19/12/2021 19:34 GMT+7

Băn khoăn với yêu cầu kiện toàn lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn và yêu cầu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo, quản lý của trường. Tuy nhiên có nhiều ý kiến băn khoăn việc này.

Băn khoăn với yêu cầu kiện toàn lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Ngô Anh Tuấn và ông Đỗ Văn Dũng (thứ hai, thứ ba từ trái) hiện không còn là thành viên hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và đào tạo đã làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, hội đồng trường và Đảng ủy khối ĐH, CĐ TP.HCM về việc kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Xem xét chức vụ hiệu phó với TS Trương Thị Hiền

Trên cơ sở báo cáo của đoàn công tác, bộ yêu cầu tập thể lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xây dựng trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền của chức vụ phó hiệu trưởng đối với TS Trương Thị Hiền và các chức vụ quản lý cấp phòng, khoa và tương đương trở xuống đã hết thời hạn bổ nhiệm; xin ý kiến Đảng ủy trường và trình hội đồng trường xem xét, quyết định.

Hội đồng trường thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trương Thị Hiền và các chức danh quản lý khác theo đúng quy định của pháp luật. Kiện toàn hội đồng trường, cụ thể: 

Thực hiện quy trình, thủ tục bổ sung 2 thành viên hội đồng trường (do ông Đỗ Văn Dũng thôi thành viên đương nhiên và ông Ngô Anh Tuấn xin thôi thành viên); làm việc với các thành viên hiện tại để xin ý kiến về việc tiếp tục hoặc không tiếp tục tham gia hội đồng trường; thực hiện trình tự, thủ tục thay thế (nếu có).

Hiệu trưởng phải được tập thể lãnh đạo mở rộng tín nhiệm

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo, hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thực hiện trình tự, thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng hoặc giao quyền hiệu trưởng, đảm bảo yêu cầu với vị trí hiệu trưởng hoặc được giao quyền hiệu trưởng phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để điều hành, quản lý hoạt động của trường đi vào ổn định; được đa số thành viên tập thể lãnh đạo mở rộng tín nhiệm.

"Sau khi thực hiện xong quy trình nhân sự hiệu trưởng; hội đồng trường, hiệu trưởng thực hiện việc xem xét, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ phó hiệu trưởng và các chức vụ quản lý cấp phòng, khoa và tương đương trở xuống theo thẩm quyền đối với từng chức vụ theo quy định.

Hội đồng trường căn cứ tình hình nhân sự cụ thể của trường (trong đó lưu ý xem xét về công tác rà soát quy hoạch để đảm bảo số lượng, chất lượng cho các quy trình lựa chọn nhân sự) nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi tiết (nội dung công việc, thời gian hoàn thành...) để triển khai thực hiện các nội dung trên, báo cáo bộ trước khi thực hiện", Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu.

Nhiều băn khoăn

Ngay sau khi nhận được công văn hướng dẫn, nhiều cán bộ chủ chốt và hội đồng trường này đã tỏ ra băn khoăn. Vì theo kết luận thanh tra 611 của Bộ Giáo dục và đào tạo, việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm do bộ cấp trong năm 2014 cho trường có nhiều thiếu sót, sai phạm hàng chục tỉ đồng.

Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo nhà trường tại thời điểm đó là ông Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng, ông Lê Hiếu Giang và bà Trương Thị Hiền (đều là các hiệu phó - là người ký các văn bản kê chứng từ thanh toán, danh sách chi trả tiền miễn giảm học phí không đúng với quy định).

"Cả ông Đỗ Văn Dũng và Lê Hiếu Giang đều đã bị kỷ luật. Riêng bà Trương Thị Hiền - nguyên hiệu phó, nguyên kế toán trưởng, do sự việc diễn ra từ năm 2014, hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Nay không hiểu sao bà Hiền lại được bộ yêu cầu xem xét lại vị trí hiệu phó", một giảng viên thắc mắc.

Nhiều cán bộ khác của trường còn băn khoăn việc xác định thời điểm chấm dứt nhiệm kỳ của hiệu phó trong bối cảnh áp dụng Luật giáo dục ĐH mới, đó là hiệu phó đã hết nhiệm kỳ có được tiếp tục giữ chức vụ khi hội đồng trường mới đã được thành lập? Thời điểm chấm dứt nhiệm kỳ thế nào? Nếu hiệu trưởng không đề xuất một người giữ chức vụ hiệu phó thì hội đồng trường có quyền bầu người khác?

Có hiệu trưởng mới bầu hiệu phó

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM), Luật giáo dục ĐH 2012 quy định hiệu phó được bộ trưởng bổ nhiệm theo nhiệm kỳ hiệu trưởng, nên khi hiệu trưởng hết nhiệm kỳ thì hiệu phó cũng sẽ hết theo.

Khi Luật giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung 2018 và nghị định 99/2019 được ban hành, có quy định mới: hiệu trưởng mới được hội đồng trường bầu, và hội đồng trường sẽ bầu hiệu phó theo đề xuất của hiệu trưởng mới. Lúc này, không thể đồng thời xảy ra việc hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu phó với việc một cá nhân, tổ chức khác quyết định bổ nhiệm, kéo dài nhiệm kỳ của hiệu phó.

"Nếu hiệu trưởng không đề xuất nhân sự thì hội đồng trường không có căn cứ để thảo luận biểu quyết bầu hiệu phó, trừ trường hợp quy chế trường đó quy định khác. Như vậy, hiệu phó được bộ trưởng bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 2013-2018 thì không thể tiếp tục làm hiệu phó đến tận bây giờ nữa.

Đối với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong thời gian tới, sau khi có hiệu trưởng mới (hoặc quyền hiệu trưởng) thì mới đề cử nhân sự hiệu phó để hội đồng trường bầu", bà Dung cho biết thêm.

Chủ tịch hội đồng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thôi chức vụ Chủ tịch hội đồng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thôi chức vụ

TTO - Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa bỏ phiếu đồng ý cho chủ tịch hội đồng trường là ông Ngô Văn Thuyên thôi chức vụ này.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên