Triều Tiên kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội - Ảnh: Reuters |
Đã không có hành động quá căng thẳng nào xảy ra trong ngày CHDCND Triều Tiên kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội. Nguồn tin từ Hãng Yonhap (Hàn Quốc) cho hay Triều Tiên chỉ thực hiện buổi tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại thành phố cảng Wonsan, phía đông Triều Tiên.
Dồn dập các cuộc gặp
Cùng ngày, Mỹ đã điều tàu USS Michigan, tàu ngầm lớp Ohio chạy bằng năng lượng hạt nhân đến cập cảng Busan của Hàn Quốc. Động thái này phản ánh mối lo ngại mà Hãng tin Reuters mô tả là sự náo động cả về quân sự lẫn ngoại giao tại Bắc Á.
Các đặc sứ cấp cao về hạt nhân của Nhật - Mỹ - Hàn cũng gặp nhau tại Tokyo để thảo luận về phương án buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshide Suga cho hay phái viên hạt nhân Trung Quốc Wu Dawei sẽ gặp quan chức Bộ Ngoại giao Nhật ngày 25-4, sau đó dự kiến gặp người đồng cấp bên phía Nhật hôm nay 26-4.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cũng sẽ có cuộc họp bất thường trước Thượng viện về Triều Tiên ngày 26-4. Riêng ông Tillerson được thông báo sẽ chủ trì một cuộc họp cấp cao tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 28-4 tới, cũng xoay quanh vấn đề Triều Tiên.
Trước đó vào hôm 24-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Liên Hiệp Quốc có biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Bình Nhưỡng, rằng đó là một mối hiểm họa toàn cầu và là “một vấn đề chúng ta sau cùng phải giải quyết”.
Thế lưỡng nan của Mỹ
Có thể thấy trong giai đoạn này, chính quyền của ông Donald Trump tỏ ra sốt sắng với vấn đề Triều Tiên. Đơn cử là việc Nhà Trắng triệu tập toàn thể Thượng viện Mỹ, gồm 100 thượng nghị sĩ và cả Ngoại trưởng Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho cuộc họp ngày 26-4 (giờ Mỹ).
Cái khó nhất của người Mỹ hiện nay là họ chưa tìm ra phương thức xử lý vấn đề Triều Tiên, trong khi thời gian thì không còn nhiều nữa. Đây là ý kiến của tờ New York Times trong bài viết ngày 24-4. Theo đó, đằng sau sự hối hả bất thường của chính quyền ông Trump với Triều Tiên là một phép tính đáng lo ngại: ngày càng xuất hiện các thông tin tình báo và chuyên gia nghiên cứu kết luận rằng Triều Tiên có khả năng sản xuất một quả bom hạt nhân chỉ sau mỗi 6 hoặc 7 tuần lễ. Nói cách khác, tốc độ chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang lý giải tại sao chính quyền của ông Trump đang cạn dần thời gian để hóa giải mối hiểm họa này.
Sự tiến bộ từng bước của Bình Nhưỡng trong công nghệ đầu đạn cho thấy ít nhất một vài năm nữa họ có thể tấn công đến thành phố Seattle, bang Washington. Giáo sư Siegfried Hecker tại Đại học Stanford - người tham gia công tác chỉ đạo tại xưởng vũ khí Los Alamos, nơi sản sinh ra bom nguyên tử - khẳng định Triều Tiên đã “nghiên cứu được rất nhiều”.
Sự gấp rút của Mỹ được thể hiện qua việc ông Trump kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên vừa qua. Các quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng muốn việc trừng phạt bao gồm việc cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Triều Tiên.
Dĩ nhiên để trừng phạt Triều Tiên, người Mỹ sẽ nghĩ đến Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng. Hôm chủ nhật (23-4), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần thứ hai kể từ đầu tháng 4 này có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh những hành động làm căng thẳng gia tăng.
Trong nhiều ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã cảnh báo tất cả các biện pháp, bao gồm quân sự, đối với Triều Tiên đều “đang được xem xét”. Đài Fox cũng dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ tìm cách mở rộng lựa chọn quân sự với Triều Tiên. Nhưng trong tình thế hiện tại, với một Trung Quốc không muốn nhìn thấy xung đột quân sự, chính quyền của ông Trump sẽ rất khó xử.
Người Nhật gấp rút xây hầm tránh hạt nhân Với lo ngại gia tăng về việc Triều Tiên có thể thử hạt nhân, các thành phố và quận ở Nhật Bản mấy ngày gần đây xôn xao về những thông tin chuẩn bị nếu nước này bị Triều Tiên đưa vào tầm ngắm. Cổng thông tin về bảo vệ người dân của nội các Nhật Bản, nơi ban hành thông tin chuẩn bị trên, đã bùng nổ với 2,6 triệu lượt xem trong tháng 4 này, so với chỉ 450.000 lượt hồi tháng 3, theo báo Japan Times. Chính quyền TP Tokyo khuyến cáo mọi người chỉ có khoảng 10 phút để hành động kể từ lúc thông tin cảnh báo về trường hợp bị Triều Tiên tấn công hạt nhân và tới khi tác động của việc này diễn ra, tức quá ít thời gian để chạy trốn đến nơi an toàn. Trong khi đó, thông tin Reuters ghi nhận ngày 25-4 cho thấy có một cơn sốt xây dựng hầm trú ẩn hạt nhân và thiết bị lọc khí, chặn bức xạ tại Nhật Bản. Một công ty chuyên xây dựng hầm trú ẩn hạt nhân tại gia ở Nhật đã nhận 8 hợp đồng trong tháng 4 này, trong khi thông thường một năm họ chỉ có 6 hợp đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận