Phóng to |
Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khai thác sản phẩm tại mỏ than Núi Hồng (Thái Nguyên) - Ảnh: TRỌNG ĐẠT |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến đề án này, Bộ KH-ĐT nghiên cứu, bổ sung hai nội dung còn có ý kiến khác nhau là: phương án quy định pháp luật phù hợp đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.
Gom DNNN về một đầu mối?
Phát biểu kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đổi mới để quản lý DNNN tốt hơn, nhưng phải tiến hành chặt chẽ. Thủ tướng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu đề án theo hướng: về nguyên tắc đồng ý tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN. Tuy nhiên, đề án phải làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, của đại diện chủ sở hữu trong các nội dung liên quan đến hoạt động DNNN như vốn, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh... |
Về đề xuất có quy định pháp luật phù hợp đối với DNNN, Bộ KH-ĐT kiến nghị lựa chọn phương án bổ sung một chương về DNNN trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, việc ban hành một văn bản luật riêng về DNNN bao quát được hết những vấn đề đặc thù của DNNN, nhưng có một số nhược điểm, chẳng hạn như dễ tạo ra quan điểm cho rằng có sự bất bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Trong số các phương án đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN, Bộ KH-ĐT đã đề xuất Chính phủ thành lập Ủy ban quản lý, giám sát DNNN làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quan trọng, bao gồm cả Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Các DNNN công ích đặc thù khó có thể xã hội hóa được vẫn do bộ, UBND cấp tỉnh quản lý.
Bộ KH-ĐT cũng cho biết trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung phương án tập trung triệt để theo hướng thành lập một cơ quan để làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện đối với toàn bộ khu vực DNNN. Có ý kiến cho rằng cần nâng cấp SCIC thành một đầu mối thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tất cả DNNN.
Một số ý kiến khác đề nghị cần có thêm thời gian để đánh giá đúng, đủ và toàn diện việc thực hiện nghị định 99 của Chính phủ (về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), sau đó mới nghiên cứu đề xuất việc đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.
Nếu “quản hết” thì quá tải
Theo ông Bùi Quang Vinh, hiện nay số lượng DNNN còn lớn (1.284 doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và 1.200 doanh nghiệp khác có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước), lại hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực và hầu hết các địa bàn trên cả nước. Do đó, phương án tập trung theo hướng thành lập một cơ quan để làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện đối với toàn bộ khu vực DNNN là không khả thi.
Bộ KH-ĐT kiến nghị thực hiện phương án thành lập một cơ quan chuyên trách làm đầu mối thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, và chỉ thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, bao gồm cả SCIC.
Ông Bùi Quang Vinh nói trong nghị định 99 hiện nay vẫn đang giao cho các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, nghĩa là các DNNN có liên quan nằm rải rác ở các bộ này, phương án mà Bộ KH-ĐT kiến nghị là thành lập cơ quan chuyên trách, tên gọi của cơ quan này có thể là ủy ban tương tự như Trung Quốc hoặc bộ như Indonesia, cơ quan này vẫn thuộc Chính phủ. “Phương án của chúng tôi có đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2015 làm gì, đến năm 2020 làm gì sao cho phù hợp chứ không phải một lúc làm hết”- ông Vinh nói.
Trong thảo luận, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng việc đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN là vấn đề lớn, do vậy cần cân nhắc để chuẩn bị kỹ hơn. Việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu đối với DNNN là cần thiết, nhưng nghị định 99 mới ban hành và có hiệu lực từ cuối năm 2012 cần có thêm thời gian để tổng kết, đánh giá. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải đẩy mạnh việc tái cơ cấu, sắp xếp lại và cổ phần hóa DNNN một cách thật sự có hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận