13/03/2019 06:55 GMT+7

Bảo hiểm xã hội gửi 18 công văn xin ý kiến, Bộ Y tế không phản hồi

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Từ năm 2017 đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có 18 công văn đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chưa nhận được trả lời từ Bộ Y tế.

Bảo hiểm xã hội gửi 18 công văn xin ý kiến, Bộ Y tế không phản hồi - Ảnh 1.

Phục lục 18 công văn BHXH VN gửi Bộ Y tế nhưng chưa có văn bản trả lời

Một số công văn điển hình như công văn 3455 về việc cấp giấy phép hoạt động và phân hạng đối với các trung tâm y tế thuộc hệ y tế dự phòng; công văn số 5276 đề nghị cho ý kiến hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán chi phí phẫu thuật loại II, loại III tại một số phòng khám đa khoa; công văn số 2166 về vướng mắc trong thanh toán trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Công văn số 383 về việc đề nghị hướng dẫn xác định tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định tại điều 24 Nghị định 146; công văn số 384 về việc hướng dẫn thực hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu.

Đặc biệt, trong số này có nội dung được BHXH VN "nhắc" Bộ Y tế nhiều lần nhưng không nhận được hồi đáp.

Theo BHXH VN, bất cập nêu trên gây ra rất nhiều khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện BHYT.

Cụ thể theo BHXH VN, điều 30 Luật bảo hiểm y tế quy định có 3 phương thức thanh toán nhưng hiện nay chỉ có một phương thức thanh toán là thanh toán theo giá dịch vụ. Trong khi phương thức thanh toán theo định suất năm 2019 chưa được thực hiện do Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn.

Và phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh đã gần 10 năm chưa được ban hành. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý quỹ BHYT hợp lý và hiệu quả.

Kế đến, điều 31 Luật bảo hiểm y tế giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, Bộ Y tế mới quy định được giá khám bệnh và giá ngày giường theo đúng quy định của Luật BHYT. Riêng các dịch vụ KCB khác đang được quy định cùng một mức giá cho tất cả các cơ sở KCB (từ trạm y tế xã cho đến bệnh viện hạng đặc biệt).

BHXH VN còn chỉ ra tại khoản 3, điều 6, Luật khám chữa bệnh quy định hành vi bị cấm trong KCB là "hành nghề KCB, cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu".

Tuy nhiên tại điều 6 Thông tư số 50/2017/TT-BYT, Bộ Y tế lại cho phép người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở KCB, ngoài việc căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề, còn được căn cứ cả vào văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận và năng lực của người hành nghề.

Nhằm cho phép bằng văn bản người hành nghề được thực hiện các chuyên môn kỹ thuật cụ thể tại cơ sở KCB (mà không bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trên chứng chỉ hành nghề).

Mới nhất, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP giao Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung như thẩm định cơ sở KCB đăng ký KCB BHYT ban đầu; ban hành quy định nguyên tắc, danh mục xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng được chuyển đến cơ sở KCB hoặc đơn vị thực hiện dịch vụ; ban hành bộ mã dùng chung về trang thiết bị y tế... nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn đồng bộ với Nghị định của Chính phủ.

Việc này gây khó khăn cho cơ sở KCB cũng như cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện.

BHXH VN cho rằng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về BHYT nhưng Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, một số văn bản ban hành chậm, có nội dung chưa phù hợp quy định của Luật bảo hiểm y tế, Nghị định của Chính phủ và chậm trễ trả lời các văn bản xin ý kiến của BHXH VN.

"Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB chưa được giải quyết kịp thời" - công văn nêu.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên