
Hai bà cháu chụp ở Lăng Bác, năm 2020
Hôm đó là một buổi sáng chủ nhật bình thường như bao ngày khác. Cả nhà lại kéo nhau về thăm bà nội. Người lớn thì ngồi nói chuyện rôm rả còn tôi ngồi khom lưng tại một xó trong nhà, đeo tai nghe và bật mấy bài nhạc yêu thích.
Ba mươi phút trôi qua. Rồi một tiếng.
Tự nhiên tôi cảm thấy thật bồn chồn, nao núng. Đúng rồi, còn một nơi tôi gọi là ‘căn phòng bí mật’, nơi ẩm thấp, cũ kỹ, bụi bặm mà tôi chưa bao giờ khám phá trước đây tại nhà bà.
Tôi leo lên cầu thang, mỗi bậc thang như dài ra vô tận. Cuối cùng, tôi cũng chạm chân tới tầng bốn. Ngước lên, trước mặt tôi là một cánh cửa gỗ cũ kỹ, phủ đầy bụi. Tôi đẩy nhẹ. Không được. Phải dùng sức hơn một chút.
"Cạch".
Cánh cửa mở ra, đập vào mắt tôi là một chiếc radio cũ nằm im lìm.
Tôi chần chừ, rồi với tay bật thử. Không có âm thanh nào phát ra ngoại trừ vài tiếng rè rè nhỏ.
Tôi vội ôm chiếc radio chạy xuống bếp, nơi bà đang lúi húi nấu ăn. Lúc này, những món ăn thơm lừng chẳng còn đủ sức hấp dẫn tôi nữa. Tôi cần phải biết. Tôi cần phải nghe câu chuyện đằng sau những kỷ vật này.
"Bà ơi, chiếc radio này sao nhìn cũ thế ạ. Bà kể con nghe về nó đi." Tôi níu tay bà, nhảy cẫng lên như thể là đứa trẻ lên ba.
Bà tôi mỉm cười, ánh mắt trầm lắng rồi nhẹ nhàng gật đầu. Bà bỏ dở công việc nấu ăn, giao lại cho ông và cùng tôi đi lên căn phòng cũ kỹ đó.
Cánh cửa khẽ kêu ‘’cọt kẹt’’ khi được mở. Tôi đi theo sau, lòng đầy háo hức. Bà đứng trước chiếc bàn gỗ cũ, nơi chiếc radio bao năm chưa chạm đến giờ đây bị bao phủ bởi lớp bụi thời gian. Bà chậm rãi ngồi xuống chiếc giường thô sơ, đôi tay run run vuốt ve những kỷ vật như thể mỗi lần chạm vào, bà lại cảm nhận được những hơi ấm của miền ký ức xưa vậy.

Bà tôi (thứ 2 từ trái qua), ảnh chụp tại Đài tiếng nói Việt Nam.
"Ngày đó con à, khi bà và ông con chỉ mới là những thiếu niên tuổi đôi mươi, mọi chuyện còn xa vời lắm. Ở cái tuổi sinh viên mà chiến tranh đã kéo đến quá gần. Bà phải rời Hà Nội lên tận Thái Nguyên lánh bom đạn. Khi đó, bà còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đâu có biết chiến tranh sẽ đến nhanh đến vậy".
Bà ngừng lại một chút, đôi mắt bà nhìn xa xăm, như thể đang thấy lại mình của những năm tháng ấy.
"Bà nhớ lúc đó, bà không phải gánh vác sứ mệnh nặng nề như những người lính ngoài kia. Họ khoác lên mình những sấp bom đạn nặng trĩu, mang trên vai trọng trách lớn lao. Đôi khi, sự sống của họ còn mong manh hơn cái chết. Ngoài kia biết bao người phải gác lại việc học vì Tổ quốc, bà quyết sẽ cống hiến cho Tổ quốc bằng con đường trí thức, thứ bà may mắn được trời ban".
Bà thở dài, một thoáng buồn vương trên gương mặt bà. Tôi nhìn bà, ngồi lặng im, lòng bâng khuâng.
"Khi ấy, bà mới vào nghề báo, bà được phân công viết về chương trình phát thanh vào Nam. Bà đã ghi lại những diễn biến, những số liệu của cuộc chiến cũng như động viên lực lượng của ta ở chiến trường.
Mỗi bài viết đều khiến lòng bà quặn thắt, không phải do ngôn từ, mà là những khắc khoải, những mất mát không thể thốt nên lời. Bà viết về những người lính anh dũng, nhưng không thể nào viết hết những cảm giác chênh vênh, lo sợ ấy. Chỉ có những ai sống trong chiến tranh mới hiểu hết cảm giác ấy".
Bà ngừng lại một lát, như thể muốn dừng để tìm lại chính mình trong những ký ức đau buồn đó. Rồi bà tiếp tục, giọng trở nên dịu dàng hơn.
"Dù vậy, trong những tháng ngày ấy, có một thứ vẫn luôn tồn tại. Đó là niềm tin, là hy vọng rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ được sống trong hòa bình, và khi bà nghe được tin hai miền được thống nhất, bà, và cả ông con cùng bao nhiêu người khác vỡ òa".
Bà ngừng lại một lát, như để hồi tưởng. Tôi ngồi yên, chăm chú lắng nghe từng từ, từng câu.
"Hồi ức khi nghe được tin ngày 30-4, lúc đó chiếc radio này chính là sợi dây kết nối bà với cả nước. Khi phát thanh viên thông báo: ‘Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất’. Ai ai cũng bật khóc, những giọt nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc, của một giấc mơ bấy lâu nay chưa được hiện thực hóa".
Tôi thấy khóe miệng bà khẽ nhún, nở một nụ cười hiền hậu.
"Cùng năm ấy, ông bà kết hôn. Để tưởng nhớ ngày này, bà đã đặt tên bố con là Hoài Nam. Hoài ở đây mang hàm ý về sự da diết của niềm vui, còn Nam chính là miền Nam".
"Và chiếc radio này… chính nó đã đưa bà đến một quyết định quan trọng như vậy. Mỗi lần bà nhìn thấy nó, bà lại nhớ về ngày đó, ngày mà đất nước mình được giải phóng, ngày mà bà và biết bao nhiêu người đã mơ về một Việt Nam hòa bình".

Bà tôi, kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Việt Nam
Tôi ngẩng lên nhìn bà, ánh mắt lặng lẽ chứa đựng bao điều khó nói. Trong lòng tôi, dù bà không phải người trực tiếp cầm súng ra chiến trường như những chiến sĩ ngoài kia, tôi hiểu rằng, trong tim bà luôn chất chứa một ngọn lửa của tình yêu nước vô bờ bến.
Đó là khát vọng hòa bình cháy bỏng, những cống hiến thầm lặng mà bà đã dành trọn vẹn cho đất nước.
Những nỗi lo không thể nói ra, những hy sinh không ai biết đến, tất cả đều nằm trong những dòng chữ bà viết, trong từng bước đi mà bà đã dày công trải qua để đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại những gì bà đã trải qua, tôi mới thấy mình may mắn biết bao. Một người phụ nữ nhỏ bé như bà dành cả tuổi trẻ cho đất nước, sống giữa những tháng ngày biến động.
Tôi tự hỏi, nếu mình ở hoàn cảnh đó, liệu có đủ dũng cảm như bà không? Tôi không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi biết chắc một điều, tôi muốn trở thành người có ích, muốn sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của thế hệ trước.
Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, diễn ra từ 10-3 đến 15-4) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.
Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email hoabinh@tuoitre.com.vn. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.
Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Tính đến hết ngày 10-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được 470 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận