguy giữa rừng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận