
Khi lớn tuổi có nhau, cùng đi bên nhau, cùng chia sẻ những thăng trầm đã trải qua, trân quý hiện tại và hạnh phúc hơn - Ảnh minh họa: TỰ TRUNG
Nhìn tấm hình của bố tôi chụp sau khi hòa bình lập lại, tôi không khỏi xót xa. Ngày rời quân ngũ sau 9 năm nơi chiến trường ác liệt, bố tôi mới là người thanh niên 28 tuổi.
Ở tuổi cường tráng nhất nhưng bố tôi khi ấy gầy gò đến mức bà tôi bảo "không khác gì cái sào vắt thêm lên bộ quần áo".
Mỗi tháng 2 lần lên cơn sốt rét
Bố tôi nhìn vào hình, giọng đều đều kể lại chuyện xưa. Ngày ấy, như bao trai tráng trong làng, bố hăm hở lên đường nhập ngũ. Đằng đẵng 9 năm nơi chiến trường ác liệt, bố trở về trong sự bất ngờ của gia đình giữa bao nhiêu tin tức hy sinh của thanh niên cùng làng.
9 năm bố đi là 9 năm bà nội tôi như người mất hồn. 9 năm mòn mỏi cứ đến Tết, sau khi chuẩn bị mọi thứ xong xuôi là bà lăn ra ốm vì thương nhớ con.
9 năm sau, ngày bố tôi lành lặn trở về là ngày bà như được tái sinh lần nữa. Bà ôm bố vừa khóc vừa cười, nói chẳng thành lời. Đàn em 6 người của bố ngày nào bé xíu nay đã lộc ngộc trổ mã cũng hớt hải từ khắp nơi chạy về mừng anh.
9 năm bố đi, nhà lúc nào cũng u ám, nay mới vỡ òa hạnh phúc. Chỉ nghe bố kể thôi mà tôi cũng thấy rõ niềm hân hoan của cả nhà khi ấy. Tôi phải quay qua chỗ khác để giấu đôi mắt đang nhòe đi và cũng để tránh nhìn vào đôi môi bố đang run run nụ cười.
Tôi nhớ bố từng kể, trước khi vào chiến trường, bố hẹn ước với một cô gái vùng biển Hải Hậu - nơi bố tạm dừng chân trên đường hành quân. Tôi buột miệng hỏi: "Khi bố trở về, tại sao cô ấy chỉ đến thăm bố một lần rồi thôi?".
Bố nhìn xa xăm rồi nói: "Bố trở về làng với tấm thân tàn, mỗi tháng hai lần lên cơn sốt rét thì ai mà dám lại gần, người ta cũng phải biết chọn lựa chứ".
Bố trở về làng ở cái tuổi trai tráng đã thành gia lập thất, con cái đề huề. Biết bố tôi đau bệnh triền miên, cuối làng có cô gái chửa hoang, có người còn đánh tiếng nói bà nội tôi đi đón mẹ con họ về để bố tôi có được cả trâu lẫn nghé. Bà nội mắng họ cả buổi vì tức, vì xót bố tôi.
Bố kể đến đấy thì quay sang nhìn mẹ tôi mỉm cười rạng ngời rồi nói: "Họ coi thường bố quá, ngày bố dắt mẹ về ra mắt ông bà, cả làng kéo đến xem, họ không nghĩ bố lấy được vợ trẻ mà xinh như mẹ con". Bố nói vậy vì tuổi bố tôi hơn mẹ tận một con giáp.
Nghe bố kể, mẹ tôi xen vào: "Bây giờ thì bố mày mạnh miệng thế thôi, chứ ngày xưa, mãi không đẻ được chúng mày, bố mày đã viết đơn ly dị đòi giải thoát cho mẹ đấy".
Bố bảo ngày ấy chiến trường ác liệt, bố không biết nơi bố đi qua có bị nhiễm chất độc màu da cam hay không, đồng đội bố vô sinh hoặc sinh con dị dạng rất nhiều, bố không muốn vì bố mà tương lai của mẹ bị hủy hoại. Thật may mắn, chị em chúng tôi đã chào đời khỏe mạnh sau hai năm chờ đợi của cả dòng họ.
"Chuyến phượt" 9 năm
Chả trách vì thế mà bố luôn dành thời gian ngắm nhìn chị em chúng tôi mỗi tối, mỗi sáng, mỗi bữa ăn hằng ngày. Dù sức khỏe yếu nhưng bố tôi chưa khi nào than vãn nửa lời, bố hùng hục mưu sinh để nuôi chị em tôi nên người.
Dù chứng kiến những ngày bố bị hành hạ vì sốt rét, vì di chứng lao phổi nhưng chưa khi nào tôi thấy bố chán nản, mất sức sống.
Dù đau bệnh triền miên nhưng cứ ốm dậy là bố lại lao đi làm, chẳng nề hà việc gì, chưa khi nào bố để mẹ con tôi phải thiếu thốn. Dù thời ấy nhà hàng xóm phải ăn độn thì nhà tôi vẫn đủ cơm trắng ngày ba bữa.
Tôi hỏi bố có tiếc khoảng thời gian 9 năm ấy không, bố bảo: "Dễ ai có được chuyến phượt tận 9 năm thực tế sinh động và nhiều trải nghiệm như bố". Quả thật đó là những năm tháng vô cùng quý giá ghi dấu một thời tuổi trẻ hào hùng trong không khí cả nước sục sôi mà ít ai có được.
Giờ đây, ngày ngày bố mẹ tôi đều ríu rít bên nhau, cùng nấu những bữa cơm đạm bạc, cùng ăn sáng uống cà phê, cùng xem những bộ phim hay và nghe cải lương tuồng cổ. Tôi là con gái được nhìn cảnh bố mẹ quấn quýt cũng thấy vui lây.
Hằng ngày bố vẫn đạp xe ra thăm bà nội. Bà nội tôi vẫn mở tủ lấy những món ngon nhất, bổ nhất mà bà có để ép người con trai cả của bà ăn cho lại sức.
Năm nay bà nội tôi 96 tuổi, bố tôi 78 tuổi, ngày ngày nhìn ngắm đàn con, cháu, chắt, tứ đại đồng đường sinh sống xung quanh, bà nội tôi cứ nói mãi: "Nhà mình thật phước đức, tổ tiên đã phù hộ nên bố chúng mày mới trở về lành lặn như thế. Ngày ấy bố mày không về chắc bà cũng chả còn sống đến giờ".
Tôi cũng khá bất ngờ khi bố tôi ngày càng khỏe mạnh. Có lẽ tinh thần người lính không bao giờ nao núng trước khó khăn, luôn lạc quan yêu đời và thói quen sinh hoạt điều độ đã giúp bố tôi sống vui, sống khỏe bên vợ con.
Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, diễn ra từ 10-3 đến 15-4) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.
Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email hoabinh@tuoitre.com.vn. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.
Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Tính đến hết ngày 11-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được 500 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận