Nhưng ngoài hi vọng gom về “siêu ủy ban” để quản lý đồng vốn nhà nước sinh lãi tốt hơn, nhiều người cũng mong nhân gom về để “thu nhỏ lại”, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về doanh nghiệp nhà nước.
Khi doanh nghiệp nhà nước nhỏ đi thì cần phải làm cho các thành phần kinh tế khác lớn lên để làm trụ đỡ cho nền kinh tế, đó chính là kinh tế tư nhân. Không thể phủ nhận chính sách với khu vực kinh tế đã khá thông thoáng, thậm chí có không gian rộng lớn để tư nhân phát triển nhanh và mạnh.
Nhưng không như chính sách, những gì đang diễn ra với khối kinh tế tư nhân có gì đó chưa ổn. Dễ thấy nhất là ở những con đường khu vực trung tâm đã có hàng tá siêu thị lớn nhỏ của một số ít đại gia quen thuộc.
Các tiệm tạp hóa và hộ kinh doanh cá thể dần phải dẹp tiệm. Các khu chợ truyền thống nuôi sống hàng ngàn gia đình nay dần đìu hiu. Quá trình phát triển kinh tế theo kiểu cá lớn nuốt cá bé đang diễn ra với sự tiếp sức của chính quyền.
Một dự án, siêu thị khổng lồ mọc lên lẽ ra phải lấy ý kiến của người dân và phản biện của xã hội. Còn hiện nay mọi thứ chỉ được biết sau khi sự việc đã rồi.
Có người tự hỏi không lẽ chấp nhận quá trình phát triển kinh tế tư nhân rồi dẫn đến một dạng độc quyền tư nhân kiểu mới.
Quá trình này đã, đang và sẽ giết chết hàng loạt hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp thấp cổ bé miệng, nếu không sớm điều chỉnh nó cũng sẽ giết chết các ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh.
Không thể phủ nhận chính quyền đã hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển. Nhưng đáng buồn là sự thông thoáng và nhanh gọn này lại tùy “thành phần”.
Với đại gia tên tuổi nào đó ra đảo xây khu nghỉ dưỡng sẽ được giải quyết thủ tục “nhanh như điện”. Còn người dân bình thường kinh doanh nhà trọ ở ngoài đó nếu không có phép mầu, có khi cả đời phải chạy máy nổ mới có điện thắp sáng.
Kinh tế phát triển làm phân hóa giàu nghèo đã là một sự bất công. Nhưng đến mức phân hóa theo tên tuổi, theo quan hệ thì lại không ổn. Bởi đến một lúc nào đó nền kinh tế nước nhà, nhìn tới lui chỉ còn dăm ba gương mặt lớn quanh đi quẩn lại với ngành bán lẻ, bất động sản...
Kinh tế tư nhân phát triển kiểu này cũng đóng góp vào tăng trưởng nhưng là tăng trưởng dạng ăn mất phần của người khác, ăn vào tài nguyên, không phải là tăng trưởng với miếng bánh ngày càng to ra để ai cũng hưởng phần.
Bởi vậy, hãy dồn sức cho tất cả người muốn ra làm ăn có thể phát huy hết sáng tạo, năng lực của mình.
Không thể chấp nhận doanh nghiệp to thì được ưu ái, khởi nghiệp thì thoáng nhưng ra doanh nghiệp rồi lại chật vật để tồn tại, càng không thể chấp nhận doanh nghiệp vừa và nhỏ vất vả để có đất làm nhà xưởng, nhiêu khê khi vay vốn ngân hàng.
Khi nào các yếu tố trên chưa được điều chỉnh, việc thu nhỏ doanh nghiệp nhà nước chưa hẳn đã tạo ra trụ đỡ cho nền kinh tế mà chỉ tập trung vào một vài “tên tuổi”, và quan trọng hơn, cứ đà này, cái bánh phát triển ấy cũng chẳng dành cho mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận