Hấp dẫn mẻ bánh đúc tự làm
Khi dịch COVID chưa bùng phát, vào buổi sáng, dọc theo các tuyến đường thường hay thấy các dì quảy đôi quang gánh trên vai, đặt gọn gàng những mẹt bánh nóng hổi ở một đầu gióng, đầu kia thường là vài chục đĩa, muỗng, chai nước mắm nêm cay ngọt theo kèm để phù hợp với khẩu vị từng thực khách.
Nhưng mấy hôm nay, ở thành phố nơi tôi sinh sống, hàng quán tạm đóng cửa theo chỉ thị của Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Buổi cơm trưa và chiều thì dễ tìm món thay đổi, nhưng điểm tâm sáng thì quanh quẩn cũng chỉ mấy món: cơm xào, cháo trắng, xôi, bánh mì ốp la,… trong điều kiện hạn chế ra khỏi nhà.
Chiều lòng mấy đứa nhỏ và cả người lớn trong nhà, sau cuộc gọi điện thoại má đã "chỉ điểm" tôi ra tay với món "bánh đúc nhà làm" nóng hổi.
Hồi còn ở quê, đến ngày mùa ra đồng, tôi thường thức dậy sớm để cùng má nấu buổi sáng và sửa soạn luôn phần nửa buổi cho cha. Trong gian bếp nhỏ, má đút từng bó rơm vàng thổi đỏ hồng bếp lửa.
Sau khi đun vội nồi cơm nóng, má luộc thêm nồi khoai, củ trút…, có hôm má lại đổi vị nửa buổi với mẻ bánh đúc mịn màng, trắng mướt. Có lẽ nhờ những lần phụ má mà tôi rất rành món bánh đúc xứ Quảng dù đã hơn mười lăm năm xa quê.
Hấp dẫn mẻ bánh đúc tự làm
Thật ra, việc làm bánh đúc cũng khá đơn giản, chỉ cần bỏ công làm đôi ba lần sẽ quen tay. Bắt đầu từ việc đong vài lon gạo ngâm với nước vôi trong, dùng tay khuấy đều vôi với nước theo tỉ lệ 1 lít nước 10g vôi.
Vôi lắng xuống đáy thau, nhẹ nhàng chắt lấy nước vôi trong và đổ vào gạo đã vo kỹ nhiều lần. Thời gian ngâm gạo với nước vôi nhất định phải trên 7 tiếng đồng hồ (một đêm), đến khi dùng tay bóp hạt gạo thấy mềm là được.
Khâu xay gạo tưởng tốn công nhất nhưng rất tiện khi ngày nay nhà nào cũng có một chiếc máy xay sinh tố. Bỏ gạo đã mềm vào cối máy sinh tố, chú ý canh lượng gạo và nước cho phù hợp. Bột xay đi xay lại chừng hai lần thì đã nhuyễn mịn (mỗi lần xay chừng ba phút). Bột xay xong mang đi lược qua rây cho sạch tạp chất.
Công đoạn tiếp theo là đổ bánh, thường láng trước một chút dầu dưới đáy nồi để bột không dính. Đổ bột vào, bắc lên bếp đun nhỏ lửa, khuấy thật đều tay và liên tục. Đấy chính là bí quyết để bột không bị vón cục, không cháy tạo nên mùi khê khó chịu.
Lửa nấu bánh phải nhỏ cho đến khi bột trong nồi đặc sệt lại, trở nên trong mượt. Nhanh tay đổ bột đã chín ra tàu lá chuối để sẵn trong mẹt nhỏ với độ dày khoảng 3-5cm (hoặc một mâm lớn).
Trước khi ăn phết lên trên một lớp dầu phộng đã phi hành, lá ngò gai và rải thêm lớp muối đậu phộng. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng bánh đúc chính là nước mắm nêm.
Nước mắm nêm được làm từ mắm cái của bất kỳ loại cá biển nào. Mắm cái sau khi gạn ép xác, chỉ lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng…
Bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể làm được món bánh đúc dân dã bởi nguyên liệu sẵn có trong nhà, cách chế biến không quá cầu kỳ, lại ít tốn kém, phù hợp những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 .
Sáng nay ngồi tỉ mẩn cắt bánh thành những lát nhỏ vừa ăn, lại nhớ ba, nhớ má ở quê. Nhớ những lần được má giao nhiệm vụ gói ghém cẩn thận nước mắm nêm rồi cho tất cả vào cà mèn treo trên đầu cán cuốc hay trên đôi quang gánh và theo chân cha ra đồng.
Đã lâu rồi chưa được về thăm ba má, nhâm nhi từng lát bánh đúc ở phố mà như nghe được cả mùi hương của lúa, mùi hăng hắc của bùn đất, cánh đồng quê nhà phảng phất đâu đây.
Nấu ăn những ngày giãn cách
Tuổi Trẻ Online mở chuyên mục Nấu ăn những ngày giãn cách để các chuyên gia ẩm thực, những người nổi tiếng giới thiệu những món ăn, thức uống dễ làm, hiệu quả lại đơn giản phù hợp những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Bạn đọc có món ngon, thức uống hay và muốn chia sẻ cùng mọi người, xin mời gửi bài, ảnh, video về email catkhue@tuoitre.com.vn. Bài được đăng tải sẽ được trả nhuận bút xứng đáng. Cảm ơn bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận