Cảnh sát Bangladesh xách súng ngoài đường trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở thủ đô Dhaka - Ảnh chụp màn hình SCMP
Chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở Bangladesh đã khiến ít nhất 91 người thiệt mạng chỉ chưa đầy hai tuần qua. Theo Hãng tin AP, điều này làm dấy lên nhiều lo ngại về kiểu bài trừ ma túy đầy máu lửa tương tự Philippines ở quốc gia Nam Á này.
Như truyền thông Bangladesh đưa tin, hầu hết các vụ giết người được đề cập là các cuộc đấu súng giữa tội phạm ma túy và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, các gia đình có người thân thiệt mạng lại nói rằng các nạn nhân đã bị cảnh sát bắt giữ và chết trong lúc giam cầm.
Kể từ khi chiến dịch này được khởi động hôm 15-5, số người chết tăng lên mỗi ngày. Danh tính và nơi ở của những người bị giết tràn đầy trên các mặt báo, nhưng rất ít chi tiết cho thấy các bằng chứng để buộc tội họ.
Ngày 27-5, Odhikar, một nhóm hoạt động vì quyền con người, cho biết thống kê cho thấy 91 người đã bị giết chỉ trong 13 ngày qua.
Những người thiệt mạng được các báo cáo tường thuật là các con nghiện ma túy "tép riu". Họ bị giết ngay trên phố với cáo buộc vận chuyển ma túy và vũ khí hạng nhẹ.
Một trong số những trường hợp điển hình là Kamrul Islam, 35 tuổi. Theo mô tả của người thân, ông này từng là buôn bán ma túy, nhưng đã bỏ nghề được 10 năm. Islam đang kiếm sống qua ngày bằng một tiệm bán thức ăn tại một trạm xe buýt ở thủ đô Dhaka.
Bà Taslima Begum, vợ của ông Islam, cho biết điện thoại của chồng đã mất liên lạc kể từ hôm 23-5. Khi người thân đến tìm Islam tại tiệm bán thức ăn thì họ nghe kể lại rằng ông bị một số cảnh sát mặc thường phục bắt đi.
Hôm 25-5, khi xem truyền hình, Begum mới hay tin chồng đã bị giết trong một cuộc đấu súng với các thành viên của Tiểu đoàn hành động nhanh (RAP) - đội chống khủng bố hiện dẫn đầu hoạt động trấn áp tội phạm ma túy của Bangladesh.
"Sau khi kết hôn, chồng tôi đã từ bỏ cách sống trước đây. Tôi biết rằng ngay lúc này ông ấy hoàn toàn vô tội" - bà Begum kể lại.
Truyền thông Bangladesh cho biết đa số các tội phạm ma túy bị giết là do đấu súng với cảnh sát - Ảnh: AFP
Cuộc chiến ma túy trên là động thái mạnh tay mới nhất của chính quyền Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - người bị chỉ trích vì đàn áp các nhà báo và các đối thủ chính trị, nhằm bắt giữ, tra tấn và xử tử các thành phần bị nghi là chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Với cách thức hoạt động bị nghi là "tiền trảm hậu tấu", cuộc chiến chống tội phạm ma túy của Bangladesh đang được so sánh giống với chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Hơn 12.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch của ông Duterte trong hai năm qua. Tuy nhiên, nhà chức trách Bangladesh đã bác bỏ so sánh trên.
"Chúng tôi sẽ bảo vệ quốc gia chúng tôi khỏi các hang ổ ma túy như chúng tôi đã làm trong việc trấn áp các chiến binh Hồi giáo cực đoan" - bà Hasina tuyên bố.
Cảnh sát Bangladesh ước tính khoảng 7 triệu người trong số 160 triệu dân của nước này hiện nghiện ma túy, hầu hết là loại ma túy tổng hợp dạng viên có tên yaba. Nhiều người Bangladesh đã "thân tàn ma dại" vì loại ma túy trộn giữa ma túy "đá" và caffeine này.
Mặc dù ma túy không được sản xuất ở Bangladesh, nhà chức trách nước này cho biết số viên ma túy đá yaba trị giá hơn 40 triệu USD đã được tuồn vào Bangladesh mỗi năm từ Myanmar.
Bangladesh đã đưa ra các biện pháp mạnh tay chống lại ma túy yaba từ hè 2017 khi hàng trăm ngàn người Rohingya tràn vào biên giới Bangladesh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận