Một tiệm bán hàng mang đi trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngay cả những doanh nghiệp F&B (thực phẩm, thức uống) muốn mở cửa hoạt động trở lại cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu thủ tục.
Vẫn phải chờ hướng dẫn
Đại diện Công ty Tasty Kitchen cho biết đã liên hệ với phường tại nơi đặt các chi nhánh để hỏi thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm được cấp giấy đi đường cho nhân viên.
Tuy nhiên, ngoại trừ một phường không ai cầm máy, hai phường còn lại hướng dẫn lên phòng kinh tế của quận để khai báo khả năng đáp ứng các điều kiện nhưng vẫn phải chờ công an cấp giấy mới được. Do đó, doanh nghiệp chưa thể hoạt động bán thức ăn mang đi ngay.
Nhiều chuỗi cửa hàng F&B tại TP.HCM dù rất muốn sớm mở cửa trở lại để bán hàng mang đi nhưng cũng phải chờ hướng dẫn.
Đại diện Starbucks VN cho biết việc kinh doanh của hệ thống vốn chịu sự quản lý của cấp TP, nhưng trong dịch công tác này lại được đưa về các quận, huyện. Vì vậy, để mở lại các điểm bán lúc này, các chi nhánh phải làm việc với từng cơ quan quản lý nơi trú đóng và đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể nên vẫn phải chờ.
"Về các điều kiện nhân sự như đã tiêm vắc xin hay kết nối với dịch vụ giao hàng, chúng tôi đều sẵn sàng nhưng cũng khó mở lại ngay vì phải đợi hướng dẫn cụ thể cũng như đánh giá các điều kiện khác" - vị này nói.
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh F&B, dù đã liên hệ với các cơ quan chức năng để được cấp giấy đi đường theo công văn 2800 ngày 21-8 của UBND TP.HCM với các điều kiện kèm theo, nhưng với mẫu điền xin giấy đi đường cho nhân viên lại vẫn phải chờ.
Cân nhắc hoạt động từng phần
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc kinh doanh trở lại lúc này rất tốn kém và khó khả thi trước những quy định nghiêm ngặt phòng chống dịch.
Đại diện một cơ sở kinh doanh ẩm thực tại Bình Thạnh cho biết chi phí tăng cao do nguyên liệu tăng, xét nghiệm nhân viên, duy trì "3 tại chỗ", chiết khấu 20 - 25% cho giao hàng công nghệ. Do đó, khi mở lại, mỗi đĩa cơm phải bán 50.000 - 60.000 đồng (tăng 20.000 đồng so với bình thường), và bán số lượng đủ nhiều mới dám nghĩ đến lợi nhuận.
Với 10 điểm bán hiện có, ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống lẩu gà nòi ớt hiểm 109 (quận Phú Nhuận) - cho biết nhân lực gặp khó do phần lớn nhân viên đang bị cách ly hoặc trong vùng đỏ và chi phí gia tăng là hai khó khăn chính.
"Nếu không giải quyết được hai vấn đề trên, chúng tôi chấp nhận dời lại thời gian mở cửa, bởi hoạt động thời điểm này quá nhiều rủi ro" - ông Thịnh nói.
Theo chị Nga - chủ quán cơm tại quận Bình Thạnh, từ khi biết TP tạm ngưng dịch vụ ăn uống mang đi, quán cơm của chị chuyển sang bán rau củ quả và thịt sơ chế, thủy sản tươi sống.
"Sơ chế thực phẩm cần nhân lực cũng ít hơn, đơn hàng đặt trên ứng dụng công nghệ, tài xế tới thì mình giao hàng ra thôi, không cực như bán món ăn" - chị Nga cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận