Bằng chứng do Viện nghiên cứu lực lượng liên hợp Hoàng gia Anh (RUSI) thu thập và được báo The Economist xuất bản độc quyền hôm 20-2 cho thấy các cơ quan tình báo của Nga đang rút ra bài học từ những sai lầm của mình, điều chỉnh các kỹ năng cũng như phương pháp, và bắt tay vào giai đoạn mới trong cuộc chiến chính trị chống lại phương Tây.
Năm đầy rẫy khó khăn
The Economist cho rằng những năm vừa qua là giai đoạn đầy rẫy khó khăn với các điệp viên Nga.
Tờ báo này liệt kê ra loạt sự cố của Nga: "Năm 2020, các đặc vụ của Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB) đã thực hiện bất cẩn vụ đầu độc nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny. Ông ấy chế nhạo họ vì đã rải chất độc thần kinh Novichok lên quần lót của mình (tuy nhiên vào tháng 12-2020, Nga đã bác tin đặc vụ FSB thú nhận tẩm độc lên quần lót của ông Navalny).
Sau đó, FSB đã cho Điện Kremlin một cái nhìn lạc quan về chuyện chiến sự (Nga - Ukraine) sẽ diễn ra như thế nào, phóng đại những điểm yếu nội bộ của Ukraine. Họ đã thất bại trong việc ngăn chặn các cơ quan phương Tây đánh cắp và công khai kế hoạch của Nga nhằm tấn công Ukraine.
Và họ cũng đã không sẵn lòng hoặc không thể ngăn chặn cuộc nổi loạn ngắn ngủi của ông trùm tập đoàn lính đánh thuê Wagner là Yevgeny Prigozhin.
Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) cũng bị suy yếu ở châu Âu do khoảng 600 thành viên bị trục xuất khỏi các đại sứ quán trên khắp lục địa này.
Ít nhất 8 sĩ quan tình báo "bất hợp pháp" - các sĩ quan tình báo hoạt động không có vỏ bọc ngoại giao, thường đóng giả không phải người Nga - cũng đã bị lộ.
Đứng vững trở lại
Nghiên cứu của RUSI cho biết cuối năm 2022, Nga nhận ra rằng họ cần các báo cáo trung thực hơn từ các cơ quan của mình. Nước này đã giao cho ông Sergei Kiriyenko - phó chánh văn phòng Điện Kremlin - phụ trách "các ủy ban có ảnh hưởng đặc biệt". Những cơ quan này phối hợp hoạt động chống lại phương Tây và sau đó đo lường hiệu quả của chúng.
Sự thay đổi nhân sự của Nga dường như đã tạo ra các chiến dịch tuyên truyền chặt chẽ hơn. Chẳng hạn ở Moldova, các nhà nghiên cứu nhận thấy nỗ lực đưa thông tin sai lệch - từng rải rác trước đây - nhằm ngăn Moldova gia nhập Liên minh châu Âu đã trở nên nhất quán và tập trung hơn vào năm ngoái. Các chiến dịch nhằm làm suy yếu sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine cũng đã gia tăng.
Hồi tháng 1-2024, các chuyên gia Đức công bố thông tin chi tiết về các bot phát tán hàng trăm ngàn bài đăng bằng tiếng Đức mỗi ngày từ mạng lưới 50.000 tài khoản trong một tháng trên mạng xã hội X (Twitter). Ngày 12-2, Pháp đã vạch trần một mạng lưới lớn các trang web của Nga lan truyền thông tin sai lệch ở Pháp, Đức và Ba Lan.
Trong khi đó, Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) cũng đánh giá lại các hoạt động của mình. GRU kết luận rằng nhân viên của họ đã để lại quá nhiều thông tin kỹ thuật số, đặc biệt là khi mang theo điện thoại di động của họ đến và đi từ các địa điểm nhạy cảm có liên quan đến tình báo Nga.
Họ cũng nhận ra rằng việc trục xuất các sĩ quan tình báo Nga ở châu Âu đã khiến việc tổ chức các hoạt động và kiểm soát các điệp viên ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Điều này đã dẫn tới một cuộc cải cách hàng loạt, bắt đầu vào năm 2020 nhưng được đẩy nhanh sau khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu.
The Economist viết: "Dù chịu thiệt hại, nhưng tình báo Nga đã đứng vững trở lại sau những thất bại gần đây. Trong những tuần qua, trang điều tra Insider đã xuất bản một loạt câu chuyện ghi lại hoạt động gián điệp và ảnh hưởng của Nga trên khắp châu Âu.
Chúng bao gồm các chi tiết về cách thức một sĩ quan GRU ở Brussels (Bỉ) tiếp tục cung cấp thiết bị của châu Âu cho các nhà sản xuất vũ khí của Nga, ngoài ra còn tiết lộ rằng một trợ lý hàng đầu trong Bundestag (Quốc hội Đức) và một thành viên người Latvia trong Nghị viện châu Âu đều là điệp viên Nga".
Hiện Nga chưa lên tiếng về các thông tin mà The Economist đăng tải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận