Bộ Kế hoạch - đầu tư (KHĐT) đã chính thức công bố dự thảo nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là ủy ban). Ủy ban này sẽ quản lý các doanh nghiệp nhà nước thay vì để tại các bộ ngành.
Theo dự thảo nghị định, ủy ban trên sẽ là cơ quan trực thuộc trực tiếp Chính phủ, do Chính phủ thành lập.
Vai trò của ủy ban, theo dự thảo, sẽ cực lớn: giúp Chính phủ quản lý, giám sát toàn bộ vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ủy ban cũng trực tiếp thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Ủy ban này cũng sẽ tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Trước đó, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM - thuộc Bộ KHĐT), cho biết CIEM được giao xây dựng dự thảo nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu này.
Với ủy ban trên, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn hoạt động kinh doanh sẽ được chuyển từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách.
Khi cơ quan này ra đời, theo ông Cung, sẽ ngăn được tình trạng vốn nhà nước đang bị hao mòn như hiện nay tại một số dự án nghìn tỉ thua lỗ như đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên...
Dù nhiều chuyên gia ủng hộ đề xuất này, nhưng cũng đang có một số ý kiến lo ngại năng lực của ủy ban mới, làm sao để quản lý số lượng lớn các doanh nghiệp nhà nước ở rất nhiều ngành trong khi các doanh nghiệp này đang trực thuộc các bộ chuyên ngành, có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực ấy.
Theo công bố của Bộ KHĐT, việc soạn thảo nghị định quy định một ủy ban quản lý các doanh nghiệp nhà nước trên là thực hiện theo nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với mục tiêu sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp…
Sẽ còn nhiều cơ quan quản lý doanh nghiệp nhà nước Theo dự thảo của Bộ KHĐT, việc quản lý doanh nghiệp nhà nước tới đây sẽ tập trung chính vào ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. "Siêu ủy ban" sẽ trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty theo phụ lục đề án này, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). - Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. - Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được giao trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước. - Bộ quản lý ngành chỉ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp chính sách, trực tiếp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích mà Nhà nước phải đảm bảo cung ứng… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận