
Cô Tạ Thị Mai và mẹ năm 1975 - Ảnh: TGCC
Những ngày tháng đầu năm 1954 ấy, thật nhiều biến cố đã đến với đất nước và gia đình tôi. Sau Hiệp định Geneva, miền Bắc và miền Nam bị chia cắt thành hai bờ Bến Hải. Điều đó thì tận mãi sau này tôi mới biết. Bởi vì năm 1954, tôi mới lên 3.
Đầu năm 1954, giận chồng là một nhân viên Nhà đèn Chợ Quán, bà nội đưa 3 anh em chúng tôi ra Bắc. Ông nội đã có tình cảm với một cô gái Hoa kiều trẻ, và bà đã cay đắng trả thù bằng cách đưa cả 3 đứa cháu nội về quê hương Ninh Bình.
Bà không thể ngờ rằng chuyến đi đó đã chia cắt bà với miền Nam, nơi có chồng, con trai, con dâu, đến tận hơn 20 năm sau.
"Bố mẹ của cháu ở đâu?", "Bao giờ chúng cháu mới được gặp bố mẹ?"... Đó là những câu tôi thường hỏi bà khi còn nhỏ. Tôi, đứa con gái duy nhất trong 3 anh em. Anh trai tôi năm ấy 6 tuổi, tôi lên 3 và em trai tôi mới tròn 1 tuổi.
Bà nội sẽ thường lảng tránh câu hỏi thứ hai, bởi vì bà không biết, và gần như không ai biết, rằng bao giờ tôi mới được gặp lại mẹ cha. Có lẽ nỗi buồn giận vì sự phản bội của ông đã giữ bà lại quê hương, và ông bà tôi đã lìa xa nhau, mãi mãi.
Rồi tôi lớn lên trong lòng miền Bắc. Sau bao lần dời đổi vì sinh kế, bà cháu tôi trôi dạt lên tận dốc Kun, Hòa Bình.
Năm 1965, khi chưa đầy 15 tuổi, tôi đã khai rằng mình sinh năm 1947, tên là Tạ Thị Mai, để được nhận vào làm nhân viên trong Ty lương thực tỉnh Hòa Bình. Đó là công việc trong mơ đối với nhiều cô gái trẻ lúc ấy. Thực ra tôi sinh năm 1951, tên khai sinh là Tạ Hoàng Ngọc Mai.
Tôi lập gia đình và sinh con đầu lòng, vẫn không nguôi nghĩ đến ngày đoàn tụ. Bà nội và các anh em tôi cũng thế. Bởi vậy, ngày hòa bình, ngày thống nhất đối với chúng tôi là một khát khao cháy bỏng, lúc nào cũng đau đáu trong tim.
Với một phụ nữ như tôi, sự thiếu vắng tình mẹ càng cần được bù đắp hơn ai hết. Và bà nội tôi cũng xiết bao mong mỏi được gặp lại đứa con trai duy nhất của mình.
Tận chiều 30-4-1975, tôi mới nghe được bản tin chiến thắng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cả cơ quan tôi và cả miền Bắc vỡ òa trong niềm vui thống nhất. Riêng tôi, giọt lệ mừng vì sắp được đoàn tụ với mẹ cha hết vơi lại đầy.
Tôi được ưu tiên đi trên một trong những chuyến tàu thủy đầu tiên từ cảng Hải Phòng trở lại Sài Gòn. Vượt bao khó khăn, tôi cũng liên lạc được với mẹ.
Mẹ bảo mẹ sẽ cầm một tấm bảng lớn, trên đó có ghi tên anh trai tôi Tạ Tuấn Thành, để tôi nhận ra mẹ trong biển người. Thật cay đắng là chúng tôi không biết mặt nhau.
Lúc đó vào tầm tháng 7-1975, tôi đang có mang đứa con thứ hai. Sau vài ngày trên biển, tàu cập cảng Sài Gòn (bến Bạch Đằng ngày nay). Chiếc tàu thủy hú một hồi còi dài báo tin đã dừng, nhưng chưa ai được xuống. Tôi nhớ phải 2 tiếng sau, người trên tàu mới lần lượt rời khỏi boong.
Tôi đã nhận ra mẹ từ xa, người đứng dưới một gốc cây, cầm tấm biển lớn như quy ước giữa chúng tôi. Vả chăng tôi đã nhìn thấy mẹ hàng nghìn lần trong những giấc mơ thơ ấu, và tấm ảnh cha mẹ mà bà nội mang theo hơn 20 năm trước đã trợ giúp tôi.
Chúng tôi bật khóc trong tay nhau, buồn vui lẫn lộn. Rồi mẹ kể tôi nghe, ông nội đã cùng với người phụ nữ năm ấy đi mãi không về. Cha tôi cũng bỏ đi vào năm 1960, để lại cậu em út còn đỏ hỏn cho mẹ.
Mẹ sống ở xóm Chùa, chợ Tân Định. Năm ấy, khi đất nước hòa bình và chúng tôi được đoàn tụ cùng nhau thì em út tôi 15, mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi.
Tôi trấn an mẹ, rằng giờ đây tôi sẽ trở thành trụ cột. Tôi là người con của vùng đất hòa bình, sẽ mang lại cuộc sống bình yên. Khi về Nam cùng mẹ, chúng tôi đã dùng 2 loại tiền riêng đến tận đầu tháng 2-1978, khi ấy cả nước mới có đồng tiền thống nhất.
Tôi ở thăm mẹ chỉ được ít lâu, lo liệu ổn định cho bà rồi phải quay về Hòa Bình với công việc và chồng con, với cả bà nội nay đã già yếu lắm. Nghe tin không vui về ông nội và cha tôi, chẳng biết trong lòng bà nghĩ gì.
Bà cũng như anh em tôi, đã luôn hướng về miền Nam trong những năm dài xa cách. Tôi biết rằng mình sẽ nặng gánh hơn vì phải lo cho mẹ già và em trai, nhưng tôi cũng mừng vui vì nay đã sắp được gần bên mẹ.
Cuối năm 1978, tôi mới được chuyển vào miền Nam, chỉ còn cách mẹ 30 cây số. Ngày ấy đi lại khó khăn, nếu ở Hòa Bình thì vài năm tôi mới được gặp mẹ một lần. Các anh em trai tôi và bà nội cũng lần lượt quay về, bởi Bắc Nam đã hoàn toàn thống nhất.
Thời ấy cuộc sống cũng khó khăn. Tôi và các anh em đều rất chật vật. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cảm nhận sự bình yên vì chúng tôi được gần bên mẹ.
Thật lạ là mẹ đã không giận bà nội. Mẹ vẫn chăm sóc bà cho đến khi bà mất. Có lẽ sự cảm thông đã khiến nỗi buồn giận tiêu tan. Mẹ và bà đều là những phụ nữ không may, những người bị phản bội.
Chuyện hòa bình của gia đình tôi là thế, cay đắng mà cũng ngọt ngào. Tôi đã được ở bên mẹ đến năm 2017, khi bà mất ở tuổi 92.
Mẹ con tôi đã chia sẻ mọi vui buồn thời hậu chiến cùng nhau, đã sống trong hòa bình, đã cùng trải nghiệm hạnh phúc đoàn tụ. Vì đã đau nỗi đau chia cắt quá lâu, nên mỗi lúc bên nhau, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình. Một nền hòa bình vô giá.
Sự phản bội và chiến tranh, với tôi, đều là những điều kinh khủng. Cứ mỗi dịp 30-4, xem những hình ảnh và nghe lại bản tin chiến thắng, nước mắt tôi lại trào, tôi thầm gọi đó là bản tin đoàn tụ của chính gia đình tôi.
550 bạn đọc đã gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, diễn ra từ 10-3 đến 15-4) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.
Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email hoabinh@tuoitre.com.vn. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.
Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Tính đến hết ngày 14-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được hơn 550 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận