
Ban giám khảo và ban tổ chức chấm giải vào chiều 16-4 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chiều 16-4, Ban giám khảo cuộc thi gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ; TS Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM; nhà nghiên cứu - nhà văn Nguyễn Trương Quý đã làm việc để lựa chọn ra 16 tác phẩm trao giải.
Các bài đã chọn đăng trên Tuổi Trẻ được in thành sách Kể chuyện hòa bình, do NXB Phụ Nữ và báo Tuổi Trẻ ấn hành, phát hành dịp 30-4.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và giới thiệu đặc san Tuổi Trẻ 30-4 diễn ra lúc 9h30 sáng 26-4 (thứ bảy) tại Đường sách TP.HCM (quận 1).
Thân mời các tác giả đoạt giải và bạn đọc đến tham dự sự kiện ý nghĩa này.
Tròn 50 năm ngày đất nước thống nhất, 50 năm Bắc - Trung - Nam liền một dải hòa bình. Mỗi người con đất Việt đều có trong mình ký ức về những ngày hòa bình đó, có những câu chuyện của ông bà, câu chuyện của cha mẹ hoặc câu chuyện của chính mình.
Ngày 30-4-1975, bạn hoặc cha mẹ, ông bà của bạn ở đâu, cảm xúc của bạn ra sao? Đón nhận tin hòa bình như thế nào? Mỗi người một câu chuyện, một tâm trạng, một hành trình khác nhưng hẳn là chung những cảm xúc nôn nao khó tả.
30-4 năm đó, 30-4 của những năm hòa bình sau này, của những niềm vui vỡ òa khi sum họp và của cả nước mắt mất mát hy sinh để có ngày thống nhất, hòa bình cho đến hôm nay và chúng ta có trách nhiệm gìn giữ cho mai sau.
Những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình đã được hơn 800 bạn đọc gửi đến cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình để chia sẻ những kỷ niệm không quên về hòa bình của mỗi người, mỗi nhà.
Những câu chuyện mà họ là chứng nhân, qua đó suy ngẫm về những giá trị của hòa bình cho đến hôm nay giữa thế giới biến động.
Kết quả cuộc thi
Giải nhất:
- Đoàn Khuyên - Chuyện tình của ba má.
Hai giải nhì:
- Nguyễn Quốc Đạt - Sài Gòn, 30-4 và má.
- Nguyễn Lan Quy - Sự được mất do số phận sắp đặt.

Sách Kể chuyện hòa bình với 34 bài tuyển chọn từ cuộc thi
Ba giải ba:
- Vũ Thị Thùy Dương - Bản tin đoàn tụ.
- Bảo Nam - Người kể chuyện tháng Tư.
- Huỳnh Tới - Nước mắt vỡ òa trưa 30-4 năm đó.
10 giải khuyến khích:
- Hoàng Đôn Nhật Tân - Giờ chót của chiến tranh.
- Phạm Thị Ngọc Điệp - Đó là ngày 30-4.
- Trương Thị Hiền - Hòa bình, nhớ má.
- Hoàng Việt Hằng - Có những vết thương không nhìn thấy.
- Nguyễn Ngọc Tuệ Minh - Chiếc radio cũ của bà tôi.
- Lê Thị Nga - Ngày về của cha.
- Tâm Nguyễn - Quê hương vẫn đợi bố tôi trở về.
- Phan Khương - 9X nghĩ về hòa bình.
- Trần Hồng Hạnh - Vui sao nước mắt lại trào.
- Cao Hy - Hòa bình của người lính.
10 giải bạn đọc bình chọn:
- Nước mắt vỡ òa trưa 30-4 năm đó - tác giả Huỳnh Tới.
- Lắng nghe tiếng gió tháng tư - Nguyễn Thị Thu Huyền.
- Quê hương vẫn đợi bố tôi trở về - Tâm Nguyễn.
- Khoảnh khắc đặc biệt của một tấm hình - Nguyễn Văn Nhật Thành.
- Cái hẹn chưa tròn - Nguyễn Văn.
- Chuyện kể chiến tranh - Hòa Bình.
- Hòa bình có đẹp không mẹ? - Nguyễn Văn Nhật Thành.
- Ngày về của cha - Lê Thị Nga.
- Con đường chạy loạn của ông bà tôi và ngày hòa bình hôm nay - Nguyễn Minh Thái.
- Hòa bình của người lính - Cao Hy.

Tác giả Đoàn Khuyên chụp cùng ba mẹ - nhân vật của bài viết đoạt giải nhất Kể chuyện hòa bình - tại lễ cưới vàng kỷ niệm 50 năm ngày cưới - Ảnh: TGCC
Nhận xét về Chuyện tình của ba má của tác giả Đoàn Khuyên, giám khảo Nguyễn Trương Quý nói: "Bài viết gọn gàng, mạch lạc, kiệm lời về mối duyên của chính ba mẹ của tác giả, những người đã quen nhau trong tình huống chiến tranh và xây dựng cuộc sống sau chiến tranh cùng lúc với cuộc xây dựng đất nước thống nhất.
Câu chuyện nhỏ lồng trong câu chuyện lớn được kể một cách thong thả, không cần vận dụng nhiều tình huống éo le, khiến người đọc đồng cảm một cách bình tâm, có thể nhờ vào độ lùi thời gian đã đủ đầy.
Cách kể có vẻ đơn giản nhưng vẫn thu hút vì những tình huống khá "kinh điển" như hai người trẻ tuổi tìm nhau qua mục kết bạn trên báo hay những thư từ gắn bó, sự vỡ lẽ tưởng người quen mà hóa người lạ rồi lại thích nhau vì cái lạ đó.
Đương nhiên sự kiện 30-4-1975 là cái cớ để người lính thua trận quyết định ở lại mà không di tản để tìm bằng được người con gái đã hẹn thề. Số phận tình yêu, số phận gia đình không bao giờ tách rời số phận đất nước. Cái kết đủ ấm áp và nhân hậu để gói lại sự hoàn chỉnh của câu chuyện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận