24/04/2017 10:34 GMT+7

Lại nín thở vì… Triều Tiên 

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Không chỉ thách thức Mỹ, Bình Nhưỡng mới đây còn dọa tấn công hạt nhân Úc nếu Canberra hùa theo Washington dùng đòn cấm vận.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên ngày 16-4 tại Seoul - Ảnh: Reuters
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên ngày 16-4 tại Seoul - Ảnh: Reuters

Theo báo New York Times, giới quan sát lo ngại một màn trình diễn sức mạnh mới - có khả năng là hạt nhân - sẽ diễn ra nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên (25-4).

Hình ảnh vệ tinh mới nhất từ bãi thử hạt nhân Punggye-ri của CHDCND Triều Tiên cho thấy các hoạt động tại đây đã được nối lại sau vài ngày gián đoạn.

“Dựa trên những lời lẽ, hành động khiêu khích của Triều Tiên và ngày kỷ niệm thành lập quân đội 25-4 sắp đến, có cơ sở để lo ngại họ sẽ hành động vào bất cứ lúc nào” - quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn nhận định.

Nguy cơ hạt nhân lơ lửng

Hai chuyên gia về Triều Tiên Joseph S. Bermudez Jr. và Jack Liu mới đây đăng tải một số hình ảnh vệ tinh chụp ngày 19-4 từ bãi thử hạt nhân Punggye-ri (đông bắc Triều Tiên) trên trang web 38North liên kết với ĐH John Hopkins (Hoa Kỳ).

Họ quan sát thấy một vật thể giống xe kéo nằm gần cửa ra vào đường hầm, nơi Triều Tiên dường như đang chuẩn bị một vụ thử hạt nhân.

Trong một số chi tiết khác, Bermudez và Liu lưu ý những chiếc xe dùng di chuyển trong hầm mỏ đang nằm trên đường ray dẫn tới một đống đổ nát, một tấm lưới phủ kín các thiết bị...

Ngoài ra, các máy bơm đã ngưng hút nước ra khỏi đường hầm. Trong một báo cáo trước đó, các nhà phân tích nhận xét điều này có thể do đường hầm đã được phong tỏa, chuẩn bị một vụ thử hạt nhân mới.

Trong các ảnh vệ tinh hôm chủ nhật 16-4, người ta quan sát thấy Triều Tiên cho tổ chức thi đấu bóng chuyền ở Punggye-ri. Có hai giả thiết đặt ra:

(1) Đó chỉ là hoạt động bình thường vào ngày cuối tuần;

(2) Triều Tiên cố tình làm như vậy vì họ biết chính xác khi nào các vệ tinh thương mại sẽ bay qua khu vực này. Đến ngày 19-4 thì hoạt động thể thao đã chấm dứt.

“Dù thế nào đi nữa, hình ảnh vệ tinh tiếp tục củng cố khả năng bãi Punggye-ri có thể tiến hành thử hạt nhân lần 6 vào bất cứ lúc nào nếu có chỉ thị của Bình Nhưỡng” - chuyên gia Bermudez và Liu kết luận.

Nếu Triều Tiên nối lại hoạt động thử hạt nhân, đây sẽ là một thách thức lớn gửi đến Mỹ. Phát biểu nhân chuyến thăm Hàn Quốc tuần trước, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Bình Nhưỡng “tốt nhất đừng nên thử thách quyết tâm của ông Trump hoặc sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực”.

Cuộc chiến ngoại giao leo thang

Trong khi hạm đội tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ dự kiến có mặt ở khu vực biển Nhật Bản vào cuối tháng này, báo Rodong Sinmun của Triều Tiên tuyên bố quân đội của họ đã sẵn sàng “đánh chìm hạm đội Mỹ chỉ trong một đòn tấn công”.

Trước đó, Bình Nhưỡng dọa sẽ tấn công hạt nhân Úc, sau khi Ngoại trưởng Julie Bishop đề cập khả năng Canberra mở rộng cấm vận Triều Tiên.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích Canberra không chút kiêng nể: “Nếu Úc nhất định nối gót Mỹ cô lập Triều Tiên, đây sẽ là hành động tự sát, tự đưa mình vào tầm tấn công của lực lượng hạt nhân chiến lược Triều Tiên. Bà ngoại trưởng Úc nên nghĩ kỹ về hậu quả trước khi phát ngôn chạy theo Mỹ”.

Chính trường Úc phản ứng khá thận trọng trước lời đe dọa, lưu ý rằng đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng dùng lời lẽ này với các nước.

Ông Richard Marles, nghị sĩ thuộc Đảng Lao động đối lập Úc, nhận định khả năng xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên là không cao và ông ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ.

“Tôi cho rằng một lập trường cứng rắn hơn của Mỹ đối với Triều Tiên không hẳn là điều xấu” - ông Marles nhận xét.

Theo AFP, đặc phái viên Triều Tiên của Mỹ - ông Joseph Yun - trong tuần này sẽ bay đến Nhật để hội đàm với các đồng sự Kenji Kanasugi (Nhật) và Kim Hong Kyun (Hàn Quốc).

“Ba nhà ngoại giao sẽ thảo luận tình hình bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ trao đổi thường xuyên và hợp tác ba bên trong vấn đề này” - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Washington không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên, nhưng trước mắt phương án hợp tác với Trung Quốc để gây sức ép lên Bình Nhưỡng đang được ưu tiên.

Người Nhật đề phòng tấn công tên lửa

Theo Japan Times, chính quyền Nhật tiếp tục đưa ra các chỉ dẫn ứng xử cho người dân trong trường hợp họ bị tấn công tên lửa.

Những lời khuyên mới nhất bao gồm: tránh xa cửa sổ, mở tivi theo dõi, trốn vào các công trình kiên cố, nằm xuống đất che đầu, dừng ngay phương tiện giao thông và chạy ra xa, dùng khăn mặt che mũi, miệng...

Nhật có một hệ thống cảnh báo sớm trên khắp cả nước, kết nối nhờ các loa phóng thanh, phần mềm điện thoại... Hệ thống này được đặt trong tình trạng cảnh giác cao sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi tháng trước. Theo tính toán, một tên lửa đạn đạo mất khoảng 10 phút để bay quãng đường 1.600km từ bãi phóng ở Triều Tiên đến đảo Okinawa của Nhật.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên